Trong chương trình xúc tiến đầu tư giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Khánh Hòa xác định sẽ tập trung thu hút đầu tư theo định hướng, gắn với thực hiện Kết luận số 53 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Cụ thể, phấn đấu từ nay đến năm 2025 sẽ thu hút được ít nhất 250.000 tỷ đồng vốn đầu tư.
Tập trung thu hút vốn ngoài ngân sách
Theo UBND tỉnh, từ những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giai đoạn 2021-2025 sẽ có nhiều biến động do gây gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh ở cấp độ khu vực và thế giới. Chính vì vậy, nhu cầu vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cho giai đoạn này sẽ rất hạn chế. Trước những khó khăn đó, UBND tỉnh xác định sẽ tập trung thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách để phát triển kinh tế -xã hội. Trong đó, mục tiêu chính là đẩy mạnh thu hút, phát triển ngành công nghiệp của tỉnh như đầu tư phát triển hạ tầng khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN). Tỉnh sẽ ưu tiên các ngành tạo giá trị gia tăng cao và bảo vệ môi trường sinh thái.
Một góc Bắc bán đảo Cam Ranh.
Về mục tiêu cụ thể, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực đầu tư phát triển đô thị để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025; trọng tâm thu hút đầu tư phát triển 3 vùng động lực: Khu vực vịnh Vân Phong, TP. Nha Trang và khu vực vịnh Cam Ranh; ưu tiên xây dựng KKT Vân Phong thành KKT ven biển với tính chất tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, phát triển thành vùng kinh tế động lực của tỉnh và khu vực Nam Trung bộ. Từ năm 2021 đến 2025, tỉnh đặt mục tiêu thu hút vốn đăng ký đầu tư mới vào tỉnh tối thiểu đạt 250.000 tỷ đồng, trong đó KKT tối thiểu đạt 150.000 tỷ đồng và vốn giải ngân tối thiểu đạt 75.000 tỷ đồng. Tỉnh cũng tiếp tục thực hiện mục tiêu ưu tiên thu hút đầu tư vào các dự án công nghiệp lớn, quan trọng, có động lực phát triển như: KCN Ninh Hải, KCN Dốc Đá Trắng, KCN Ninh Tịnh, KCN Vạn Thắng, KCN Nam Cam Ranh…
Hoạt động xúc tiến phù hợp với thực tế
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh sẽ bám sát vào tình hình thực tế để đánh giá xu hướng chuyển dịch dòng vốn FDI thời hậu Covid-19 và dòng vốn FDI vào Việt Nam. Từ đó, tỉnh chủ động đề ra các giải pháp, đổi mới nhằm thu hút dòng vốn phù hợp với định hướng phát triển chung. Song song đó, hoạt động nghiên cứu, đánh giá tiềm năng các thị trường truyền thống như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Mỹ, Nga… ở giai đoạn trước vẫn tiếp tục được duy trì; xác định rõ nhu cầu của từng đối tác để có phương thức liên lạc, hình thức xúc tiến đầu tư phù hợp, mang lại hiệu quả cao. Đối với đối tác là thành viên của các hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết, chương trình xúc tiến sẽ có những tìm hiểu và mở rộng thị trường phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Để hoạt động xúc tiến đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành liên quan hỗ trợ tối đa doanh nghiệp, nhà đầu tư. Trong đó, thực hiện có hiệu quả các nội dung đã cam kết giữa tỉnh Khánh Hòa với các địa phương, đối tác Nhật Bản và các tập đoàn lớn như: IPP, FPT, Công ty Millennium Energy (Hoa Kỳ)… Tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất xây dựng mô hình Tổ công tác liên ngành để hỗ trợ các dự án trọng điểm, nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm phát hiện sớm và xây dựng phương án xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp có nhu cầu dịch chuyển đầu tư trong bối cảnh tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu; ưu tiên các dự án có quy mô lớn gắn với chuỗi cung ứng, có tác động lan tỏa kinh tế – xã hội; duy trì việc tổ chức mô hình “Cà phê doanh nhân” nhằm thông tin về các chính sách, chủ trương của tỉnh cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp nắm bắt.
Ông Lê Hữu Hoàng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, giai đoạn 2021-2025, tỉnh tiếp tục huy động các nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn trực tiếp nước ngoài nhằm khai thác tiềm năng kinh tế; tập trung thu hút đầu tư theo định hướng phát triển 3 vùng kinh tế động lực của tỉnh là vịnh Vân Phong, vịnh Cam Ranh và vịnh Nha Trang, gắn với thực hiện Kết luận số 53 của Bộ Chính trị. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành lựa chọn danh mục các dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn này mang tính tập trung, trọng điểm, không dàn trải, chỉ lựa chọn các dự án nằm trong quy hoạch, định hướng phát triển của địa phương.
Giai đoạn 2016-2020, tỉnh thu hút 194 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký 177.357 tỷ đồng; trong đó có 97 dự án FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) với tổng vốn đăng ký 78.750 tỷ đồng. Các dự án lớn gồm: Nhiệt điện Vân Phong BOT 1 của Tập đoàn Sumitomo, Nhật Bản (56.437 tỷ đồng); Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh 4.500 tỷ đồng; Nhà máy điện mặt trời KN Vạn Ninh 2.500 tỷ đồng; Cảng tổng hợp Nam Vân Phong 894 tỷ đồng và nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng tại Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh… |
Theo Báo Khánh Hòa