Thương mại Việt Nam – Pháp trong quý III/2021 giảm do ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, quý III/2021, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Pháp đạt 1,13 tỷ USD, giảm 5,8% so với quý II/2021 và giảm 12,6% so với quý III/2020. Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Pháp đạt 3,51 tỷ USD, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Pháp giảm, nhưng nhập khẩu từ Pháp về Việt Nam tăng, dẫn đến xuất siêu của Việt Nam sang Pháp trong quý III/2021 giảm 39,6% so với quý II/2021 và giảm 58% so với quý III/2020, đạt 234,73 triệu USD. Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, xuất siêu hàng hóa của Việt Nam sang Pháp giảm 30,6% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 986,9 triệu USD.

Về xuất khẩu Quý III/2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Pháp đạt 681,6 triệu USD, giảm 14,1% so với quý trước và giảm 26,3% so với quý III/2020. Nguyên nhân chủ yếu khiến kim ngạch xuất khẩu sang Pháp giảm là do ảnh hưởng bởi làn sóng Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam, kéo dài từ cuối quý II và trong cả quý III/2021, đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống sinh hoạt, nhu cầu tiêu dùng, hoạt động sản xuất của người dân và doanh nghiệp. Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng vẫn có 12/25 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sang Pháp trong quý III/2021 tăng so với quý trước. Trong đó, điện thoại các loại và linh kiện là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt 186,26 triệu USD, tăng tới 197,5% nhưng vẫn giảm 33,8% so với quý III/2020. Ngoài ra, xuất hiện khá nhiều mặt hàng có tốc độ tăng trưởng khá so với cả quý II/2021 và quý III/2020, phần nào cho thấy các doanh nghiệp đã tận dụng tốt các ưu đãi trong EVFTA, như: Kim ngạch xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 21,5% so với quý II/2021 và tăng 13% so với quý III/2020; đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận tăng lần lượt 4,5% và 29,9%; sản phẩm mây, tre, cói và thảm tăng 1,6% và 36,1%; hạt tiêu tăng 20,7% và 90,8% …

Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Pháp đạt 2,25 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 7,8% tỷ trọng trên tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang toàn khối EU. Với kết quả này, Pháp là thị trường có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh nhất trong nhóm 10 thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tại EU, đưa Pháp từ vị trí thứ 3 (tại thời điểm cuối năm 2020) xuống vị trí thứ 7 trong danh sách các thị trường xuất khẩu của Việt Nam tại khối này. Đóng góp nhiều nhất trong mức giảm kim ngạch xuất khẩu sang Pháp là các mặt hàng: Điện thoại các loại và linh kiện (giảm 31,6%); Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (giảm 28,4%) và hàng thủy sản (giảm 4,7%). Ở chiều ngược lại, nhiều mặt hàng xuất khẩu sang Pháp ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao, cho dù quy mô xuất khẩu còn khá hạn chế. Đáng chú ý, nhiều mặt hàng trong số đó được hưởng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA khi thuế suất về 0% đối với hầu hết các dòng sản phẩm ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Tiêu biểu như kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng 33,5% so với 9 tháng đầu năm 2020; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 55,4%; đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận tăng 46,8% hay cao su tăng 89,7%.

Nhìn chung, mức độ tác động của Hiệp định EVFTA đến xuất khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam trong 9 đầu năm 2021 đã rõ nét hơn khi tiêu dùng hàng hóa của Pháp phục hồi, nhu cầu nhập khẩu tăng trưởng khả quan. Theo Eurostat, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng ở Pháp trong tháng 9/2021 đã tăng 3 điểm so với tháng trước  lên 102 điểm. Chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất cũng tăng lên 56,6 điểm vào tháng 10/2021, từ mức 56,2 điểm trong tháng 9/2021 và cao hơn nhiều so với kỳ vọng thị trường là 55,5 điểm.  Theo Eurostat, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Pháp trong 8 tháng đầu năm 2021 đạt 382,62 tỷ Euro (tương đương với 445,37 tỷ USD), tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam giảm 6,4%, chỉ đạt 2,28 tỷ Euro (tương đương với 2,66 tỷ USD). Mặc dù vậy, nhập khẩu từ Việt Nam trong tháng 8/2021 đã có tín hiệu hồi phục trở lại với mức tăng 15,8% so với tháng 7/2021, chiếm 2% trên tổng nhập khẩu của Pháp, cao hơn so với tỷ trọng chiếm 1,66% trong tháng 7/2021. Trong 8 tháng đầu năm 2021, mặc dù đối mặt với hàng loạt khó khăn nhưng nhiều mặt hàng của Việt Nam đã tận dụng tốt những ưu đãi từ Hiệp định EVFTA để tăng thị phần trong tổng nhập khẩu của thị trường Pháp. Trong đó, thị phần mặt hàng giày dép (mã HS 64) của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Pháp đã tăng từ 15,7% trong 8 tháng đầu năm 2020 lên 20,3% trong 8 tháng đầu năm 2021; thị phần mặt hàng rau quả (HS 07, 08, 20) tăng từ 2,3% lên 2,8%; thị phần mặt hàng hạt tiêu (HS 090411, 090412) tăng từ 37,9% lên 46,4%; thị phần mặt hàng gạo (HS 1006) tăng từ 4,2% lên 4,9% …

Dự báo, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Pháp được nhận định sẽ thuận lợi trong những tháng cuối năm nay và các năm tiếp theo khi các doanh nghiệp ngày càng có kinh nghiệm hơn trong việc tận dụng các ưu đãi từ Hiệp định EVFTA. Bên cạnh đó, Việt Nam về cơ bản đã kiểm soát được dịch Covid-19, các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các đơn hàng xuất khẩu tồn đọng trước đó do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 được bù đắp. Trong khi đó, các chỉ số kinh tế của Pháp mới được công bố trong tháng 10/2021 cho thấy kinh tế nước này có xu hướng phục hồi ngày càng rõ nét. Tiêu dùng hàng hóa tăng lên, tỷ lệ thất nghiệp cải thiện, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa gia tăng. Trong quý III/2021, GDP của Pháp đạt tốc độ tăng trưởng 3% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức tăng nhanh thứ nhì trong Liên minh EU sau Áo. Tuy nhiên, sức mua nhiều mặt hàng chưa thể quay về mức trước đại dịch khi tỷ lệ thất nghiệp mặc dù đã cải thiện nhưng vẫn ở mức cao. Các mặt hàng có triển vọng đẩy mạnh tăng trưởng trong thời gian tới có thể kể đến như: Điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may, giày dép các loại, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, túi xách, ví, va li, mũ và ô dù, hàng rau quả, thủy sản, hạt tiêu, hạt điều, phương tiện vận tải và phụ tùng, sản phẩm từ chất dẻo, đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận, sản phẩm mây, tre, cói và thảm … do nhu cầu tiêu thụ dịp cuối năm tăng.

Về nhập khẩu Quý III/2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Pháp đạt 446,9 triệu USD, tăng 10,5% so với quý II/2021 và tăng 22,1% so với quý III/2020. Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Pháp đạt 1,26 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2020. Quý III/2021, kim ngạch nhập khẩu nhiều

mặt hàng từ thị trường Pháp tăng so với quý II/2021 và so với quý III/2020. Trong đó, nhập khẩu nhiều mặt hàng ghi nhận mức tăng trưởng cao, như: Sản phẩm hóa chất, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, phương tiện vận tải khác và phụ tùng. Ngược lại, nhập khẩu nhiều mặt hàng giảm mạnh, như: Dược phẩm, chất thơm, mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh, sữa và sản phẩm sữa, hóa chất, sắt thép các loại, cao su…

Theo MOIT

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo