Thừa Thiên Huế: Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng

Đệm bàng Phò Trạch được đầu tư mẫu mã đáp ứng nhu cầu thị trường

Hàng loạt giải pháp mới được Phong Điền (Thừa Thiên – Huế) đưa ra nhằm mục tiêu các sản phẩm đặc trưng của huyện có khả năng cạnh tranh cao.

Nhiều nhưng chưa tinh

Nói đến sản phẩm đặc trưng, sẽ ít có huyện nào trong tỉnh có số lượng nhiều, đa dạng lĩnh vực như ở Phong Điền, từ thủ công truyền thống, sản phẩm nông nghiệp nông thôn, chế biến, đến dịch vụ du lịch… Nhiều sản phẩm ở Phong Điền có đặc trưng riêng, mang đậm nét văn hóa truyền thống, lịch sử như: gốm Phước Tích, mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên, đệm bàng Phò Trạch, nghề làm lưới Vân Trình, tương măng Phong Mỹ; gần đây có dầu lạc, hoa atisô đỏ, rau sạch… từng bước được khách hàng biết đến.

Số lượng nhiều là như thế, song theo nhìn nhận của lãnh đạo huyện Phong Điền là “nhiều nhưng chưa tinh”. Một số sản phẩm truyền thống khó cạnh tranh với thị trường, thiếu những cá nhân có thể tìm được thị trường đầu ra tốt, quảng bá hiệu quả hơn cho sản phẩm. Trong khi đó, những sản phẩm mới đang gặp sự cạnh tranh của các sản phẩm cùng loại trên thị trường, cần thêm thời gian để xây dựng thương hiệu…

Nếu nói nghề làm gốm truyền thống, ở Huế chỉ có gốm Phước Tích là “vang danh”, có thể xếp vào “top” nghề gốm nổi tiếng trong cả nước. Nhưng bao năm qua, nhiều giải pháp, nguồn lực dồn cho nghề gốm Phước Tích để ngọn lửa gốm hồi sinh một cách mạnh mẽ hơn, nhưng đến hiện nay chưa thể trở thành sản phẩm thị trường lựa chọn. Nếu làm tốt hơn, đây sẽ là sản phẩm trải nghiệm hấp dẫn của du khách gần xa.

Bà Dương Thị Công Lý, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Hà Nội – Chi nhánh Huế cho rằng, giá trị của sản phẩm mang lại ở hai khía cạnh, về giá trị sử dụng và giá trị tượng trưng. Chúng tôi đã có rất nhiều chuyến khảo sát ở Phong Điền trong xây dựng tour tuyến, đưa các sản phẩm đặc trưng ở Phong Điền trở thành sản phẩm du lịch, vừa trải nghiệm vừa mua hàng lưu niệm. Song những sản phẩm đang dừng ở tiêu dùng, những sản phẩm mang tính tượng trưng chưa tinh và mẫu mã phù hợp.

Hạn chế đối với gốm Phước Tích có thể thấy, đó là còn trông chờ quá lớn vào Nhà nước, chưa hoạt động theo cơ chế thị trường. Cách làm “chờ đợi” khách đến hơn là chủ động thu hút như lâu nay rất khó đối với gốm Phước Tích. Đòi hỏi, người chủ phải năng động hơn để tìm đầu ra, chủ động kết nối tour tuyến đến trải nghiệm.

Dù không nổi tiếng bằng Thủy Biều, cây thanh trà và bưởi da xanh ở Phong Điền cũng được đánh giá cao về chất lượng. Đây là lý do cần được tính đến trong bài toán thương hiệu và đầu ra bền vững cho đặc sản thanh trà và bưởi da xanh.

Tăng cường quảng bá

Cũng phải đánh giá rằng, trong khi những sản phẩm truyền thống, có tính khác biệt chưa phát huy được hết lợi thế, thì những sản phẩm mới được khách hàng biết đến và lựa chọn. Cụ thể như tinh dầu tràm Hoa Nén, có cơ sở sản xuất tại Phong Điền. Nếu xét về truyền thống không thể bằng vùng tràm Lộc Thủy (Phú Lộc), nhưng về khía cạnh vươn ra thị trường doanh nghiệp này đang rất tốt, khi có những cách làm hay và khả năng quảng bá tốt.

Lãnh đạo UBND huyện Phong Điền cho biết, thương hiệu vẫn là khâu yếu các sản phẩm đặc trưng của Phong Điền. Để ra thị trường đòi hỏi sản phẩm đó được người tiêu dùng biết đến. Do đó, huyện đang tập trung xây dựng thương hiệu, tổ chức hội thảo để quảng bá sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử. Hình thành các mô hình sản xuất tiêu thụ theo chuỗi giá trị, trong đó có sự liên kết chặt chẽ giữa cơ sở cung cấp nguyên liệu đầu vào – doanh nghiệp sản xuất – nhà phân phối.

Để nâng thương hiệu, hình ảnh sản phẩm đến gần với khách hàng, ngành văn hóa, thông tin huyện Phong Điền được yêu cầu xây dựng chương trình truyền thông, thông tin tuyên truyền về các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng trên địa bàn huyện. Đặc biệt, trong thời gian đến sẽ tổ chức các hoạt động, lễ hội để quảng bá, giới thiệu về các sản phẩm dịch vụ, du lịch tại làng cổ Phước Tích, thượng nguồn sông Ô Lâu…

Được biết, mới đây, Phong Điền tiến hành khảo sát thực trạng, nhu cầu đầu tư sản xuất, kinh doanh các sản phẩm tiềm năng, sản phẩm OCOP và định hướng phát sản phẩm đặc trưng trên địa bàn huyện. Từ đó, rà soát và phân bổ các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ thực hiện các nhóm sản phẩm theo đúng định hướng và thứ tự ưu tiên.

Ông Hồ Đôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền nhấn mạnh, UBND huyện đã ban hành Đề án Phát triển sản phẩm đặc trưng đến năm 2025. Để đề án đạt kết quả, hàng năm huyện đều có kế hoạch thực hiện cụ thể, gắn trách nhiệm nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện. Tạo nên các sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong, ngoài tỉnh, xa hơn là hướng đến xuất khẩu.

Theo Báo Thừa Thiên Huế

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo