Tổng thống Maduro Moros nói “Venezuela sẽ là Việt Nam ở Nam Mỹ” vì Venezuela ngưỡng mộ thành tựu phát triển của Việt Nam, coi Việt Nam là hình mẫu phát triển của mình.
Đồng chí Miguel Diaz-Canel, Bí thư thứ nhất, Chủ tịch nước Cuba nhấn mạnh chuyến thăm Cuba của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thể hiện tình cảm, quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đối với quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa hai nước, là nguồn cổ vũ đối với sự nghiệp cách mạng của Cuba, góp phần đưa quan hệ Việt Nam-Cuba sang giai đoạn mới đồng hành cùng phát triển.
Trong khi đó, Tổng thống Venezuela Maduro Moros tin tưởng chuyến thăm của Phó Thủ tướng sẽ mở ra một giai đoạn hợp tác mới giữa hai nước trong bối cảnh kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1989-2024); khẳng định quyết tâm tiếp nối di sản của Tư lệnh Hugo Chávez trong việc thúc đẩy quan hệ với Việt Nam.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Venezuela Vũ Trung Mỹ, cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang với Tổng Thống Venezuela là “biệt lệ” khi có sự tham dự của cả Phó Tổng thống thường trực cùng Phu nhân của Tổng thống (ở Venezuela, Phu nhân của Tổng thống được gọi là “nữ chiến sĩ số 1”), cùng các Bộ trưởng nội các Venezuela.
Bác Hồ là biểu tượng của dân tộc Việt Nam anh hùng, tiến bộ và phát triển
Trong khuôn khổ chuyến thăm hai nước, Phó Thủ tướng luôn dành hoạt động đầu tiên để dâng hoa tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Tượng đài Hồ Chí Minh ở Thủ đô La Habana và Thủ đô Caracas.
Sự hiện diện của Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Cuba và Venezuela thể hiện uy tín, tầm vóc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như sự quý trọng, yêu mến của nhân dân Cuba và Venezuela đối với Hồ Chí Minh – vị anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam trong thế kỷ XX, là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam, được UNESO tôn vinh là nhà văn hoá kiệt xuất.
Khi phát biểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh đạo, quan chức Cuba và Venezuela đều bày tỏ sự trân trọng đặc biệt đối với hình ảnh, sự nghiệp và di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh; hình ảnh của Bác Hồ là biểu tượng gợi nhớ đến dân tộc Việt Nam rất anh hùng, gan dạ trong đấu tranh giành độc lập.
Tại Cuba, kiến trúc sư Joel Diaz say sưa kể với Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam về quá trình tìm hiểu lịch sử Việt Nam và cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt quá trình ông chỉ đạo việc xây dựng Tượng đài Hồ Chí Minh để bức tượng phản ánh chân thực nhất cuộc đời, sự nghiệp và nhân cách Hồ Chí Minh.
Còn tại Venezuela, Thứ trưởng Ngoại giao Tatiana Pugh Moreno, người từng làm Đại sứ Venezuela tại Việt Nam giai đoạn 2020-2023, luôn thể hiện sự xúc động khi nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh khi cùng Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam dâng hoa tại Tượng đài Bác.
Thứ trưởng Tatiana Pugh Moreno nói: “Các bạn ngày càng phát triển, tiến bộ nhưng không bao giờ từ bỏ những nguyên tắc, nền tảng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại”. Hai nước Việt Nam và Venezuela đều “đang tiếp tục phát triển và quan trọng hơn là hai nước không từ bỏ cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập và chủ quyền của mình”.
Có lẽ chính sự tương đồng về lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, đều từng chịu tác động nặng nề của bao vây, cấm vận, cùng chia sẻ mong muốn vươn lên thịnh vượng mà Cuba và Venezuela đều dành sự yên mến và tôn trọng dân tộc Việt Nam, mà một trong những biểu hiện rõ nét là hai quốc gia Mỹ Latinh này đều giữ gìn và bảo vệ bức tượng Hồ Chí Minh, coi hình ảnh Hồ Chí Minh là đại diện của một dân tộc anh hùng trong kháng chiến, phát triển và tiến bộ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Về phía Việt Nam, Phó Thủ tướng cùng Đoàn công tác của Chính phủ cũng cũng đã đến thăm, dâng hoa tại Tượng đài Anh hùng José Martí và thăm Trung tâm Fidel Castro Ruz tại Thủ đô La Habana; Khu tưởng niệm các anh hùng Venezuela và Nhà giải phóng, Anh hùng dân tộc Venezuela Simon Bolivar ở Thủ đô Caracas nhằm thể hiện sự ái mộ đối với quá trình đấu tranh giành độc lập của Cuba và Venezuela.
