Tín hiệu tích cực: Thu hút FDI 9 tháng tăng 4,4%

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố mới đây cho thấy, trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 9 tháng đầu năm vẫn đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây thực sự là con số tích cực, minh chứng cho môi trường đầu tư hấp dẫn của Việt Nam, cũng như triển vọng về phục hồi kinh tế trong thời gian tới khi dịch bệnh được kiểm soát. 

Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào thị trường Việt Nam, đánh giá cao tiềm năng lợi thế của thị trường Việt Nam và hiện thực hóa qua các hành động triển khai dự án đầu tư mới, tăng vốn tại các dự án cũ. Đáng lưu ý, 2 dự án lớn được cấp phép là Nhà máy điện LNG Long An I, II của Singapore và Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản) với mục tiêu truyền tải và phân phối điện, sản xuất điện có tổng vốn đăng ký lần lượt là trên 3,1 tỷ USD và hơn 1,31 tỷ USD.

Bên canh đó, có thể kể đến hàng loạt dự án khác Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,15 tỷ USD (trong đó điều chỉnh tăng 1,4 tỷ USD ngày 30/8/2021 và tăng 750 triệu USD ngày 04/02/2021).

Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD với mục tiêu xây dựng một nhà máy nhiệt điện nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho lưới điện khu vực và hệ thống điện quốc gia tại Cần Thơ (cấp GCNĐKĐT ngày 22/01/2021).

Dự án nhà máy sản xuất giấy Kraft Vina công suất 800.000 tấn/năm (Nhật Bản), tổng vốn đầu tư 611,4 triệu USD với mục tiêu sản xuất giấy kraft, giấy lót và giấy bao bì tại Vĩnh Phúc (cấp GCNĐKĐT ngày 23/7/2021).

Dự án Nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam (Đài Loan), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 610 triệu USD (GCNĐT điều chỉnh cấp ngày 13/5/2021)./.

Tính đến 20/9, vốn đầu tư đăng ký mới và vốn đầu tư điều chỉnh tiếp tục duy trì tăng và đạt mức tăng mạnh hơn so với 8 tháng đầu năm. Trong đó, tổng vốn đăng ký mới đạt gần 12,5 tỷ USD (tăng 20,6% so với cùng kỳ) và tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 6,4 tỷ USD (tăng 25,6% so với cùng kỳ).

Do tác động của đại dịch, những tháng gần đây, một số nhà máy bị ngưng hoặc giảm công suất, khiến FDI giải ngân 9 tháng ước đạt 13,28 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng dự án cấp mới, điều chỉnh cũng giảm so với cùng kỳ (tương ứng 37,8% và 15%).

Trong 9 tháng đầu năm, có 94 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,3 tỷ USD, chiếm 28,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hàn Quốc vượt qua Nhật Bản để vươn lên vị trí thứ 2 với tổng vốn đầu tư trên 3,9 tỷ USD, chiếm 17,7%; Nhật bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư 3,3 tỷ USD, chiếm 14,7%.

Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 58 tỉnh, thành phố trên cả nước. Long An dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 3,6 tỷ USD, chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư đăng ký, trong đó có dự án điện lớn lên tới 3,1 tỷ USD (chiếm tới 85,3% tổng vốn đầu tư của Long An). Với dự án điều chỉnh vốn lớn 1,4 tỷ USD, Hải Phòng vượt lên đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 2,7 tỷ USD, chiếm 12,2% tổng vốn đầu tư. Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ ba với gần 2,4 tỷ USD, chiếm 10,6% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Bình Dương, Cần Thơ, Quảng Ninh,…

Dù nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng xuất nhập khẩu của khu vực FDI tiếp tục tăng trong 9 tháng. Khu vực FDI xuất siêu gần 18,2 tỷ USD, kể cả dầu thô.

Trước đó, số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho biết (tính đến 20/8/2021), tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà ĐTNN đạt 19,12 tỷ USD, bằng 97,9% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 11,58 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020.

 

B.Khánh

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo