Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định địa phương luôn đồng hành cùng DN trong phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Ngày 5/11, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội nghị về giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế tỉnh Thừa Thiên Huế trong điều kiện bình thường mới gắn với phòng, chống và kiểm soát dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, các DN cũng đã chủ động tiếp cận các sàn giao dịch điện tử, vận dụng nền tảng chuyển đổi số để tăng doanh thu, đổi mới phương thức sản xuất phù hợp, kịp thời, thích ứng linh hoạt trong trạng thái bình thường mới, nhiều DN đã tìm thấy cơ hội và quay trở lại hoạt động kinh doanh, tạo tiền đề thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế.Thời gian qua, dịch COVID-19 bùng phát đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh và sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để kiểm soát dịch và thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ đến cộng đồng doanh nghiệp (DN) và người lao động như: Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất; chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thành lập tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch.

Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội, hợp tác xã, các DN đều mong muốn tỉnh tạo điều kiện tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động, đặc biệt trong ngành du lịch, dịch vụ để bảo đảm thực hiện cơ chế “hộ chiếu vaccine”, “thẻ xanh” trong thời gian tới; tiếp tục có các chính sách miễn giảm thuế, lãi suất vay vốn ngân hàng, các loại phí, lệ phí; hỗ trợ công tác xúc tiến, quảng bá, tiếp cận thị trường; triển khai các gói kích cầu du lịch.

Đại diện Công ty Cổ phần Đồng Lâm kiến nghị tỉnh đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, hạn chế việc cách ly, phạm vi cách ly đối với các DN có lao động được tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ và bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch tốt đồng thời thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch giữa các địa phương của tỉnh.

Hội nghị bàn giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế của tỉnh Thừa Thiên Huế trong điều kiện bình thường mới.

“Chính quyền sẽ tiếp tục đồng hành và thực hiện các giải pháp trong điều kiện cao nhất để hỗ trợ DN, người lao động; thực hiện đồng bộ 2 chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 và chiến lược khôi phục, phát triển kinh tế – xã hội trong trạng thái bình thường mới’, ông Phan Quý Phương khẳng định.Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương cho rằng, tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường tại địa phương vì vậy điều tất yếu hiện nay là cần thích ứng an toàn để sống chung với dịch theo chủ trương của Chính phủ. Để làm được điều đó, tỉnh phấn đấu đẩy nhanh công tác tiêm phòng, tăng độ bao phủ vaccine trong toàn dân; các DN, người lao động cần nâng cao tinh thần phòng chống dịch để từng bước phục hồi kinh doanh, sản xuất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục bám sát các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để sớm hoàn thành việc hỗ trợ cho các DN, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Sở Y tế ban hành bộ quy tắc ứng xử phòng, chống dịch đối với công nhân lao động trong khu công nghiệp.

Trên cơ sở các ý kiến tại hội nghị, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng, công bố kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế trong điều kiện bình thường mới; trong đó tập trung phục hồi các ngành, lĩnh vực trọng tâm của địa phương. Triển khai nhanh nhất các gói hỗ trợ cho DN, đối tượng bị ảnh hưởng. Khẩn trương rà soát các chính sách, tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo điều kiện cho DN sản xuất kinh doanh.

Cùng với DN, chủ động nghiên cứu, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, phù hợp với dịch bệnh ở địa phương và điều kiện thực tế của DN; công nhân, người lao động trong các DN, doanh nhân được ưu tiên tiêm vaccine an toàn, khoa học, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số; nâng cao năng lực, sức cạnh tranh; quan tâm đến việc giữ chân người lao động, chuyển đổi lao động, tái cấu trúc lao động; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để biến thách thức thành cơ hội; tạo chuẩn giá trị mới, quan tâm hơn đến phục vụ người dân và nhu cầu trong nước; mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cũng tại hội nghị, bà Trần Thị Hoài Trâm, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã giới thiệu công cụ hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN, cá nhân trên địa bàn tỉnh qua các kênh tiếp nhận: Đường dây nóng 0234.3629999; hộp thư điện tử bbt.ubnd@thuathienhue.gov.vn  và chuyên mục “Tiếp nhận xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân doanh nghiệp” trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế. Việc tiếp nhận thông tin phản ánh được thực hiện 24/7 và Văn phòng UBND tỉnh sẽ trả lời kết quả xử lý, kiến nghị trong thời gian sớm nhất.