Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý III/2021, tổng kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Áo đạt 821,7 triệu USD, tăng 29,2% so với quý trước, chiếm 6% tỷ trọng trên tổng kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam với toàn khối EU. Mặc dù vậy, tính chung trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với thị trường Áo vẫn giảm 2,63% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 2,38 tỷ USD, chênh lệch rất nhiều so với tốc độ tăng 13,4% của kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với thị trường EU trong cùng thời gian.
Về xuất khẩu: Trong quý III/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Áo đạt 749,18 triệu USD, tăng 36,6% so với quý II/2021 nhưng vẫn giảm 6,6% so với quý III/2020, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Áo trong 9 tháng đầu năm 2021 lên 2,14 tỷ USD, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước, trái ngược so với tốc độ tăng 11,7% sang toàn khối EU trong cùng thời gian. Với kết quả này, hiện kim ngạch xuất khẩu sang Áo đang chiếm 7,4% tỷ trọng trên tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU, đưa Áo tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam tại EU. Như vậy, sau giai đoạn tăng liên tục từ năm 2010 – 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Áo kể từ năm 2019 đến nay đều giảm.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu năm 2019 giảm gần 20% so với năm 2018, năm 2020 giảm 11,7% so với 2019 và riêng 9 tháng đầu năm 2021 tiếp tục giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Một trong những yếu tố quan trọng dẫn tới tình trạng này là do cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Áo vẫn rất hạn chế, hầu như phụ thuộc vào xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện (chiếm tới gần 80% tỷ trọng). Ngoài ra, trên 20% còn lại tập trung vào các mặt hàng công nghiệp chế biến bao gồm gỗ và sản phẩm gỗ, hàng dệt may, giày dép, máy móc dụng cụ và phụ tùng. Trong khi đó, hoàn toàn vắng bóng các mặt hàng nông, thủy sản thế mạnh của Việt Nam trên bảng thống kê, do tỷ trọng xuất khẩu ở mức thấp hoặc các doanh nghiệp nông, thủy sản của Việt Nam chưa khai thác và xuất khẩu trực tiếp sang thị trường này.
Nếu xét theo số liệu của Eurostat, kim ngạch nhập khẩu của Áo từ thị trường Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2021 cũng chỉ đạt 1,75 tỷ Euro, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 1,7% trên tổng kim ngạch nhập khẩu của Áo. Hiện Việt Nam là thị trường nhập khẩu ngoại khối lớn thứ 4 của Áo (sau Thụy Sĩ, Trung Quốc và Hoa Kỳ). Tuy nhiên, trái ngược với mức giảm trong nhập khẩu của Áo từ Việt Nam, kim ngạch nhập khẩu của Áo từ các thị trường trên thế giới trong 8 tháng đầu năm 2021 tăng gần 22% so với cùng kỳ năm trước. Riêng nhập khẩu từ 3 thị trường ngoại khối lớn nhất là Thụy Sĩ, Trung Quốc và Hoa Kỳ tăng lần lượt 13,7%; 32,8% và 9,5%.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Áo giảm phần lớn là do ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam, đặc biệt là tại 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh – nơi đặt các nhà máy sản xuất chính của Samsung Việt Nam, đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất, xuất khẩu và gây khó khăn trong hoạt động vận chuyển từ các cảng biển Việt Nam tới thị trường EU. Bên cạnh đó, cước phí vận tải đường biển từ châu Á sang châu Âu liên tục tăng lên những mức cao kỷ lục, trong khi đặc điểm của Áo là dung lượng thị trường nhỏ nên các doanh nghiệp ít có nhu cầu nhập khẩu khối lượng lớn hoặc nguyên container. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp Áo đã chuyển sang đẩy mạnh nhập khẩu những loại hàng hóa có thể thay thế được hoặc nhập khẩu trung gian từ các thị trường nội khối như Đức hoặc Hà Lan và giảm nhập khẩu từ thị trường ngoại khối để giảm bớt chi phí vận chuyển.
Trước những yếu tố này, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng của Việt Nam sang Áo đều giảm. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện của Việt Nam sang Áo trong 9 tháng qua chỉ đạt 1,68 tỷ USD, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Số liệu từ Eurostat cho thấy, tổng kim ngạch nhập khẩu điện thoại di động (mã HS 851712) trong 8 tháng đầu năm 2021 của Áo đã tăng nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhập khẩu từ các thị trường ngoại khối giảm 4,7%, chiếm 71% tỷ trọng và từ các thị trường nội khối tăng 14,8%, chiếm 29% tỷ trọng. Hiện Việt Nam là thị trường nhập khẩu ngoại khối điện thoại di động (mã HS 851712) lớn nhất của Áo với kim ngạch nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm 2021 đạt 1,3 tỷ Euro, giảm 14,6% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, xuất khẩu hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Áo cũng giảm, một phần do các doanh nghiệp Áo đẩy mạnh nhập khẩu các mặt hàng này từ Trung Quốc và giảm nhập khẩu từ Việt Nam trong giai đoạn sản xuất và xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị ngưng trệ. Tuy nhiên, xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác và nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày sang thị trường này vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao, lần lượt tăng 28% và 192,3% so với cùng kỳ năm trước
Dự báo, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Áo trong quý cuối năm 2021 sẽ khả quan hơn so với ba quý đầu năm trong bối cảnh kinh tế Áo đang ghi nhận xu hướng hồi phục tích cực với nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng nhanh trở lại. Ngoài ra, sự tăng tốc trong hoạt động sản xuất của Áo cũng sẽ khiến nhu cầu máy móc, nguyên phụ liệu gia tăng. Bên cạnh đó, việc kiểm soát dịch bệnh tại Việt Nam đang có những tín hiệu tích cực cộng với những ưu đãi thuế quan “trong EVFTA sẽ là những yếu tố hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này, đặc biệt là những mặt hàng tiêu dùng bao gồm dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ.
Về nhập khẩu: Trong quý III/2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ thị trường Áo đạt 72,5 triệu USD, giảm 17,5% so với quý trước và giảm 11,4% so với quý III/2020. Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ thị trường Áo đạt 239,8 triệu USD, vẫn tăng 8,03% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 1,93% tỷ trọng trên tổng kim ngạch nhập khẩu từ Liên minh EU. Trong 9 tháng qua, nhập khẩu hầu hết các nhóm hàng chủ lực từ thị trường Áo đều giảm. Trong đó, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng là nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất, chiếm 23% tổng kim ngạch, đạt 55,24 triệu USD, giảm 20,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp theo là nhóm hàng dược phẩm với 54,45 triệu USD, giảm 8,8% và chiếm 22,7% tổng kim ngạch nhập khẩu. Tuy nhiên, nhập khẩu một số mặt hàng từ Áo vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao cho dù quy mô nhập khẩu không lớn như: Thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh (tăng 337,4%); Thức ăn gia súc và nguyên liệu (tăng 94,7%); Kim loại thường khác (tăng 48,3%)…
Về cán cân thương mại: Trong nhiều năm qua, cán cân thương mại hàng hóa giữa Việt Nam với Áo luôn ở trạng thái thặng dư nghiêng về phía Việt Nam. Kể từ năm 2017, mức thặng dư thương mại của Việt Nam với thị trường Áo đã chính thức vượt mốc 3 tỷ USD và duy trì mức trên 3 tỷ USD trong các năm 2018, 2019 và giảm xuống gần 2,6 tỷ USD trong năm 2020. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2021, thặng dư thương mại của Việt Nam với thị trường Áo đạt 1,9 tỷ USD, thấp hơn 100 triệu USD so với mức thặng dư cùng kỳ năm trước.
Theo MOIT