Nhà máy của Tập đoàn Jinko Solar Việt Nam tại KCN Sông Khoai.
Nằm trong hệ thống KKT ven biển Việt Nam được Chính phủ phê duyệt, Quảng Yên đóng vai trò là động lực phát triển hành lang kinh tế phía Tây của tỉnh, sở hữu 5/16 cụm, khu công nghiệp (KCN). Tuy nhiên, tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật và thu hút nhà đầu tư thứ cấp tại các KCN hiện nay còn tương đối chậm, đang ảnh hưởng đến tổng thể phát triển của địa phương và khu vực.
Trong tổng số 16 cụm, KCN toàn tỉnh, TX Quảng Yên có đến 5 KCN với tổng diện tích gần 4,6ha, bao gồm: KCN Đông Mai, KCN Sông Khoai, KCN Nam Tiền Phong, KCN Bắc Tiền Phong và KCN Bạch Đằng. Đến nay, đã có 4/5 KCN được các chủ đầu tư thực hiện đầu tư kinh doanh hạ tầng và đã cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất để thực hiện dự án. Riêng KCN Bạch Đằng, hiện vẫn đang triển khai thủ tục đầu tư theo quy định.
Trong đó, KCN Đông Mai hiện đang là KCN có tỷ lệ lấp đầy cao nhất, đạt đến 80% tổng diện tích đất với 23 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, tổng vốn đầu tư gần 480 triệu USD, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực: Linh kiện ô tô, linh kiện điện tử dân dụng, linh kiện tivi, dụng cụ cắt chính xác, thiết bị âm thanh… Song thực tế mới có 6 doanh nghiệp hoạt động cho ra sản phẩm, 3 doanh nghiệp còn đang xây dựng, 11 doanh nghiệp mới dừng lại ở việc xin cấp phép đầu tư.
Tương tự, KCN Sông Khoai được đầu tư trên diện tích 714ha, diện tích đất công nghiệp 470ha, thời gian thực hiện chia thành 5 giai đoạn tập trung phát triển dịch vụ cảng biển, công nghiệp và đô thị… Hiện chủ đầu tư đã thi công san lấp mặt bằng trên diện tích 116,5ha, bàn giao cho nhà đầu tư thứ cấp Jinko Solar Việt Nam diện tích 58,6ha; các hệ thống hạ tầng cơ bản như điện, nước, xử lý nước thải đã thi công xong. Riêng tuyến đường trục chính hiện đã bắt đầu thi công hạng mục xử lý nền giai đoạn 1 có chiều dài 1,5km, phục vụ nhà đầu tư thứ cấp.
KCN Bắc Tiền Phong mới thi công xong một làn đường nội bộ, hiện vẫn đang triển khai hạng mục điện, nước và trạm xử lý nước thải.
Riêng 2 KCN Nam Tiền Phong và KCN Bắc Tiền Phong có vị trí đắc địa nhất khi bám sát trục cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, gắn kết cả đường bộ, đường thủy, đường không và tiếp giáp với cảng Lạch Huyện (Hải Phòng)…; được định hướng trở thành những KCN đa ngành, hình thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hậu cần cảng và đô thị hiện đại, thông minh của tỉnh và khu vực Đồng bằng Sông Hồng. Tuy nhiên, tiến độ hiện tại vẫn còn khá chậm, công tác thu hút nhà đầu tư thứ cấp chưa thực sự hiệu quả.
Cụ thể, 2 KCN đều do Công ty KCN Tiền Phong làm chủ đầu tư, được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu vào năm 2014 và 2016. Tuy nhiên đến nay, đã 2 lần thay đổi chứng nhận tại KCN Nam Tiền Phong và 3 lần thay đổi chứng nhận tại KCN Bắc Tiền Phong, nhưng hạ tầng cơ sở đầu tư còn khá khiêm tốn. Hiện chủ yếu vẫn là thực hiện san lấp mặt bằng và một số công trình đường nội bộ, hàng rào bảo vệ, hệ thống hào tiện ích và mương thoát nước. Còn lại các hạng mục điện, nước và trạm xử lý nước thải vẫn đang trong quá trình đầu tư xây dựng. Lũy kế vốn đầu tư sau hơn 5 năm mới đạt dưới 30% tổng vốn đầu tư đăng ký của dự án.
Dù chủ đầu tư của cả hai KCN là Nam Tiền Phong và Bắc Tiền Phong đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài, tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư tại châu Âu, Nhật Bản và đã ký thỏa thuận nguyên tắc đối với tổng số 15 nhà đầu tư thứ cấp song hiện mới có 1 dự án do CTCP Hoá dầu Yên Hưng đầu tư với diện tích 9,6ha, tổng vốn đầu tư 4.229 tỷ đồng được trình cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tiến độ triển khai còn rất chậm.
Hệ thống mương hở ở KCN Nam Tiền Phong.
Để hỗ trợ các nhà đầu tư, Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp tích cực, tạo điều kiện tối đa trong suốt quá trình triển khai dự án với kỳ vọng đây sẽ là động lực quan trọng để tỉnh đón đầu làn sóng chuyển dịch đầu tư sau đại dịch Covid-19; nâng cao vai trò của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; khởi động chuỗi phát triển giá trị cao khu vực phía Tây; nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai… Tuy nhiên, tiến độ đầu tư hạ tầng và thu hút nhà đầu tư thứ cấp triển khai đầu tư tại các KCN chưa tương xứng với tiềm năng và cơ chế chính sách có được. Điều này, đã ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của các KCN, nhất là trong KKT Quảng Yên với những cơ chế rất ưu đãi.
Sau hơn 2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, hiện chuỗi cung ứng toàn cầu đã bắt đầu được kết nối lại, làn sóng đầu tư đang có xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ. Trong đó, Quảng Ninh với 5 năm đứng đầu PCI đang là địa chỉ tin cậy, hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế khi vận hành hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Vì thế, để đón được làn sóng mới, cơ hội thu hút đầu tư về tỉnh, chủ đầu tư KCN cần nâng cao trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc các cam kết với tỉnh, phát huy lợi thế, đảm bảo sự tương hỗ lẫn nhau để sớm khai thác hiệu quả các KCN, tài nguyên đất đai. Cần chủ động, tích cực hơn nữa hoàn thành hệ thống hạ tầng cơ sở theo phê duyệt; có cách tiếp cận mới, hiệu quả hơn trong triển khai các giải pháp kích cầu, thu hút nhà đầu tư thứ cấp, tiến độ lấp đầy theo kế hoạch.
Theo Báo Quảng Ninh