Thúc đẩy kết nối giao thương giữa Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu

Một gian hàng trưng bày, giới thiệu trái bơ Đắk Lắk tại hội nghị.

Một gian hàng trưng bày, giới thiệu trái bơ Đắk Lắk tại hội nghị.

Một gian hàng trưng bày, giới thiệu trái bơ Đắk Lắk tại hội nghị.

Sáng 8/7, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk phối hợp Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại năm 2022.

Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công thương các tỉnh, thành phố cùng 273 đại biểu đến từ 171 doanh nghiệp, đơn vị, hợp tác xã… của tỉnh Đắk Lắk và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Đặc biệt, Hội nghị lần này thu hút sự tham gia của nhiều đơn vị thu mua là các siêu thị, sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu nông sản trong và ngoài tỉnh Đắk Lắk.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk Huỳnh Ngọc Dương nhấn mạnh: “Lâu nay, Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung là khu vực có thế mạnh về sản xuất, chế biến nhiều loại nông sản, trái cây nổi tiếng, nhưng giữa người sản xuất, cung cấp sản phẩm và người thu mua chưa có cơ hội, điều kiện tiếp xúc, kết nối giao thương với nhau. Vì vậy, người sản xuất, cung cấp sản phẩm cũng gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và người thu mua cũng gặp khó khăn trong việc thu mua sản phẩm để xuất khẩu. Chính vì điều này, việc tổ chức Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại năm 2022 là điểm đến của hơn 171 doanh nghiệp, đơn vị, hợp tác xã cung cấp, thu mua nông sản, mở ra cơ hội thúc đẩy giao thương và hứa hẹn nhiều cơ hội cho doanh nghiệp địa phương”.Hội nghị cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu, địa phương, doanh nghiệp, thương lái có cơ hội tiếp xúc, tăng cường hiểu biết, tìm kiếm đối tác, thúc đẩy giao lưu và mở rộng hợp tác trong tiêu thụ nông sản; góp phần đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa thế mạnh của tỉnh Đắk Lắk và khu vực Tây Nguyên, nhất là các sản phẩm đặc trưng như cà-phê, hồ tiêu, mắc ca, các loại trái cây… giúp phát triển sản xuất bền vững, nâng cao giá trị, thu nhập và đời sống của nông dân, ông Huỳnh Ngọc Dương cho biết thêm.

Bà Lê Vũ Thùy Dung, Phó Giám đốc thương mại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk – doanh nghiệp xuất khẩu cà phê và hồ tiêu lớn nhất tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Hội nghị là cơ hội tốt để doanh nghiệp chúng tôi kết nối, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ với các nhà sản xuất, cung cấp sản phẩm. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp chúng tôi chia sẻ những khó khăn đang tồn tại của hoạt động tiêu thụ, xuất khẩu nông sản tại doanh nghiệp và khu vực Tây Nguyên thời gian qua, đồng thời kiến nghị các giải pháp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung trong thời gian tới”. Còn bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Giám đốc Công ty cổ phần Ban Mê Green Farm, tỉnh Đắk Lắk cho rằng, hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại năm 2022 là cơ hội tốt để doanh nghiệp tìm kiếm, tiếp xúc, kết nối với các đối tác nhằm thúc đẩy mở rộng hợp tác trong tiêu thụ nông sản của địa phương trong thời gian tới.

“Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả chương trình kết nối giao thương và xúc tiến thương mại, tôi đề xuất cần tăng cường hơn nữa chương trình trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý trên lĩnh vực xúc tiến đầu tư, thương mại điện tử, hạ tầng thương mại, đầu tư trong và ngoài nước; kinh nghiệm xây dựng chính sách quản lý và phát triển các khu, cụm công nghiệp, các trung tâm thương mại, siêu thị… Đồng thời, cần thúc đẩy chương trình tiếp cận các gói tài chính hỗ trợ đầu tư phát triển doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân sản xuất tại các vùng nguyên liệu…”, bà  Nguyễn Thị Thái Thanh đề xuất tại hội nghị.Trong khuôn khổ chương trình, còn diễn ra hoạt động triển lãm, trưng bày sản phẩm tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk, với quy mô 44 gian hàng của 36 doanh nghiệp, Hợp tác xã. Đây chủ yếu là những sản phẩm đặc trưng, chủ lực của 7 tỉnh, thành phố khu vực Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.

Thông qua hội nghị kết nối giao thương năm nay, Ban tổ chức mong muốn quảng bá, giới thiệu các loại trái cây đặc sản, chất lượng cao được thu hoạch, sơ chế và đóng gói theo dây chuyền hiện đại, đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và OCOP; những sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng. Đồng thời quảng bá hình ảnh quê hương và con người Đắk Lắk đến với du khách trong và ngoài nước.

Tại hội nghị, Ban tổ chức còn bố trí khu vực kết nối giao thương cho các đơn vị, doanh nghiệp thu mua nông sản bán vào hệ thống siêu thị và hệ thống nông sản sạch trên toàn quốc; các hệ thống siêu thị và chuỗi nông sản sạch như BigC Go, Bách Hóa Xanh, Co.opmart, Mega Market, Siêu thị Tứ Sơn Châu Đốc…; đặc biệt là các doanh nghiệp đang có nhu cầu tìm kiếm nguồn hàng có nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm chất lượng cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước.

Ngoài ra, hội nghị cũng thu hút sự quan tâm của các sàn thương mại điện tử như Alibaba, Voso, Tiki, Felix…, các đơn vị chuyển đổi số VNPT, Viettel… và các đơn vị dịch vụ logistics…

Thúc đẩy kết nối giao thương giữa Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu -0
 Các doanh nghiệp tham gia hội nghị tìm hiểu, tìm kiếm đối tác, thúc đẩy giao lưu và mở rộng hợp tác trong tiêu thụ nông sản.

Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu còn được đi tham quan vùng trồng, sản xuất nông sản GlobalGAP và nhà máy sơ chế, đóng gói xuất khẩu tại huyện Krông Pắc, và tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; tham quan khu trưng bày sản phẩm đặc trưng khu vực Tây Nguyên…

Theo Nhandan

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo