Thu hút các nhà đầu tư sớm lấp đầy các khu, cụm công nghiệp

Phát biểu đánh giá kết quả của ngành Công Thương năm 2023, đồng chí Hà Lan Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận: “Điểm nhấn nổi bật trong kết quả thu hút đầu tư năm 2023 của tỉnh có sự đóng góp đáng kể của các ngành chức năng, các địa phương trong thu hút doanh nghiệp vào đầu tư nhà xưởng sản xuất, kinh doanh, lấp đầy các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN)”. 

Tập đoàn Quanta Computer Inc. đầu tư dự án xây dựng nhà xưởng sản xuất máy tính và thiết bị ngoại vi tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận.

   Tập đoàn Quanta Computer Inc. đầu tư dự án xây dựng nhà xưởng sản xuất máy tính và thiết bị ngoại vi tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận.

Trong năm, huyện Hải Hậu đã quan tâm kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh tại các CCN đang hoạt động gồm Hải Phương quy mô 21,2ha, Hải Minh 3,9ha, thị trấn Thịnh Long 5,8ha. Đến nay, tại 3 CCN đã có 35 doanh nghiệp đầu tư nhà xưởng sản xuất, kinh doanh, hoạt động hiệu quả, thu hút trên 8.000 lao động; trong đó có 5 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trên địa bàn huyện Ý Yên có 4 CCN đang hoạt động, trong đó CCN Yên Dương được đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, có hệ thống xử lý nước thải tiên tiến, hiện đại, đã thu hút nhiều nhà đầu tư thứ cấp vào triển khai các dự án sản xuất; CCN Yên Bằng đang hoàn thiện hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư hạ tầng các khu, CCN được huyện triển khai sôi động trong năm 2023 và đã thu hút được nhiều doanh nghiệp quan tâm, có nhu cầu đầu tư các KCN Hồng Tiến, Trung Thành và các CCN Yên Đồng, Nhân Cường, Thắng Cường. Đồng chí Nguyễn Chí Linh, Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Ý Yên cho biết, năm 2024 và thời gian tới sẽ là thời điểm các nhà đầu tư sẽ khởi công, xây dựng hạ tầng.

Theo báo cáo của Sở Công Thương, đến nay toàn tỉnh có 20 CCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 393,67ha. Năm 2023 đã có 15 dự án đầu tư xây dựng nhà xưởng với tổng mức vốn khoảng 605 tỷ đồng, dự kiến thu hút 1.100 lao động, nâng tổng cơ sở sản xuất, kinh doanh đầu tư vào các CCN trên toàn tỉnh lên 619 đơn vị với tổng vốn đăng ký là 6.671,3 tỷ đồng; đã thực hiện 4.933,3 tỷ đồng, tổng số lao động trong các CCN khoảng 21.377 lao động. Bên cạnh đó, kết quả thu hút đầu tư vào nhóm 6 KCN đã được triển khai đầu tư hạ tầng với tổng diện tích 1.289ha cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Tại KCN Mỹ Thuận là KCN thứ 5 của tỉnh có quy mô 158,4ha nằm trên địa bàn các xã Mỹ Thuận, Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc) và xã Hiển Khánh (Vụ Bản). Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng KCN do Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng Đại Phong làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 1.621 tỷ đồng. Dù đang trong quá trình xây dựng nhưng trong năm 2023 KCN Mỹ Thuận đã thu hút đầu tư từ nhiều tập đoàn lớn: Tập đoàn Sunrise Material (Singapore) đầu tư dự án xây dựng nhà máy sản xuất màng bọc polyme công nghệ cao; Tập đoàn JiaWei (Đài Loan) đầu tư dự án xây dựng nhà máy sản xuất đồ gia dụng công nghệ cao; Tập đoàn Quanta Computer Inc đầu tư dự án xây dựng nhà xưởng F1 thuộc dự án sản xuất máy tính và thiết bị ngoại vi. Tại KCN Dệt may Rạng Đông, năm 2023 đã có thêm dự án sản xuất găng tay y tế với tổng số vốn đăng ký 150 triệu USD của Công ty TNHH Y tế Bình An được chấp thuận chủ trương tiếp nhận dự án… Các dự án đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh trong năm 2023 đều được tỉnh đánh giá là các dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với môi trường đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Lý do để các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài, có quy mô lớn, vị thế toàn cầu lựa chọn đầu tư tại các khu, CCN của tỉnh là do tỉnh đã chủ động lựa chọn, bố trí quỹ đất để đầu tư hạ tầng các khu, CCN ở những vị trí thuận lợi về giao thông, nằm liền kề các tuyến giao thông trọng điểm của tỉnh, của quốc gia và có khả năng giao thương thông suốt, thuận tiện với các thành phố lớn có sân bay, cảng biển như Hà Nội, Hải Phòng… Việc quy hoạch ngành nghề tại các khu, CCN cũng đã được tỉnh chủ động định hướng rõ ràng, trong đó ưu tiên thu hút các dự án tạo nguồn thu ngân sách lớn, sử dụng công nghệ cao hiện đại phù hợp quy chuẩn quốc tế, thân thiện với môi trường và phát triển đa dạng các loại hình công nghiệp như cơ khí, điện, điện tử, chế biến nông sản thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng và một số ngành khác. Bên cạnh đó, chủ đầu tư hạ tầng các khu, CCN trong giai đoạn mới còn chú trọng cải tiến hệ thống quản lý, phát triển các hoạt động dịch vụ tiện ích nhằm gia tăng lợi ích cho khách hàng, trở thành đối tác phát triển bền vững của các doanh nghiệp. Đồng thời cũng chú trọng đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu không chỉ của các nhà đầu tư lớn mà còn cả các nhà đầu tư vệ tinh, các đơn vị cung ứng và phụ trợ, tạo thành hệ sinh thái hoàn chỉnh trong các khu, CCN, giúp cho các doanh nghiệp lớn và nhỏ cùng phát triển song hành và bền vững.

Năm 2024, trong bối cảnh Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tất cả các huyện, thành phố trên toàn tỉnh đều sẽ tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng hoàn tất thủ tục hành chính, khởi động thi công xây dựng các dự án đầu tư hạ tầng hàng loạt các khu, CCN đã xúc tiến đầu tư trong năm 2023. Do đó, tỉnh xác định việc thu hút nhà đầu tư thứ cấp đến thuê đất, đầu tư nhà xưởng sản xuất, kinh doanh, lấp đầy các khu, CCN tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển công nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động khu vực nông thôn, phát triển kinh tế địa phương và là điểm cộng đối với các nhà đầu tư hạ tầng các khu, CCN.

Để nhanh chóng lấp đầy các khu, CCN đã và sẽ triển khai, tỉnh sẽ gia tăng các giải pháp: Chú trọng chỉ đạo, sở, ngành chuyên môn thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc để kịp thời nắm bắt, đề xuất phương án giải quyết theo quy định hiện hành đối với những khó khăn, vướng mắc mà chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu, CCN gặp phải trong thực hiện các thủ tục hành chính, đảm bảo tiến độ thi công, các hạng mục kỹ thuật được xây dựng theo đúng quy định và quy hoạch đã được phê duyệt. Trong đó, lưu tâm hỗ trợ chủ đầu tư hạ tầng các khu, CCN giải quyết các vướng mắc có thể gặp phải trong công tác giải phóng mặt bằng; kiểm soát việc đầu tư, hoàn thành hạ tầng kỹ thuật về môi trường, nhất là hệ thống thoát nước, xử lý nước thải tập trung. Tăng cường hỗ trợ chủ đầu tư hạ tầng quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất, lấp đầy các khu, CCN./.

Báo Nam Định

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo