Xây dựng Vành đai 3 sẽ tạo động lực tăng trưởng mới của Đông Nam bộ

Bình đồ Vành đai 3. (Ảnh: Ban Giao thông)
Bình đồ Vành đai 3. (Ảnh: Ban Giao thông)
Dự án Vành đai 3 TP.HCM hiện đang được dư luận, nhân dân quan tâm và mong chủ trương xây dựng tuyến đường này sẽ được Quốc hội thông qua để tạo động lực tăng trưởng mới của khu vực Đông Nam bộ…

Thời cơ thực hiện dự án

Giai đoạn 1 của dự án đường Vành đai 3 TP.HCM có chiều dài 76km, trong đó đoạn đi thấp có tổng chiều dài 53km, đoạn trên cao 13km. Theo UBND TP.HCM, mục tiêu của dự án nhằm tạo sự đồng bộ, nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn quãng đường vận chuyển giữa các trung tâm kinh tế, các khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam của TP.HCM và các địa phương trong vùng; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Ngoài ra, dự án còn tạo không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng sử dụng đất đai để xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại.

Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, đây là thời điểm phù hợp để triển khai dự án: “Có lẽ hiếm khi có một dự án mà nó hội tụ cả thiên thời, địa lợi, nhân hoà, cả ý đảng, lòng dân cả khát vọng và mơ ước của người dân 20 triệu bà con trên vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.

Ngày 19/5 vừa qua, đoàn công tác Ủy ban Kinh tế của Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh làm Trưởng đoàn cũng đã khảo sát thực địa dự án Vành đai 3. Qua chuyến khảo sát, ông Vũ Hồng Thanh cũng khẳng định “tính cấp thiết” của dự án này và cho biết sẽ báo cáo Quốc hội sớm có ý kiến, thông qua dự án đường Vành đai 3.

“Tôi cảm nhận sự quyết liệt của các địa phương rất cao, thể hiện ý chí nguyện vọng của cử tri của nhân dân. Và qua cảm nhận của chúng tôi thấy tính cấp thiết cấp bách của tuyến đường Vành đai 3 của TP.HCM” – ông Vũ Hồng Thanh nói.

Khó nhất vẫn là giải phóng mặt bằng

Với tổng kinh phí đầu tư giai đoạn 1 là hơn 75.300 tỷ đồng, riêng kinh phí giải phóng mặt bằng đã hơn 41.500 tỷ đồng, dự án đường Vành đai 3 có tính chất liên vùng. Tuy nhiên, do dự án có tổng mức đầu tư lớn, ngân sách Trung ương không cân đối bố trí đủ thực hiện, Chính phủ đã thống nhất với UBND các tỉnh, thành phố phương thức đầu tư công, sử dụng kết hợp vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Và các địa phương có đường Vành đai 3 đi qua như: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An đều đã có Nghị quyết của HĐND về dự án này nên việc bố trí vốn không thành vấn đề, kể cả khi có phát sinh.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, vấn đề khó nhất trong thực hiện dự án Vành đai 3 là giải phóng mặt bằng (GPMB) và TP.HCM cũng là nơi khó khăn nhất. TP.HCM đã có kế hoạch GPMB và dự kiến sau khi Quốc hội thông qua, cả hệ thống chính trị sẽ vào cuộc để công tác giải phóng mặt bằng hoàn thành vào cuối năm 2023.

Đường Vành đai 3 đoạn Bình Chuẩn - Tân Vạn đã hoàn thành. (Ảnh: Hùng An)

Đường Vành đai 3 đoạn Bình Chuẩn – Tân Vạn đã hoàn thành. (Ảnh: Hùng An)

Theo thống kê, tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 41.600 tỷ đồng, riêng TP.HCM là hơn 25.610 tỷ đồng. Toàn dự án có khoảng hơn 3.800 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có gần 1.500 hộ dự kiến phải bố trí tái định cư. Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, số hộ dân trong diện phải giao mặt bằng lớn với hơn 740 hộ nhưng thuận lợi là TP.HCM có quỹ nhà trên địa bàn lớn nên có thể bố trí.

“Việc giải phóng mặt bằng chúng tôi cũng đang hoàn thiện phương án trên tinh thần là đảm bảo quyền lợi cao nhất cho người dân bị ảnh hưởng giao mặt bằng lại cho công trình. Chúng ta vừa có giá đền bù cho thỏa đáng vừa tái định cư thuận lợi. Thứ ba nữa là tạo điều kiện về sinh kế, đào tạo nghề để giúp cho bà con ổn định cuộc sống. Đối với TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An thì chúng tôi cũng đã có nhiều kinh nghiệm trong việc này và cũng có điều kiện để thực hiện” – ông Phan Văn Mãi nói.

Ngoài ra, việc xây dựng đường song hành phù hợp với phát triển đô thị, khai thác khoáng sản vật liệu, dự báo và chuẩn bị các nguồn cung cấp, khối lượng…cũng được TP.HCM và các địa phương tính toán kỹ, ngay cả yếu tố trượt giá theo thời gian. Đặc biệt, việc khai thác hiệu quả quỹ đất ven đường.

TS. Trần Du Lịch. (Ảnh: Hà Khánh)

TS. Trần Du Lịch. (Ảnh: Hà Khánh)

TS. Trần Du Lịch khẳng định, nếu khai thác đúng tiềm năng quỹ đất này sẽ là “con gà đẻ trứng vàng”. Quan trọng là phải đẩy nhanh “bởi chậm một ngày thì thiệt hại càng lớn”. Ngoài ra, để phát huy tối đa hiệu quả Vành đai 3, cần phải phát triển các tuyến cao tốc có liên quan như: TP.HCM – Mộc Bài, TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, đường Vành đai 4…Khi đó, hệ thống giao thông liên vùng hoàn chỉnh sẽ khơi thông tiềm năng phát triển của khu vực Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giúp khu vực này vượt lên, đóng góp nhiều hơn nữa cho kinh tế cả nước. Việc này có thể huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu phát triển hạ tầng, qua đó giảm áp lực cho phân bổ của Trung ương.

“Tôi tin rằng Vành đai 3 trong quá trình này và chuẩn bị Vành đai 4 và các con đường còn lại, nếu có cơ chế huy động vốn tốt thì trong giai đoạn từ nay đến 2030 hoàn thành được mạng lưới giao thông toàn vùng này. Đây là một điểm rất là quan trọng để vùng này cất cánh. Và tôi tin rằng không phải đóng góp 43% ngân sách quốc gia đâu, nó sẽ đóng nhiều hơn nữa nếu như giải quyết được bài toán này” – TS. Trần Du Lịch nói.

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ được Quốc hội bàn bạc trong tuần này và dự kiến các đại biểu sẽ biểu quyết vào phiên bế mạc. Với những thuận lợi như có sự chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án và sự ủng hộ, đồng thuận từ Trung ương tới địa phương, hy vọng dự án Vành đai 3 sẽ sớm được thực hiện để cụ thể hoá các khát vọng “cất cánh” của vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo VOV.VN

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo