Triển vọng phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ du thuyền

Đà Nẵng có cảng Tiên Sa thuận lợi đón khách du lịch tàu biển cũng là một lợi thế để phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ du thuyền. TRONG ẢNH: Tàu biển quốc tế lớn đưa khách cập cảng Tiên Sa năm 2019. 	Ảnh: THU HÀ

Đà Nẵng có cảng Tiên Sa thuận lợi đón khách du lịch tàu biển cũng là một lợi thế để phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ du thuyền. TRONG ẢNH: Tàu biển quốc tế lớn đưa khách cập cảng Tiên Sa năm 2019. 	Ảnh: THU HÀ

Đà Nẵng có cảng Tiên Sa thuận lợi đón khách du lịch tàu biển cũng là một lợi thế để phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ du thuyền. TRONG ẢNH: Tàu biển quốc tế lớn đưa khách cập cảng Tiên Sa năm 2019. Ảnh: THU HÀ

Với mục tiêu phát huy tiềm năng du lịch biển đảo, đường thủy nội địa cũng như mở ra hướng phát triển ngành công nghiệp – dịch vụ mới, tăng đóng góp vào GRDP hằng năm, thành phố đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện đề án “Phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền trên địa bàn”.


Theo Sở Du lịch, tăng trưởng bình quân tổng khách tham quan, du lịch thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2015-2019 (giai đoạn phát triển mạnh mẽ) ước đạt 18%, tổng thu du lịch năm 2019 là 31.000 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 28% trong GRDP thành phố cùng năm); khách du lịch bằng tàu biển quốc tế đến Đà Nẵng là 130.000 lượt khách (xấp xỉ 100 lượt tàu qua cảng Tiên Sa), chiếm 3,7% tổng lượng khách quốc tế.

Hướng phát triển đột phá

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch nhìn nhận, dù có lợi thế về đường sông – biển cũng như vai trò, vị trí địa lý là điểm giao thoa về hàng hải nhưng đến nay du lịch đường thủy của Đà Nẵng chưa tương xứng với phát triển kinh tế – xã hội của thành phố ở trung tâm khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Vì vậy, dư địa phát triển ở phân khúc này còn rất lớn.

Trong đề án “Phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” do Sở Công Thương triển khai phân tích rõ, phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền là cần thiết nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước; đồng thời tìm kiếm động lực phát triển mới cho thành phố. Thực tế hiện nay, loại hình du thuyền trên sông Hàn đang khai thác du lịch khoảng 20 chiếc với sức chứa 30-50 khách, trong đó có 2 du thuyền lớn nhất là Minh Trần 5 (sức chứa 170 khách) và tàu rồng Sông Hàn (sức chứa 250 khách). Đối với du thuyền quốc tế đến Đà Nẵng (sức chứa 1.000-4.000 hành khách) đều thông qua cảng Tiên Sa với số lượt tàu cập cảng 40-60 lượt/năm; chủ yếu là khách nước ngoài có thu nhập cao.

Theo đề xuất từ Sở Công Thương, việc phát triển ngành công nghiệp du thuyền và các dịch vụ đi kèm sẽ triển khai trong hai giai đoạn: giai đoạn 1 gắn với xây dựng mới cảng biển Liên Chiểu, từng bước chuyển giao vai trò cảng Tiên Sa từ cảng hàng hóa sang cảng du lịch; giai đoạn 2 từ sau năm 2030. Theo đó, các bến tàu dự kiến được bố trí tại tất cả các điểm tham quan chính dọc theo sông Hàn, sông Cổ Cò gồm: khu vực trung tâm thành phố, khu vực cung thể thao Tiên Sơn, danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Các loại hình dịch vụ sẽ được hình thành như: dịch vụ thương mại (mua bán, nhập khẩu du thuyền); dịch vụ sửa chữa (đóng mới và cho thuê du thuyền; sửa chữa, thay thế linh phụ kiện du thuyền; thay thế nội thất, bảo dưỡng du thuyền); dịch vụ cảng biển (cung cấp nhân lực, nguyên liệu, nhu yếu phẩm, vệ sinh du thuyền…); dịch vụ vận tải; dịch vụ an ninh, bảo đảm an toàn; các dịch vụ khác thuộc ngành du lịch như: liên kết các tour du lịch biển đảo, du lịch sông Hàn, nhà hàng nổi, lưu trú, mua sắm…

