Đánh thức tiềm năng du lịch Bái Tử Long, Quảng Ninh

                     Khu vực hòn Thiên Nga tại vụng Trà Thần, thuộc Vườn Quốc gia Bái Tử Long có tiềm năng để phát triển du lịch tham quan trong ngày.
Nằm cạnh Di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Vườn Quốc gia Bái Tử Long là 1 trong 7 Vườn quốc gia của Việt Nam, với những giá trị đặc sắc về cảnh quan thiên nhiên và tài nguyên đa dạng sinh học độc đáo. Việc khai phá các giá trị, đánh thức tiềm năng du lịch nơi đây được kỳ vọng sẽ mang lại những trải nghiệm mới mẻ, thu hút đông hơn nữa lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến với Quảng Ninh.


Cây Trâm đỏ tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long vừa được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Đây là tiền đề để phát triển du lịch sinh thái rừng tự nhiên gắn với điểm đến là các cây Di sản.

Vườn quốc gia Bái Tử Long được thành lập ngày 01/6/2001 tại Quyết định số 85/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở mở rộng và chuyển hạng từ Khu bảo tồn thiên nhiên Ba Mùn. Vườn quốc gia Bái Tử Long có tổng diện tích 15.783ha, trong đó có 6.125ha diện tích các đảo nổi và 9.658ha diện tích mặt nước biển, bao gồm trên 80 hòn đảo lớn, nhỏ thuộc địa giới hành chính của 3 xã: Minh Châu, Hạ Long và Vạn Yên (huyện Vân Đồn). Nơi đây sở hữu giá trị đa dạng sinh học cao và cảnh quan vô cùng đặc sắc.

Qua nghiên cứu của các nhà khoa học, các loài động, thực vật có tại khu vực vịnh Hạ Long hầu hết cũng xuất hiện ở vùng vịnh Bái Tử Long. Cho đến nay ghi nhận sự xuất hiện của 2.415 loài sinh vật gồm 1.195 loài động thực vật rừng và 1.220 loài sinh vật biển. Trong đó, có 106 loài được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam, Danh mục đỏ Thế giới. Với những giá trị về cảnh quan thiên nhiên, đa dạng các hệ sinh thái, đa dạng nguồn gen cũng như thành phần loài, đặc biệt là giá trị đặc hữu của Hệ sinh thái tùng, ngày 30/9/2016, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á chính thức công nhận Vườn quốc gia Bái Tử Long trở thành Công viên ASEAN thứ 38 trong khu vực.

Thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU (ngày 30/10/2023) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về xây dựng và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững, trong đó có nhiệm vụ giải pháp về khẩn trương kiểm kê, rà soát, lập hồ sơ đăng ký công nhận Cây Di sản Việt Nam. Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long đã chủ động trong việc điều tra, kiểm kê làm cơ sở lập Hồ sơ đề nghị Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam xem xét.

Qua rà soát, xét các tiêu chí, Hội đồng thẩm định Cây Di sản Việt Nam đã chính thức công nhận 3 cây Trâm vỏ đỏ, 3 cây Trai lý và quần thể 150 cây Trâm mốc tại Vườn quốc gia Bái Tử Long trở thành Cây Di sản Việt Nam. Đây là sự kiện có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc nhằm tôn vinh các giá trị tài nguyên đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Bái Tử Long – Vườn di sản ASEAN. Đây cũng là cơ sở để Vườn quốc gia Bái Tử Long chuyển hướng đến mục tiêu phát triển du lịch sinh thái trong khu vực, như: Tham quan hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn với điểm đến là các cây Di sản; ngủ đêm trên vịnh tại Máng Hà; lặn biển ngắm san hô tại đảo Đá Ẩy; chèo thuyền kayak tại luồng Cái Đé…


                      Khu vực luồng Cái Đé trên vịnh Bái Tử Long có chiều dài 2,1km, thích hợp để thực hiện du lịch trải nghiệm chèo thuyền kayak.

Để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch vịnh Bái Tử Long, mở rộng không gian du lịch và giảm tải cho vịnh Hạ Long cũng như làm mới các sản phẩm du lịch biển đảo của Quảng Ninh, hiện nay một số điểm tham quan du lịch mới trên vịnh Bái Tử Long đã được đề xuất UBND tỉnh. Theo đó, sẽ có 2 tuyến tham quan, du lịch dự kiến được đưa vào khai thác gồm, tuyến 1: Cảng Ao Tiên – Hang Phất Cờ – Nuôi trồng trai ngọc (hòn Đá Đen) – Hòn Quạ – Cống Lão Vọng – Hòn Đũa – Đảo Minh Châu – Cảng Ao Tiên; tuyến 2: Cảng Ao Tiên – Đảo Tây Hoi – Hòn Mèo Lười – Bản Sen – Hang Nhà Trò – Cảng Ao Tiên.