Cuba và Venezuela đều coi Việt Nam là hình mẫu phát triển
Hoạt động trên được tiếp nối với các cuộc hội kiến, hội đàm, gặp gỡ với các nhà lãnh đạo cao nhất của Cuba như Bí thư thứ nhất-Chủ tịch nước Miguel Díaz Canel, Thủ tướng Manuel Marrero Cruz; các nhà lãnh đạo cao nhất của Venezuela như Tổng thống Maduro Moros, Phó Tổng thống Thường trực Delcy Rodríguez.
Trong các cuộc hội kiến, hội đàm, phía Cuba và Venezuela đều đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, coi Việt Nam là hình mẫu phát triển và mong hợp tác với Việt Nam để vượt qua khó khăn, thách thức như với Cuba, tiếp tục duy trì và phát triển đà phục hồi tăng trưởng cao (5,5% năm 2023 và dự kiến 8% năm 2024) như với trường hợp của Venezuela.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và các nhà lãnh đạo cao nhất của Cuba và Venezuela tập trung trao đổi và thống nhất về những định hướng lớn thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực có thể phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước như nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, năng lượng tái tạo, sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu, dầu khí, viễn thông…
Hợp tác nông nghiệp mang lại hiệu quả thực chất
Hoạt động hợp tác nông nghiệp đã và sẽ tiếp tục chứng tỏ là một điểm sáng giữa Việt Nam với Cuba và Venezuela, không chỉ đáp ứng nhu cầu bảo đảm an ninh lương thực của cả hai nước Mỹ Latinh, thậm chí Venezuela còn kỳ vọng hợp tác nông nghiệp với Việt Nam để hiện thực hoá mục tiêu xuất khẩu lương thực trong tương lai.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Việt Nam và Cuba bắt đầu hợp tác lúa gạo từ năm 2014, trong đó giai đoạn 5 dự kiến kết thúc vào năm 2023 nhưng do tác động của dịch COVID-19, Chính phủ hai nước đã quyết định gia hạn đến năm 2025 với mục tiêu nâng diện tích trồng lúa lên khoảng 20.000 ha và năng suất lên 5 tấn/ha/vụ.
Đến nay, Việt Nam đã cùng Cuba thử nghiệm 20 giống lúa, chọn được 10 giống lúa rất hợp với thổ nhưỡng của Cuba. Năng suất lúa bình quân do Việt Nam hỗ trợ đạt 4,7-4,8 tấn/ha, gấp 2,5-2,7 lần năng suất hiện tại của Cuba.
Cuba hiện có khoảng 11 triệu dân, nhu cầu lương thực mỗi năm khoảng 1,2 triệu tấn lúa, tương đương 800 tấn gạo. Vì vậy nếu năng suất đạt 5 tấn/ha/vụ thì cần khoảng 120.000-150.000 ha đất sản xuất lúa, đủ để bảo đảm an ninh lương thực cho Cuba, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay.
Qua trao đổi, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Cuba đều khẳng định sẽ sớm nghiên cứu và thực hiện các khuyến nghị của Việt Nam về phát triển nông nghiệp bởi các bạn Cuba cũng nhìn nhận Việt Nam đã thực sự thành công khi không chỉ bảo đảm an ninh lương thực mà còn trở thành một trong những nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay Cuba rất kỳ vọng kinh nghiệm phát triển nông nghiệp của Việt Nam sẽ giúp Cuba sớm vượt qua khó khăn, thách thức hiện nay.
Ngoài lúa, Việt Nam cũng đang hợp tác với Cuba về canh tác ngô để làm đầu vào cho việc sản xuất thức ăn chăn nuôi lợn và gà-hai loại hàng hoá thiết yếu bên cạnh gạo tại Cuba. Cùng với đó, Việt Nam cũng đang giúp Cuba phát triển thuỷ sản, với cá rô đơn tính và tôm chân thẻ trắng với sản lượng gấp khoảng 10 lần sản lượng của Cuba.
Đối với Venezuela, nền kinh tế nước này đang thay đổi khá nhanh trong 3 năm gần đây nhờ những thay đổi dựa trên việc tham khảo kinh nghiệm của Việt Nam về đa dạng hoá nền kinh tế, mở cho tư nhân vào làm nông nghiệp.