Về tiền đề để phát triển ngành công nghiệp du thuyền, hiện thành phố có khu vực âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà), vốn là điểm đậu đỗ của tàu thuyền đánh cá, tại đây đã hình thành các cơ sở sửa chữa tàu thuyền. Trên cơ sở đó có thể phát triển các dịch vụ liên quan đến du thuyền như đóng mới, cho thuê, sửa chữa, thay thế linh phụ kiện du thuyền, thay thế nội thất, bảo dưỡng du thuyền…

Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương đánh giá, việc triển khai đề án “Phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” là phù hợp với chiến lược phát triển và quy hoạch chung của thành phố Đà Nẵng trong tầm nhìn dài hạn, trong đó có các lĩnh vực then chốt như phát triển kinh tế biển và khai thác tối đa tiềm năng du lịch biển đảo đường thủy. Việc phát triển công nghiệp dịch vụ liên quan đến du thuyền được kỳ vọng sẽ góp phần tăng trưởng GRDP, tạo đột phá trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, gắn với phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, giữ vững an ninh quốc phòng.


Theo ông Nguyễn Xuân Bình, đề án “Phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền trên địa bàn thành phố” thể hiện khát vọng của thành phố trong việc tạo ra các sản phẩm mới, động lực phát triển mới. Đề án nói đến phát triển công nghiệp du thuyền, điều này rộng hơn du lịch du thuyền, bao gồm cả sửa chữa, đóng mới, duy tu, bảo trì…, vì vậy, cần bổ sung thêm lộ trình cụ thể như đánh giá, dự báo được thị trường, xu hướng phát triển để đưa ra làm công nghiệp du thuyền vào năm nào; sự phát triển của đội tàu ra sao?…

Cần có lộ trình cụ thể

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Hỗ trợ và Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng cho rằng, cần xác định rõ là phát triển công nghiệp du thuyền, khác với du lịch du thuyền… Trên cơ sở đó phải xác định được quy mô, điều kiện phát triển ngành công nghiệp này phù hợp với các điều kiện hiện có của Đà Nẵng (cả điều kiện tự nhiên và quy hoạch). Trong quá trình xúc tiến dự án tại Đà Nẵng, việc xác định vị trí và đầu tư các bến tàu nội địa có thể nhanh hơn so với các bến du thuyền quốc tế vì liên quan đến quy hoạch. Bên cạnh đó, nên xác định rõ phân khúc khách du lịch để có các giải pháp, chính sách thu hút, truyền thông cho ngành này. Bà Phương cũng đề xuất, để phát triển ngành công nghiệp du thuyền nên kêu gọi công ty tư nhân đầu tư, Nhà nước chỉ tạo cơ chế chính sách, quy hoạch; kết nối với các câu lạc bộ du thuyền trên thế giới, tổ chức các cuộc thi tại đây, lúc đó họ mới biết nhiều hơn về Đà Nẵng.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Công Tiến, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ cho rằng, cần học hỏi các kinh nghiệm từ những đơn vị đi trước bằng cách đánh giá được mô hình từ các địa phương, quốc gia lân cận, gần hơn là các bến du thuyền đã được xây dựng trong nước tại Quảng Ninh, Khánh Hòa… Mặt khác, thành phố cũng đón đầu các nhà đầu tư trong lĩnh vực này và quan tâm đến các ngành công nghiệp phụ trợ của ngành. Để hình thành và phát triển ngành công nghiệp du thuyền kết hợp các dịch vụ đi kèm, trong đề án, Sở Công Thương cũng nêu rõ, cần xây dựng cơ chế chính sách để hỗ trợ, khuyến khích thu hút đầu tư ngành công nghiệp, dịch vụ phục vụ liên quan đến du thuyền; xây dựng, ban hành quy định quản lý, khai thác và vận hành du thuyền, bến du thuyền trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Theo Báo Đà Nẵng

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo