Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Pháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng vì cảm nhận được tình cảm ấm áp, gắn bó, tin tưởng lẫn nhau giữa các đại biểu, thể hiện mối quan hệ tốt đẹp trong hợp tác của các doanh nghiệp và Chính phủ hai nước, trong đó có 29 thỏa thuận hợp tác vừa được ký trao với giá trị hàng tỷ USD. Các thỏa thuận hợp tác đều hết sức thuyết phục và khả thi, đúng hướng trên nhiều lĩnh vực như y tế, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo…Sự kiện có sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành, Đại sứ Việt Nam tại Pháp, Đại sứ Pháp tại Việt Nam và đông đảo doanh nhân, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam và Pháp.
Thủ tướng Chính phủ kêu gọi các doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu, trao đổi để hợp tác sâu rộng hơn trên các lĩnh vực. Trong đó cả việc các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Pháp và các doanh nghiệp Pháp đầu tư vào Việt Nam, tương xứng với tiềm năng thế mạnh giữa hai nước; phù hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển hiện nay.
Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp không chỉ hỗ trợ Việt Nam về mặt tài chính, đầu tư mà hỗ trợ Việt Nam xây dựng thể chế, chính sách, cải cách hành chính; cung cấp nguồn tài chính xanh; công nghệ xanh; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và khoa học quản trị quốc gia.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho biết, quan hệ Việt Nam và Pháp là quan hệ có tính “duyên nợ”, sâu sắc, toàn diện, truyền thống, có nền tảng lâu năm, từ những thế kỷ trước. Ngay như chữ viết của Việt Nam hiện nay cũng bắt nguồn từ người Pháp; Chủ tịch Hồ Chí Minh khi rời Việt Nam tìm đường cứu nước cũng đi con tàu của Pháp và có thời gian hoạt động lâu nhất ở Pháp. Một trong những Hiệp định mang lại hòa bình cho Việt Nam là hiệp định được ký kết tại Paris.
Trải qua thời kỳ chiến tranh, hai nước Việt Nam, Pháp đã vượt qua tất cả, không định kiến với quá khứ để hướng đến tương lai. Trong quá trình phát triển, quan hệ Việt Nam-Pháp gắn bó, là nhu cầu khách quan. Hiện nay, quan hệ hợp tác 2 nước đã và đang thúc đẩy phát triển trên tất cả các lĩnh vực, từ đầu tư, thương mại, văn hóa, giáo dục… góp phần thúc đẩy phát triển của mỗi nước.
Hai nước ngày càng gắn kết, phát triển; lòng tin chính trị ngày càng được củng cố, tăng cường, phù hợp với đường lối đối ngoại của Việt Nam là: Độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hoá; đóng góp tích cực, chủ động và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế; cái gì có lợi cho hòa bình, phát triển là Việt Nam tham gia một cách có trách nhiệm và hiệu quả.
Thủ tướng cho biết, hiện nay Việt Nam đã và đang quyết tâm xây dựng đất nước của dân, do dân, vì dân; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để chạy theo kinh tế đơn thuần; phát triển nhanh, nhưng phải bền vững.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho biết, Việt Nam xác định con người là nền tảng. Do đó, tiềm năng lớn trong hợp tác, đầu tư vào Việt Nam không chỉ do có môi trường đầu tư thuận lợi, mà có con người thông minh, năng động, sáng tạo, thân thiện.
Những vấn đề được các nhà đầu tư quan tâm như cơ sở hạ tầng, thể chế, nguồn nhân lực… đang được Việt Nam tập trung giải quyết. Đó cũng là các nội dung trong 3 đột phá chiến lược mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định, để phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Thủ tướng cho biết, dịch COVID-19 bùng phát, lan rộng và nguy hiểm khiến nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề. Khi bắt đầu ứng phó với dịch, Việt Nam phải áp dụng biện pháp hành chính, nhưng khi đã có giải pháp, công thức phòng và có khả năng ứng phó tốt hơn với dịch bệnh, Việt Nam đã chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 để vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó, Việt Nam đang thực hiện mở cửa từng bước, dựa trên nền tảng cơ bản về kinh tế vĩ mô, xã hội… và đạt kết quả bước đầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thừa nhận, mặc dù vậy, Việt Nam cũng còn không ít khó khăn, thách thức như: Ứng phó trước các cạnh tranh chiến lược; là nước đang phát triển nên còn nhiều khó khăn; vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường; nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số, dịch bệnh…
Tuy nhiên, Thủ tướng tin tưởng với “duyên nợ” lâu năm và lòng tin chiến lược; trên tinh thần ủng hộ hòa bình, phát triển, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, người dân, doanh nghiệp hai nước đoàn kết, hợp tác thực chất, hiệu quả, góp phần đưa quan hệ hai nước ngày càng phát triển.
Trao 29 thỏa thuận hợp tác
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan hữu quan của Việt Nam và Pháp đã chứng kiến Lễ trao 29 thỏa thuận hợp tác giữa các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác Cộng hòa Pháp và một số nước châu Âu trên nhiều lĩnh vực như đầu tư, thương mại, xây dựng, quy hoạch, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo…
Trong đó ở lĩnh vực đầu tư, thương mại có các thỏa thuận như: Thỏa thuận hợp tác giữa Công ty Vinfast và Tập đoàn EDF về cung cấp, lắp đặt thiết bị sạc và cung cấp dịch vụ sạc điện công cộng cho khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức của VinFast; Hiệp hội Vì sự phát triển của xe diện (AVERE) trao chứng chỉ thành viên cho Vinfast; Hãng hàng không Vietjet và Tập đoàn Airbus thỏa thuận hợp tác chiến lược về cung cấp 184 tàu bay, phát triển mới đội tàu bay thân rộng và bàn giao 3 tàu bay thân rộng A330; HDBank và Tổ chức tài chính Phát triển Pháp (Proparco) thỏa thuận hợp tác hỗ trợ tài chính cho các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam; Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel và đại diện Công ty Rapid Space International thỏa thuận hợp tác về nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm công nghệ 5G; Tập đoàn T&T và Tập đoàn Total thỏa thuận hợp tác chiến lược trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam, với mục tiêu đầu tư các dự án khả thi và hợp tác phát triển ít nhất 2.000 MW, với tổng mức đầu tư dự kiến 3 tỷ USD. ..
Lĩnh vực văn hóa, giáo dục, đào tạo, y tế có các thỏa thuận như: Quyết định hỗ trợ về văn hoá, thể thao và du lịch; Quyết định hỗ trợ toàn diện trong đào tạo nguồn nhân lực cho ngành kế hoạch và đầu tư, hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô, quản lý đầu tư công và phát triển doanh nghiệp; Tập đoàn T&T và đại diện Trung tâm phòng chống Ung thư Francois Baclesse thỏa thuận hợp tác về xây dựng hệ thống bệnh viện chất lượng cao và bệnh viện tư nhân chuyên khoa về ung bướu tại TP. Hồ Chí Minh; Đại diện Tập đoàn T&T và đại diện Trường Quản trị Normandie thỏa thuận hợp tác về tư vấn xây dựng các mô hình giáo dục quốc tế chất lượng cao, kết nối với các trường nổi tiếng thế giới và đào tạo nguồn nhân lực cho Tập đoàn; IDS Equity Holdings và Công ty TNHH Euro Asia Edu thỏa thuận hợp tác phát triển, thành lập trường đại học theo tiêu chuẩn chất lượng châu Âu tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; Đại học Y Hà Nội và đại diện Tập đoàn NG Biotech thỏa thuận hợp tác nghiên cứu phát triển và chuyển giao Công nghệ sản xuất 175 loại test nhanh cho Việt Nam…
Chủ tịch MEDEF: Cánh cửa hợp tác mở rộng cho 2 bên
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch MEDEF Geoffroy Roux de Bézieux để trao đổi về cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước. Ảnh: TTXVN
Sáng 4/11 (giờ địa phương), trước khi có bài phát biểu quan trọng tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt-Pháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Chủ tịch MEDEF Geoffroy Roux de Bézieux để trao đổi về cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước.
Với 185.000 DN cộng với 10 triệu lao động của MEDEF, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng đây là cơ hội tốt để thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư và kinh tế thực chất hơn, trên các lĩnh vực như vấn đề năng lượng tái tạo, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, y tế, giáo dục, KHCN.
“Đây là những lĩnh vực chúng tôi có chính sách ưu tiên, còn Pháp lại có thế mạnh nên chúng ta gặp nhau ở điểm này”, Thủ tướng chia sẻ.
Trên cơ sở quy hoạch quốc gia Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh hai bên có thể tìm kiếm các dự án cụ thể để cùng nhau thúc đẩy.
Ví dụ ở Việt Nam, nông nghiệp là lĩnh vực phát triển ổn dịnh. Dù có biến động về khí hậu, dịch bệnh cũng như tác động khác, nhưng ngành nông nghiệp, nhất là thủy sản, trái cây mùa vụ vẫn phát triển nhanh, ổn định và chất lượng nâng lên. Vì thế, Việt Nam muốn thúc đẩy mạnh mẽ hơn, muốn Pháp mở cửa hơn, các doanh nghiệp của Pháp vào làm việc nhiều hơn với doanh nghiệp Việt Nam để nâng cao kim ngạch xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp.
“Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Pháp không có xung đột mà chỉ có hỗ trợ, bổ sung cho nhau để phát triển tốt hơn”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.
Về phía Chủ tịch MEDEF Geoffroy Roux de Bézieux, ông tin tưởng vào triển vọng hợp tác và cho rằng quan hệ hai nước sẽ ngày càng phong phú, sâu sắc hơn.
“Chúng tôi thấy có nhiều cơ hội thúc đẩy kinh tế giữa Việt Nam và Pháp. Việt Nam thời gian qua rất nỗ lực cải cách và mở cửa kinh tế nên có mức tăng trưởng thuộc top những nước cao nhất thế giới”, ông Geoffroy Roux de Bézieux nhận định.
Chia sẻ với Việt Nam trong việc chịu tác động của đại dịch COVID-19, song ông cho rằng đó là khó khăn nhất thời. Chủ tịch MEDEF hoàn toàn tin tưởng triển vọng phát triển của Việt Nam vào năm 2022.
“Chúng tôi thấy Việt Nam có rất nhiều chương trình và kế hoạch phát triển mạnh mẽ, cam kết mạnh mẽ về hạ tầng, nông nghiệp sạch, y tế và đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp Pháp có rất nhiều thế mạnh trong lĩnh vực này nên cánh cửa hợp tác mở rộng cho 2 bên”, theo ông Geoffroy Roux de Bézieux.
Khẳng định cộng đồng doanh nghiệp Pháp rất quan tâm đến Việt Nam, Chủ tịch MEDEF cho rằng số lượng lớn MOU vừa ký kết, trao đổi giữa hai bên đã cho thấy sự quan tâm này. Song theo ông, con số trao đổi thương mại giữa 2 nước dù tăng trưởng vẫn khiêm tốn so với tiềm năng của hai bên. Chủ tịch MEDEF tin tưởng chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Pháp sẽ tạo đà mới trong hợp tác giữa hai bên trên các lĩnh vực thương mại, kinh tế và đầu tư.
Theo Chinhphu.vn