Giờ đây Venezuela không quá thiếu lương thực nhưng nước này không chỉ dừng lại ở mực tiêu bảo đảm an ninh lương thực mà còn có thể xuất khẩu lương thực vì Venezuela đất đai rộng gấp 3 lần Việt Nam trong khi dân số bằng 1/3 Việt Nam, đất sản xuất nông nghiệp nhiều khoảng 35 triệu ha, trong khi Việt Nam có 3,5 triệu ha.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay Venezuela rất kỳ vọng vào Việt Nam đặc biệt là kinh nghiệm trồng lúa của Việt Nam. Việt Nam đã cử chuyên gia nông nghiệp sang giúp bạn từ năm 2015-2017, sau đó do những khó khăn, chuyên gia rút về và thực hiện sự trợ giúp thông qua hình thức trực tuyến.
Bắt đầu từ tháng 6/2024, Việt Nam sẽ nối lại việc đưa chuyên gia sang giúp bạn trực tiếp theo mong muốn của Venezuela để nâng cao sản lượng lúa. Tương tự như ở Cuba, Việt Nam đã giúp Venezuela chọn được 5 giống lúa tốt, trong đó có 3 giống được phía Venezuela đặt tên là ViVe (viết tắt của tên nước Việt Nam và Venezuela). Ba giống lúa này có sản lượng gấp 2 lần so với bạn đang làm.
Về thuỷ sản, Việt Nam giúp Venezuela nuôi cá chim và tôm-những sản phẩm được thị trường ưa chuộng. Trong các cuộc hội đàm, trao đổi trong khuôn khổ chuyến thăm, từ Tổng thống cho đến Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Venezuela đều bày tỏ mong muốn Việt Nam không chỉ cử chuyên gia mà còn mong có các doanh nghiệp sang đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp như trồng lúa. Phía Venezuela sẵn sàng cấp vài chục nghìn ha đủ để sản xuất lúa quy mô lớn, vừa bảo đảm an ninh lương thực vừa có thể xuất khẩu được. Cuba cũng kỳ vọng và mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trong bối cảnh an ninh lương thực trở thành một trong những quan tâm hàng đầu của cộng đồng quốc tế, việc Việt Nam giúp Cuba và Venezuela phát triển nông nghiệp để hai nước tự chủ về an ninh lương thực sẽ góp phần thiết thực vào việc củng cố nâng cao hình ảnh một Việt Nam với tư cách là đối tác hợp tác chân thành, có trách nhiệm và thực sự hiệu quả.
Lợi thế đặc biệt đối với các nhà đầu tư từ Việt Nam
Các nhà lãnh đạo cao nhất của Cuba và Venezuela đều bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam cũng như đặt niềm tin và kỳ vọng vào hợp tác với Việt Nam khi coi Việt Nam là hình mẫu của sự phát triển mà Cuba và Venezuela đều đang hướng đến.
Tổng thống Venezuela Maduro Moros đã hai lần khẳng định “Venezuela sẽ là Việt Nam ở Nam Mỹ” với hàm ý coi trọng và muốn tham khảo kinh nghiệm phát triển của Việt Nam, trong phát biểu khi hội kiến với Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và khi cùng Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chứng kiến lễ ký 05 văn kiện hợp tác giữa hai nước. Tổng thống Maduro Moros tin tưởng các văn kiện ký kết lần này sẽ thành công vì mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước và vì các lĩnh vực được ký kết đều là thế mạnh của mỗi nước nước, mang tính bổ trợ cho nhau.
Bí thư thứ nhất, Chủ tịch nước Cuba Miguel Diaz-Canel đánh giá cao các dự án liên doanh và đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Cuba, qua đó đóng góp tích cực và hiệu quả vào sự ổn định và phát triển kinh tế của Cuba; đồng thời bày tỏ mong muốn có thêm doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với Cuba về nông nghiệp và chế biến thực phẩm, năng lượng, công nghiệp ô tô, sinh học-dược phẩm và các dịch vụ y tế để phát huy hiệu quả thế mạnh của mỗi nước, đưa quan hệ Việt Nam-Cuba sang giai đoạn mới đồng hành cùng phát triển.
Có thể nói, sự ngưỡng mộ của Cuba và Venezuela đối với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc cùng với việc coi những thành tự phát triển của Việt Nam là nguồn cảm hứng, kinh nghiệm quý để hai nước Mỹ Latinh tham khảo, vận dụng nhằm vượt qua thế bị bao vây, cấm vận là nền tảng hết sức thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư, kinh doanh tại hai thị trường đầy tiềm năng nay. Đây là lợi thế đặc biệt của các nhà đầu tư mà Cuba và Venezuela dành riêng cho Việt Nam.
Chinhphu.vn