Ngoài ra, Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long cũng đề xuất một số hoạt động du lịch sinh thái với các tuyến du lịch, như: Tuyến đi trong ngày xuất phát từ cảng Ao Tiên đi làng chài cống Lão Vọng – đảo Trà Ngọ lớn – hòn Thiên Nga. Tuyến 2 ngày 1 đêm xuất phát từ cảng Ao Tiên – khu Cái Đé – điểm đỗ nghỉ đêm Máng Hà, và tuyến 3 ngày 2 đêm xuất phát từ cảng Ao Tiên – vụng Trà Thần (đảo Trà Ngọ lớn) – bãi tắm Cái Lim – điểm đỗ nghỉ đêm Máng Hà – khu Cái Đé – điểm nghỉ đêm.


                                        Vụng Máng Hà có diện tích 160ha, với mực nước sâu thích hợp để quy hoạch khu vực điểm đỗ nghỉ đêm.

Việc đề xuất thực hiện các sản phẩm du lịch tại Vườn quốc gia Bái Tử Long góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là kinh tế biển; đồng thời, cũng đáp ứng được sự kỳ vọng và mong muốn khai thác các sản phẩm du lịch từ phía các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành.

Ông Tạ Đức Quyền, Giám đốc Điều hành Cảng cao cấp Ao Tiên (huyện Vân Đồn) cho biết: Tôi đánh giá Bái Tử Long là vùng vịnh giàu tiềm năng để các doanh nghiệp có thể khai thác. Việc tỉnh Quảng Ninh có chủ trương đẩy mạnh phát triển tour tuyến, các sản phẩm du lịch trên vịnh Bái Tử Long là cơ hội để doanh nghiệp đề xuất nhiều sản phẩm mới. Các sản phẩm du lịch khi được khai thác trên Vịnh Bái Tử Long thực sự là một tiềm năng rất lớn để có thế khai thác du lịch trong năm 2024. Doanh nghiệp mong muốn các hoạt động du lịch sớm được đưa vào khai thác để làm cầu nối giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển hơn, góp phần khai thác hết giá trị, tiềm năng du lịch sẵn có của Vịnh Bái Tử Long. Đồng thời, giúp cho du khách khi đến Quảng Ninh có thêm các trải nghiệm du lịch mới với những chất lượng dịch vụ tốt nhất.

Hiện nay Vườn quốc gia Bái Tử Long có 6 hệ sinh thái đặc trưng: Hệ sinh thái rừng lá rộng thường xanh trên đảo núi đất; hệ sinh thái rừng lá rộng thường xanh trên đảo núi đá vôi; hệ sinh thái rừng ngập mặn; hệ sinh thái rạn san hô; hệ sinh thái thảm cỏ biển; hệ sinh thái tùng, áng trong lòng núi đá vôi.


                                           Trong phạm vi Vịnh Bái Tử Long còn có nhiều đảo lớn nhỏ thích hợp để phát triển du lịch trải nghiệm hấp dẫn.

Ông Đinh Sỹ Nguyên, Phó Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long, cho biết: Để triển khai được các tuyến, hoạt động du lịch trên địa bàn, đơn vị đã đề xuất UBND tỉnh phát triển hệ thống du thuyền cao cấp, tàu ngủ đêm, ca nô, thuyền buồm tham quan trên vịnh Bái Tử Long và kết nối tour du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm trong Vườn quốc gia Bái Tử Long, nhằm tạo nên một hành trình khép kín. Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch theo 2 hướng là rừng- biển trên, Ban tăng cường quản lý chống xâm hại và bảo tồn phát huy các giá trị của những các hệ sinh thái trên khu vực quản lý Vườn. Đồng thời, tập trung phối hợp với các sở, ngành liên quan và đơn vị du lịch thực hiện các sản phẩm du lịch cụ thể trong năm 2024 như: tham quan rừng Trâm cổ, hoạt động du lịch trên biển. Hiện đơn vị đang chờ tỉnh công bố các luồng, tuyến cho tàu tham quan trên Vịnh trong phạm vi quản lý, khi có được các luồng, tuyến cố định đơn vị cùng các đơn vị triển khai các hoạt động du lịch theo đúng chỉ đạo của tỉnh để đánh thức tiềm năng du lịch Vườn Quốc gia Bái Tử Long.

baoquangninh.com.vn 

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo