Thành phố Kon Tum có cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển và được quy hoạch là vùng kinh tế động lực của tỉnh. Ảnh: PN
Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hoạch định tầm nhìn dài hạn để phát triển. Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng này, mới đây, UBND tỉnh tổ chức Hội thảo góp ý nhằm hoàn chỉnh Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hội thảo nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu Việt Nam nhằm giúp tỉnh ta hoạch định một tầm nhìn dài hơi.
Gỡ những điểm nghẽn
Để Kon Tum phát triển, theo PGS.TS Trần Đình Thiên- Chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thứ nhất phải định vị lại tất cả lợi thế, tiềm năng của tỉnh, phải làm sao để lợi thế đó không phải lợi thế so sánh mà trở thành lợi thế cạnh tranh, thành sức mạnh chuyển hóa phát triển thực sự. Phải đánh giá hiện trạng phát triển để biết được cách phát triển từ xưa đến nay, mặc dù Kon Tum đã có sự thay đổi nhiều nhưng vẫn chưa đáp ứng được mong muốn, khát vọng của người dân và của lãnh đạo tỉnh Kon Tum, cũng như kỳ vọng của đất nước.
“Chúng ta cần đánh giá điểm nghẽn, vướng mắc chỗ nào để khắc phục, đồng thời cũng đánh giá thực lực của mình, đây là điểm vô cùng quan trọng. Kon Tum phải xây dựng chân dung của mình, phù hợp xu hướng thời đại, đây là nền tảng, điều kiện khả thi, do đó cần có giải pháp khả thi. Không thể cứ mơ ước bay bổng mãi được”- PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Cũng theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Kon Tum cần phải tổ chức không gian phù hợp để không xung đột, để phát triển lợi thế từng vùng, từng tuyến, phát triển mang tính đột phát và có giải pháp thuyết phục, phù hợp. Do đó, yếu tố lựa chọn phương án, tọa độ ưu tiên cho sự phát triển có ý nghĩa rất quan trọng và nếu lựa chọn đúng sẽ thuyết phục được doanh nghiệp đến với Kon Tum. Tiếp đến là các giải pháp thực thi để thu hút các doanh nghiệp lớn. Muốn vậy, tỉnh Kon Tum phải cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh, năng lực bộ máy và có các giải pháp về cơ chế, nhằm tạo sự cộng hưởng, chia sẻ của doanh nghiệp và của toàn xã hội, chia sẻ lợi ích tạo thành sức mạnh.
Phát huy lợi thế về đất và nông nghiệp
Để phát triển nông nghiệp bền vững, trong đó, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm đột phá, theo PGS.TS Vũ Năng Dũng- Chuyên gia về lĩnh vực nông nghiệp, nguyên Viện trưởng Viện Thiết kế nông nghiệp, Chủ tịch Hội Khoa học Đất Việt Nam, Kon Tum phải tận dụng, phát huy lợi thế về đất đai và tiềm năng lớn. Có thể phát triển thành 2 vùng lớn là vùng thung lũng, cao nguyên, đồi núi thấp phát triển cây công nghiệp hàng hóa, lương thực, ngắn ngày, phát triển để đảm bảo an ninh lương thực như phát triển cà phê chất lượng cao, cao su, các sản phẩm nguyên liệu cao từ mì. Đặc biệt, Kon Tum có lợi thế phát triển sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch như vùng Măng Đen Kon Plông, nhất là cà phê chè, sản phẩm từ cà phê chè. Đây là lợi thế tuyệt vời.
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là sản xuất ra sản phẩm an toàn. Bởi đất đai ở đây chưa được khai thác thâm canh nhiều nên đây là điều rất thuận lợi và là lợi thế lớn để chúng ta chuyển từ sản xuất bình thường sang sản xuất công nghệ cao và sản xuất ra các phẩm ra an toàn”- PGS.TS Vũ Năng Dũng cho hay.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến. Ảnh: PN
Phát triển công nghiệp chế biến
Quy hoạch tỉnh Kon Tum là quy hoạch quan trọng, mang tầm chiến lược dài hạn, làm cơ sở trong việc hoạch định kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Đây là định hướng mở đường cho sự phát triển dài hơi nhưng phải xác định được đúng đặc thù của nền kinh tế của tỉnh để từ đó phát huy lợi thế và thế mạnh, thúc đẩy sự phát triển.
Theo PGS.TS. Bùi Quang Bình- Chuyên gia kinh tế (Giảng viên Trường Đại học Kinh tế- Đại học Đà Nẵng), đặc thù của tỉnh Kon Tum và các tỉnh Tây nguyên là cà phê và các công nghiệp dài ngày, đây cũng chính là cây chủ lực bao năm nay người dân đang phát triển mạnh và đã có không ít người dân giàu lên nhờ nó. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa có đột phá để nâng giá trị của cây công nghiệp. Hiện tại, chúng ta đang ở chế độ thấp nhất là sản xuất, còn muốn nâng cao giá trị thì phải qua công nghiệp chế biến. Vì vậy, cần tập trung vào công nghiệp chế biến, đây là khâu mấu chốt mà tỉnh Kon Tum cần phải làm từ nay đến 10 năm, 20 năm tới.
PGS.TS. Bùi Quang Bình cho biết: “Để phát triển công nghiệp chế biến thì quan trọng nhất là nguồn nhân lực. Do đó cần quy hoạch và phát triển công nghiệp chế biến ở nơi có nhiều nhân lực. Trong khi đó, hiện nay, có 60-70% nguồn nhân lực tập trung ở thành phố Kon Tum. Vì vậy, tôi đề xuất tập trung phát triển công nghiệp chế biến ở địa bàn này”.
Những ý kiến của các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học hàng đầu Việt Nam sẽ góp phần giúp tỉnh ta hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đưa ra định hướng và giải pháp bố trí không gian phát triển kinh tế-xã hội hợp lý để giải quyết các vấn đề xung đột; tạo nền tảng để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nội tại của địa phương. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng và triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, kế hoạch thu hút đầu tư của tỉnh đảm bảo tính khách quan, khoa học và hiệu quả cao nhất trong thời gian tới.
Theo Báo Kon Tum