Tiền Giang mời gọi đầu tư 59 dự án

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang trao đổi với các doanh nghiệp.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang trao đổi với các doanh nghiệp.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang trao đổi với các doanh nghiệp.
Ngày 9/9, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang tổ chức hội nghị giới thiệu dự án mời gọi đầu tư cho các dự án trọng điểm của địa phương.

Tại hội nghị, tỉnh Tiền Giang đã giới thiệu và mời gọi 59 dự án, với tổng số vốn là 22.900 tỷ đồng trên các lĩnh vực: phát triển đô thị, khu dân cư, thương mại dịch vụ, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục, thể dục thể thao…

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh nhấn mạnh: Tiền Giang là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời, là tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Tiền Giang cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 70km, cách thành phố Cần Thơ khoảng 100km. Với vị trí này, Tiền Giang có nhiều thuận lợi để kết nối giữa vùng nguyên liệu, sản xuất, thị trường tiêu thụ và xuất khẩu.

Theo định hướng quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang là cửa ngõ của Thành phố Hồ Chí Minh với vùng đồng bằng sông Cửu Long, từ các trục giao thông-kinh tế quan trọng đi qua địa bàn tỉnh Tiền Giang như: quốc lộ 1, quốc lộ 30, quốc lộ 50, quốc lộ 60, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương-Mỹ Thuận, Tiền Giang có điều kiện phát triển về công nghiệp chế biến nông, thủy sản; nông nghiệp chuyên canh cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp phụ trợ, công nghiệp cảng; đồng thời, địa phương có nhiều tiềm năng phát triển đô thị, thương mại-dịch vụ, du lịch cảnh quan sinh thái miền sông nước.

Với quy mô dân số gần 1,8 triệu người, Tiền Giang vừa là thị trường khá lớn so với vùng, vừa là nơi cung cấp lực lượng lao động dồi dào, trong đó, lực lượng lao động trong độ tuổi hơn 1,05 triệu người, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 51,5%.

Hiện nay, Tiền Giang có trên 6.500 doanh nghiệp và hằng năm thành lập mới thêm 600-700 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp này sẽ kết nối, hợp tác chặt chẽ với các nhà đầu tư mới để cùng nhau liên kết, hợp tác phát triển trên địa bàn tỉnh.

Tiền Giang nằm trong vùng sản xuất lương thực, thực phẩm lớn nhất cả nước, với điều kiện tự nhiên thích hợp cho các vùng sinh thái khác nhau trải dài từ tiểu vùng Đồng Tháp Mười đến vùng biển phía đông của tỉnh, rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp toàn diện, cơ cấu cây trồng vật nuôi phong phú, đa dạng như: lúa, sầu riêng, thanh long, bưởi, xoài, thủy sản các loại, với sản lượng lớn như: trái cây hơn 1,6 triệu tấn/năm, rau màu hơn 1 triệu tấn/năm, đàn gia cầm hơn 16 triệu con… Vì vậy, chế biến nông sản hiện là ngành rất có tiềm năng để tiếp tục phát triển.

Tám tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế-xã hội của Tiền Giang chuyển biến tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,2%, xuất khẩu tăng 28,4%, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 24,5%, lượng khách du lịch tăng 78%, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 70%, vốn đầu tư đăng ký mới gấp 4,76 lần so với cùng kỳ.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, với phương châm mến khách, tôn trọng, thấu hiểu đối tác, hợp tác phát triển, tỉnh Tiền Giang luôn mong muốn hợp tác, phát triển với các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế.

Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cam kết thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất và sẵn sàng hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư tại Tiền Giang.

Tại hội nghị, tỉnh Tiền Giang cũng đã trao 16 chủ trương nghiên cứu, chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp.

Theo Nhandan

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo