Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế

Cơ cấu xuất khẩu chuyển dịch tích cực và diện mặt hàng xuất khẩu ngày càng đa dạng, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực cho tăng trưởng chung của xuất khẩu.

Sáng nay (28/4), Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics” và công bố Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2021.

Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2021 nhấn mạnh những điểm tích cực trong hoạt động thương mại quốc tế. Theo đó, dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4, song xuất nhập khẩu cả nước vẫn đạt con số kỷ lục với tổng kim ngạch đạt 668,55 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu đạt hơn 336,3 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020; nhập khẩu đạt 332,2 tỷ USD, tăng 26,5%; xuất siêu hơn 4 tỷ USD.

Với kết quả này, Việt Nam đã lọt nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Cùng với đó, cơ cấu xuất khẩu chuyển dịch tích cực và diện mặt hàng xuất khẩu ngày càng đa dạng. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực cho tăng trưởng chung của xuất khẩu. Tỷ trọng trong tổng kim ngạch của nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản giảm. Việt Nam cũng đã nỗ lực đa dạng thị trường xuất khẩu, nhập khẩu đáp ứng nhu cầu cho sản xuất tiêu dùng trong nước thì cán cân thương mại duy trì xuất siêu năm thứ 6 liên tiếp…

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương đánh giá cao các kết quả đạt được trong hoạt động xuất nhập khẩu năm 2021 nói riêng, hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam nói chung khi dẫn chứng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa từ năm 2010 đến nay tăng 4,25 lần – từ 157,1 tỷ USD năm 2010 lên 668,5 tỷ USD vào năm 2021, đồng thời nhấn mạnh, có được kết quả tích cực đó không thể không kể đến đóng góp của ngành dịch vụ logistics.

“Đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, dù gặp nhiều khó khăn song các doanh nghiệp logistics Việt Nam đã thích nghi và cơ bản vẫn duy trì được chuỗi cung ứng. Hiệp hội các doanh nghiệp dịch vụ logistics cùng các doanh nghiệp đã góp phần gánh vác, chia sẻ cùng các hiệp hội ngành hàng khác tìm ra các giải pháp để tối ưu hóa hoạt động logistics, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian. Kiến nghị với nhà nước những vấn đề mang tính chiến lược, góp phần duy trì và ổn định chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh rất cam go do dịch bệnh gây ra. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng nỗ lực hiện đại hóa công nghệ để nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa dịch vụ để vượt qua khó khăn”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân chỉ rõ.

Báo cáo Chỉ số Logistics thị trường mới nổi 2021 do nhà cung cấp dịch vụ kho vận hàng đầu thế giới Agility vừa công bố cho thấy, năm 2021, Việt Nam đã tăng 3 bậc xếp hạng so với năm 2020, đứng ở vị trí thứ 8 trong top 10 quốc gia đứng đầu. Đồng thời nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam đã xác định logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Tại Hội thảo, đại diện các cơ quan chức năng cũng chỉ ra những tồn tại trong hoạt động xuất nhập khẩu năm 2021 cũng như hoạt động logistics tại Việt Nam cần khắc phục trong thời gian tới.

Cụ thể, Báo cáo xuất nhập khẩu 2021 chỉ ra những tồn tại đáng kể như mức thâm hụt hoặc thặng dư thương mại đối với một số thị trường, khu vực thi trường tiếp tục ở mức cao có khả năng gây ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu bền vững; Tăng trưởng xuất khẩu một số ngành hàng chủ yếu dựa trên tăng về số lượng và ở một số thời điểm là tăng về giá do nguồn cung trên thị trường khan hiếm; Hàng hoá xuất khẩu có thời điểm vẫn xuất hiện tình trạng ùn ứ ở cửa khẩu, cảng biển, đặc biệt là từ thời điểm cuối năm 2021, khi đợt dịch thứ 4 lan rộng tại miền Bắc và nhất là khi Trung Quốc cũng bắt đầu phát hiện các ca mắc covid-19 tại khu vực biên giới…

Trong lĩnh vực dịch vụ logistics, mặc dù đã có sự phát triển mạnh mẽ đang ghi nhận trong thời gian qua, ngành logistics vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Một trong những hạn chế lớn là doanh nghiệp logistics vẫn chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng của ngành.

Theo số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam, hiện 90% các doanh nghiệp logistics đang hoạt động là doanh nghiệp Việt Nam, nhưng lại chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, còn lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài. Số lượng doanh nghiệp nhiều nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, quy mô hạn chế cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics và giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Chính vì vậy, ở cả chiều mua và bán, doanh nghiệp logistics trong nước đều bị hạn chế về sân chơi.

Với vị trí địa lý đặc biệt nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng tập trung giao lưu rất mạnh, Việt Nam được đánh giá là có thế mạnh về địa kinh tế rất thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ logistics…

Theo VOV.VN

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo