Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu Vùng Tây Nguyên

Hội nghị triển khai nhiệm vụ của Thủ tướng Phạm Minh Chính giao tại Quyết định số 827/QĐ-TTg ngày 11/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên, nhằm tăng cường công tác xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất, kết nối cung cầu, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu ngành hàng, sản phẩm của địa phương vùng Tây Nguyên; hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết nhằm phát triển sản phẩm, đa dạng hóa thị trường và các chuỗi cung ứng, đẩy mạnh xuất nhập khẩu.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại đánh giá, thời gian qua, vùng Tây Nguyên đã tận dụng khá tốt các tiềm năng, lợi thế của vùng, đóng góp vào thành công chung trong bức tranh xuất nhập khẩu của đất nước. Cụ thể, Tây Nguyên đã trở thành vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỉ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả. Một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam được xếp tốp nhất nhì khu vực cũng như thế giới thì Tây Nguyên đã góp mặt nhiều sản phẩm như cà phê, hồ tiêu, chanh dây, điều và mắc ca, cao su… Diện tích trồng các loại dược liệu quý như: sâm Ngọc Linh, sâm dây, nấm linh chi đỏ, đinh lăng, hà thủ ô, đương quy, hoa hòe… ở Tây Nguyên cũng đang phát triển nhanh để hình thành các vùng dược liệu tập trung. Tuy vậy, kim ngạch xuất khẩu của vùng Tây Nguyên còn rất khiêm tốn. Trong 02 năm 2022 và 2023, trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn vùng mới đạt khoảng 4,6 tỷ USD, chiếm chưa đầy 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước, trong đó kim ngạch xuất khẩu của vùng đạt gần 3,8 tỷ USD năm 2022 và trên 3,7 tỷ USD năm 2023, khoảng hơn 1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Bên cạnh những điểm sáng nêu trên, Cục trưởng Vũ Bá Phú cũng thẳng thắn chỉ ra, vùng Tây Nguyên vẫn còn tồn tại một số hạn chế lớn. Đó là, quy mô sản xuất, chế biến nông sản của vùng còn nhỏ lẻ, các trung tâm chế biến sâu còn thiếu và yếu dẫn đến sản phẩm xuất khẩu hoặc nguyên liệu phục vụ xuất khẩu còn thô, đem lại giá trị không cao cho người dân, doanh nghiệp. Các sản phẩm nông sản chủ lực chất lượng không đồng đều, do đó còn vấp nhiều hàng rào thương mại mang tính kỹ thuật.

Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn và thách thức khi thiếu nhân lực chất lượng cao, hạ tầng logictics, cơ sở vật chất còn yếu. Đặc biệt, liên kết nội vùng đang thể hiện nhiều điểm yếu, lỏng lẻo, thiếu đầu tư đồng bộ, dẫn tới thiếu các chuỗi cung ứng nội vùng.

Để tìm kiếm những giải pháp khả thi, hiệu quả cho hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu của vùng, tại Hội nghị, đại diện các Vụ, Cục chức năng của Bộ Công Thương đã tập trung bàn thảo về những vấn đề kinh tế trọng yếu của vùng gồm: tiềm năng, lợi thế hình thành chuỗi liên kết sản xuất hàng xuất khẩu; chiến lược phát triển xuất nhập khẩu những năm tới; cơ hội thị trường nước ngoài cho các sản phẩm của vùng; một số giải pháp phát triển công nghiệp, thương mại của vùng; các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển xuất khẩu năm 2024 của Bộ Công Thương với vùng Tây Nguyên.

Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, tỉnh Đắk Lắk chưa đạt được kỳ vọng đã đề ra. Cụ thể theo kỳ vọng của tỉnh Đắk Lắk tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 11% nhưng thực tế bình quân tăng trưởng trên dưới 7%. Để phát triển thì tỉnh phải chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ lĩnh vực nông nghiệp sang các lĩnh vực có dư địa tốt hơn, ví dụ như lĩnh vực thương mại dịch vụ và đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu.

Theo ý kiến của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, để thu hẹp dần khoảng cách về thu nhập và trình độ phát triển thương mại của vùng so với trung bình cả nước trong thời gian tới, Đắk Lắk và các tỉnh trong khu vực cần đẩy mạnh tăng cường liên kết vùng; tích cực tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi phát triển hạ tầng công nghiệp, sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Đồng thời, cần tận dụng tối đa giá trị lợi thế, chính sách ưu đãi của Nhà nước để đẩy nhanh tiến độ thu hút đầu tư các dự án vào các cụm công nghiệp; làm đòn bẩy phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ có giá trị gia tăng và lợi thế cạnh tranh cao của địa phương. Ông Nguyễn Tuấn Hà chia sẻ thêm: “Sau hội nghị thực hiện các nhiệm vụ điều phối vùng, các hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu cần được xây dựng theo một định hướng mới, công thức mới. Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ Cục Xúc tiến thương mại để giúp cho công tác xúc tiến thương mại của các tỉnh vùng Tây Nguyên có sự chuyển biến tích cực sau 5 năm tới”.

Hội nghị cũng được kỳ vọng sẽ góp phần đưa vùng Tây Nguyên ra khỏi vị trí “vùng trũng” trong phát triển ngoại thương, thu hẹp dần khoảng cách về thu nhập và trình độ phát triển thương mại của vùng so với trung bình cả nước trong thời gian tới.

Kết luận Hội nghị, Cục trưởng Vũ Bá Phú nhấn mạnh: Để hỗ trợ, thúc đẩy vùng Tây Nguyên có sự chuyển mình khởi sắc trong hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, các tỉnh vùng Tây Nguyên cần liên kết với nhau để cùng thống nhất đồng hành phát triển các sản phẩm thế mạnh chủ lực cho từng nhóm sản phẩm của vùng, từ đó xác định các mô hình chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị phù hợp để khai thác các giá trị sản phẩm tốt nhất. Bên cạnh đó các địa phương cần quan tâm tới kết cấu hạ tầng thương mại, kết cấu hạ tầng cho xúc tiến thương mại của cả vùng, cần có cơ chế để xây dựng và hình thành những công ty, tập đoàn chuyên doanh về thương mại đặc biệt để đảm bảo tiêu thụ được các sản phẩm của vùng.

Các doanh nghiệp cần kịp thời cập nhật thông tin về thị trường nước ngoài để nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng tại từng thị trường, từ đó điều chỉnh sản phẩm phù hợp theo từng thị trường, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.

Sau hội nghị này, với trách nhiệm là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổng hợp đầy đủ nhu cầu hỗ trợ và các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để tập trung giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và xuất khẩu, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước, ông Vũ Bá Phú cho biết.

Bên lề hội nghị cũng diễn ra hoạt động trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm quy mô lớn của các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong và ngoài vùng Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, Cục Xúc tiến thương mại cũng phối hợp với một số Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam ở nước ngoài tổ chức kết nối giao thương trực tuyến giữa các doanh nghiệp sản xuất, thương mại rau, củ, quả, cà phê, thực phẩm chế biến… trong và ngoài vùng Tây Nguyên với gần 30 nhà nhập khẩu từ các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam như Philippines, Trung Quốc, Malaysia, Hồng Kông.

 

Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công thượng

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo