Tháo gỡ vướng mắc cho thị trường khoa học và công nghệ

Hoạt động kết nối cung cầu công nghệ trực tuyến tại Trung tâm Phát triển khoa học-công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng. (Ảnh MINH THU)

Thời gian qua, các địa phương đã phát huy được vai trò quản lý, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Đây là nhiệm vụ mới, các địa phương vừa làm vừa điều chỉnh cho phù hợp điều kiện thực tiễn.

Đến nay, đã hình thành một số điều kiện tiền đề cho thị trường khoa học và công nghệ vận hành. Tuy nhiên, cần tháo gỡ một số vướng mắc phát sinh để thị trường khoa học và công nghệ phát triển.

Theo số liệu báo cáo của các địa phương, đến nay, đã hình thành được đầu mối quản lý chuyên trách về phát triển thị trường, doanh nghiệp khoa học và công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Phòng Quản lý công nghệ và thị trường công nghệ (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ) là đơn vị trực tiếp thực hiện chức năng tham mưu về việc phát triển thị trường khoa học và công nghệ.

Bên cạnh đó, trong những năm qua, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã được ban hành nhằm thúc đẩy việc hình thành và phát triển thị trường khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, gắn nghiên cứu với ứng dụng triển khai và phát triển kinh tế của ngành, địa phương. Các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương bắt đầu quan tâm đến vấn đề xây dựng chính sách và áp dụng các biện pháp hỗ trợ phát triển thị trường khoa học và công nghệ.

Thí dụ, Chương trình thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020; quy hoạch phát triển các tổ chức khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020; Đề án phát triển doanh nghiệp và thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Long An; Đề án Phát triển thị trường khoa học và công nghệ tỉnh Phú Yên đến năm 2020…

Nổi bật nhất là đã hình thành các điểm kết nối cung cầu, các trung tâm hỗ trợ chuyển giao công nghệ, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tại các địa phương nhằm kết nối, hỗ trợ chuyển giao kết quả nghiên cứu vào sản xuất, khởi nghiệp sáng tạo. Hiện, cả nước có 22 sàn giao dịch công nghệ tại các địa phương.

Các sàn giao dịch công nghệ có xu hướng triển khai theo cả phương thức sàn thực và sàn ảo. Các sàn thực chủ yếu tập trung và trưng bày, giới thiệu các công nghệ, thiết bị, sản phẩm khoa học và công nghệ của các nhà khoa học, doanh nghiệp. Các sàn ảo giới thiệu, chào bán các thiết bị công nghệ qua mạng trực tuyến. Tuy nhiên, các hoạt động mua bán, trao đổi công nghệ trên sàn ảo gặp nhiều khó khăn, số lượng truy cập vào sàn ảo không nhiều.

Việc chuyển giao và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cũng đã góp phần vào các hoạt động của thị trường khoa học và công nghệ. Trong giai đoạn 2011-2020, một số Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Thuận, Long An, Thừa Thiên Huế, Bình Dương, Đồng Tháp… đã thực hiện việc chuyển giao kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ cho các đơn vị ứng dụng triển khai.

Nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ đạt được hiệu quả ứng dụng cao, góp phần giải quyết được các nhu cầu cấp thiết về kinh tế-xã hội của địa phương, làm tăng năng suất lao động.

Tuy nhiên, theo Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá, việc phát triển thị trường khoa học và công nghệ ở Việt Nam nói chung và trên địa bàn các tỉnh, thành phố nói riêng vẫn còn hạn chế. Những yếu tố để tạo nên một thị trường khoa học và công nghệ sôi động vẫn chưa được hình thành đầy đủ. Thị trường công nghệ chủ yếu vẫn tìm kiếm mua bán máy móc thiết bị, chưa có nhiều giao dịch có hàm lượng công nghệ cao như mua bán công nghệ và bản quyền công nghệ.

Mặc dù đã có Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BKH&CN-BTC quy định việc định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ sử dụng ngân sách nhà nước, nhưng các bên còn lúng túng khi áp dụng việc định giá theo các phương pháp quy định trong Thông tư này. Trong khi đó, các cơ quan quản lý địa phương thiếu thông tin về giá cả của tài sản trí tuệ tương tự trên thị trường khoa học và công nghệ.

Mặt khác, phần lớn các kết quả nghiên cứu có địa chỉ áp dụng là chính cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, cho nên bên chủ trì nghiên cứu không có nhu cầu bán kết quả khoa học và công nghệ trên thị trường và không muốn làm thủ tục để được giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng. Một số kết quả nghiên cứu do các tổ chức khoa học và công nghệ của tỉnh, thành phố nghiên cứu và chuyển giao cho các đối tác cũng chưa có ý thức đầy đủ về trách nhiệm phải thực hiện quy định về giao quyền sở hữu, quyền sử dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định.

Luật Chuyển giao công nghệ quy định hợp đồng chuyển giao công nghệ không bắt buộc phải đăng ký, trừ hợp đồng chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, bên cạnh việc tạo môi trường tự do cho các doanh nghiệp trong giao kết hợp đồng chuyển giao công nghệ, đã dẫn đến mặt trái là hoạt động chuyển giao công nghệ diễn ra tại các địa phương khó được nắm bắt.

Theo quy định, hằng năm, các doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ, trường đại học và cao đẳng trên địa bàn phải báo cáo về các Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp và báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ, tuy nhiên, do bất cập trong thực thi chế tài đối với các đơn vị không gửi báo cáo, cho nên số liệu về hoạt động chuyển giao công nghệ cũng rất hạn chế.

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho rằng, hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ tại địa phương rất quan trọng. Thời gian tới, các địa phương nên tập trung chuyển giao công nghệ cần thiết, phù hợp để phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Khoa học và công nghệ phải lấy doanh nghiệp làm trung tâm, trong đó viện nghiên cứu, trường đại học là các chủ thể nghiên cứu mạnh.

Vì vậy, tất cả các hoạt động khoa học và công nghệ, ứng dụng, chuyển giao công nghệ cần có sự kết nối, chuyển giao cho doanh nghiệp trên địa bàn địa phương. Các trung tâm hỗ trợ chuyển giao công nghệ là cầu nối, kết nối chặt chẽ với các đơn vị của Bộ để hỗ trợ lựa chọn, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp.

Theo Nhandan

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo