Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng và phát triển Nam Định “theo mô hình tổ chức không gian kinh tế – xã hội với “ba vùng động lực, bốn cực tăng trưởng, năm hành lang kinh tế” nhằm thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, phát huy đầy đủ các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, bổ sung cho nhau, cùng phát triển” trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, một trong những giải pháp hàng đầu được xác định là “tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp nhiều tuyến giao thông huyết mạch quan trọng kết nối trung tâm vùng, trọng điểm” để thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế – xã hội của tỉnh.
Thời gian qua, ngành Giao thông vận tải đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tập trung huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ. Nhiều công trình giao thông có tính chiến lược kết nối với các tuyến giao thông trọng điểm của đất nước, các tuyến đường đến các trung tâm kinh tế – xã hội của tỉnh đã và đang được đầu tư xây dựng góp phần làm thay đổi kết cấu hạ tầng kỹ thuật giao thông của tỉnh. Một số tuyến đường bộ huyết mạch quan trọng hoàn thành đã nhanh chóng phát huy hiệu quả, góp phần tăng tốc phát triển kinh tế, thu hút đầu tư vào tỉnh. Đến nay mạng lưới đường bộ của Nam Định đã được hình thành theo cấu trúc các đường xuyên tâm có đường vành đai; các trục Quốc lộ (QL) 10, 21, 21B và 38B đều đi qua trung tâm thành phố Nam Định. Tỉnh đã hoàn thành nâng một số tuyến đường địa phương lên QL gồm QL38B; QL37B và QL21B (đoạn Phủ Lý – Nam Định và đoạn kéo dài Nam Định – Ninh Bình). Cập nhật, bổ sung quy hoạch các tuyến đường tỉnh như đường tỉnh 487 (đường Đen cũ) qua các huyện Trực Ninh – Nam Trực – Nghĩa Hưng; đường tỉnh 487B (quy hoạch mới, qua Nam Trực, Nghĩa Hưng); đường tỉnh 489C; đường tỉnh 490B; tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình; tuyến đường bộ ven biển,… Trong giai đoạn trước năm 2015, tỉnh đã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình giao thông huyết mạch như: cải tạo, nâng cấp QL21 từ Nam Định đến Thịnh Long dài 57km; xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình đoạn qua địa bàn tỉnh (chiều dài 20,5km); xây dựng cầu Tân Phong trên QL21B vượt sông Đào; cải tạo, nâng cấp QL38B đoạn từ QL10 đến QL1A dài 24km; Dự án xây dựng tuyến tránh thành phố Nam Định đoạn từ thị trấn Mỹ Lộc đến QL10; xây dựng tuyến đường bộ mới Phủ Lý – Mỹ Lộc; Cải tạo, nâng cấp các đường tỉnh: 490C từ thành phố Nam Định đến thị trấn Rạng Đông; nâng cấp đường tỉnh 486B lên QL37B. Từ năm 2016 đến nay đã tập trung nguồn lực đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới, đưa vào sử dụng nhiều đoạn tuyến như: QL21B (đoạn cầu Tân Phong – ngã ba S2 và đoạn đường tỉnh 488 cũ từ cầu Vòi đến QL21); QL38B (đoạn tránh thành phố Nam Định); Các đường tỉnh 487, 488, 489C; cầu Thịnh Long; tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình (đường tỉnh 490); xây dựng đường tỉnh 485B đoạn đê sông Đào đến QL21B (đường vành đai II); xây dựng đường tỉnh 488B qua địa bàn huyện Trực Ninh; đường tỉnh 487B qua địa bàn huyện Nam Trực, Nghĩa Hưng và đang tích cực triển khai các dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển chiều dài 65,8km; xây dựng tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình (giai đoạn II).
Cùng với các tuyến đường giao thông huyết mạch của tỉnh; các dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA như dự án đường giao thông nông thôn 3 trên địa bàn tỉnh Nam Định đã thực hiện 31 công trình; dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương LRAMP đã triển khai xong kế hoạch năm thứ nhất với 13 tuyến đường, năm thứ 2 với 10 tuyến đường và đang triển khai kế hoạch năm thứ 3 với 12 tuyến đường. Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo các huyện và thành phố Nam Định làm chủ đầu tư thực hiện nhiều dự án cải tạo, nâng cấp công trình giao thông từ đường tỉnh, đường huyện, đường trục xã, liên xã, đường giao thông nông thôn. Tỉnh đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải cải tạo, nâng cấp và xây mới 437,7km đường cao tốc, QL, tỉnh lộ, với tổng mức đầu tư khoảng 18.870 tỷ đồng; đã huy động các nguồn lực trong tỉnh để cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới 8.422km đường giao thông nông thôn; cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới 7.239 cầu, cống dân sinh; 100% số xã, thị trấn đã có đường ô tô được láng nhựa hoặc bê tông đến trụ sở UBND xã; 4.216,9km đường thôn xóm, hầu hết các tuyến có chiều rộng mặt đường 3,5-5m đã được rải nhựa và bê tông xi măng khoảng 83%.
Tuy nhiên, hệ thống các trục giao thông liên vùng, nội tỉnh và đường giao thông nông thôn kết nối với các huyện, xã, thôn của tỉnh vẫn còn một số tồn tại như: mật độ đường ô tô khá cao đạt 1,8km/km2; 1,62km/1.000 dân (so với các tỉnh lân cận như Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình thì mật độ đường của Nam Định đạt mức độ trung bình). Chiều rộng mặt đường chủ yếu 1-2 làn xe; hệ thống đường đô thị và nông thôn đều có quy mô nhỏ, phần lớn chưa vào cấp kỹ thuật; hệ thống cầu qua sông lớn trên các tuyến QL, đường tỉnh còn thiếu, chưa xây dựng mới đồng bộ theo tiêu chuẩn của tuyến đường, một số cầu hiện tại chưa đảm bảo tải trọng để phù hợp với tốc độ phát triển của phương tiện đường bộ…
Theo đồng chí Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đinh Xuân Hùng, để thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu xuyên suốt là xây dựng, phát triển Nam Định trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030, ngành Giao thông vận tải xác định nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt là nỗ lực nghiên cứu, rà soát để từ đó tham mưu cho tỉnh tập trung nguồn lực; tranh thủ sự ủng hộ, quan tâm của Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ đầu tư trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông không chỉ kết nối thuận lợi các vùng động lực, các cực tăng trưởng và hành lang kinh tế của tỉnh mà còn thỏa mãn yêu cầu kết nối vùng, liên vùng và hệ thống giao thông huyết mạch của quốc gia. Hiện tại Sở đang tích cực phối hợp với các sở, ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ thi công hàng loạt công trình giao thông trọng điểm của tỉnh và quốc gia như: giai đoạn II tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình; tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn tỉnh; đường trục phía Nam thành phố Nam Định (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến QL21B); cầu qua sông Đào… Cùng với đó, Sở cũng tích cực tham mưu cho tỉnh chuẩn bị đầy đủ các thủ tục để triển khai tuyến cao tốc CT.08 kết nối giữa Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng đoạn qua địa bàn Nam Định dài 27,6km; phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải khởi công xây dựng cầu Bến Mới và chuẩn bị thủ tục đầu tư xây dựng cầu Ninh Cường.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo hướng tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm gồm các tuyến QL trọng yếu, các tuyến có nhu cầu vận tải lớn, các tuyến có tính kết nối, đồng thời tiếp tục đưa vào cấp kỹ thuật hệ thống đường tỉnh hiện có. Mạng đường bộ tỉnh đến năm 2030 bao gồm 3 tuyến vành đai thành phố, 7 tuyến QL (10, 21, 21B, 37B, 38B, 37C, 39B; trong đó QL39B được bổ sung mới so với các tuyến hiện trạng); 2 tuyến đường cao tốc và 1 tuyến đường bộ ven biển, 12 tuyến đường tỉnh và các đường giao thông nông thôn. Trong tương lai, giao thông đường bộ của tỉnh đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật: các tuyến cao tốc hạng A, mặt đường 4-6 làn xe; các tuyến đường đô thị xây dựng theo quy hoạch đảm bảo đạt quỹ đất 20-25%…; các tuyến cao tốc từ 4-6 làn xe, đạt vận tốc khoảng 120 km/giờ; các đường QL, đường tỉnh hiện hữu tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng, các đường quy hoạch mới đạt tiêu chuẩn cấp IV đồng bằng; 3 tuyến vành đai đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng trở lên; các trục hướng tâm chính và các trục quan trọng, gồm các đường tỉnh 489C, 484, đường bộ ven biển tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp II đồng bằng. Hệ thống đường đô thị xây dựng theo quy hoạch đô thị được phê duyệt. Giao thông nông thôn có 100% đường huyện, tối thiểu 85-100% đường xã và 80-95% đường thôn, xóm được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng hóa; đường huyện, đường xã đạt được đưa vào cấp theo tiêu chuẩn kỹ thuật. Hệ thống cầu, cống trên các QL và đường tỉnh xây dựng vĩnh cửu 100%. Chú trọng xã hội hóa đầu tư xây dựng các bến, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm đăng kiểm, trung tâm đào tạo sát hạch và các bến kỹ thuật dành riêng cho xe buýt, bến xe ta-xi, các bãi đỗ xe chính, các đầu mối trung chuyển hành khách. Đến năm 2050 sẽ cơ bản hoàn thiện mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, có các công trình giao thông hiện đại, kết nối thuận lợi với hệ thống đường bộ quốc gia. Chất lượng vận tải và dịch vụ được nâng cao, đảm bảo thuận tiện, an toàn, chi phí hợp lý. Hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác tuyến cao tốc Phủ Lý – Nam Định, đồng thời triển khai xây dựng, nâng cấp các tuyến đường kết nối với cao tốc. Hoàn thành các tuyến hành lang xanh của các cực phát triển của tỉnh. Xây dựng các nút giao khác mức tại các giao lộ lớn. Xây dựng đường gom và các điểm đấu nối của các khu đô thị, công nghiệp, kinh tế, dân cư đảm bảo quy chuẩn.
Quyết tâm dồn lực, từng bước đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hệ thống hạ tầng giao thông là giải pháp đúng đắn để Nam Định xây chắc nền móng tiến tới hoàn thành mục tiêu “phát triển Nam Định trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030” như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra.
Báo Nam Định