Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử ở Công ty TNHH Samsung Electronics Thái Nguyên. (Ảnh: NHẬT BẮC)
Trang DW (Đức) ngày 8/6 đăng bài viết đánh giá, hoạt động kinh tế sôi động của Việt Nam trong những năm gần đây là yếu tố thu hút sự chú ý của các công ty châu Âu.
Kết quả hoạt động kinh tế của Việt Nam trong và sau đại dịch đã thu hút sự chú ý của một số công ty lớn của châu Âu. Nhà cung cấp động cơ tự động hóa Brose của Đức đang quyết định một địa điểm sản xuất mới giữa Thái Lan và Việt Nam.
Trước đó, tháng 12/2021, hãng sản xuất đồ chơi Lego của Đan Mạch đã thông báo sẽ xây dựng nhà máy trị giá 1 tỷ USD ở gần Thành phố Hồ Chí Minh – một trong những dự án đầu tư lớn nhất của châu Âu tại Việt Nam cho đến nay.
Ông Daniel Müller, Giám đốc Hiệp hội doanh nghiệp châu Á-Thái Bình Dương của Đức cho biết: “Hiện có vẻ như các công ty quy mô vừa đang ngày càng nỗ lực để xâm nhập vào thị trường Việt Nam”.
Phát biểu với DW, ông Raphael Mok, đứng đầu khu vực châu Á tại Fitch Solutions cho rằng Việt Nam đã trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư. Việt Nam cũng đang đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng.
Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam đã phê chuẩn hiệp định thương mại tự do vào năm 2020, trong đó có hiệp định đầu tư, Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA).
Thương mại song phương đã tăng lên 49 tỷ euro vào năm 2021, tăng mạnh so với mức 20,8 tỷ euro vào năm 2012, năm bắt đầu các cuộc đàm phán về Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA).
Một báo cáo của Germany Trade & Invest – một nền tảng nghiên cứu và tư vấn chỉ ra rằng các hiệp định này cũng giúp các doanh nghiệp châu Âu tiếp cận dễ dàng hơn với các hoạt động mua sắm công tại Việt Nam.