êm túc ngay từ bây giờ.
Khu nghỉ dưỡng Ebino Pù Luông Resort and Spa (huyện Bá Thước) – hướng đi mới của du lịch sinh thái cộng đồng miền Tây xứ Thanh.
COVID-19 đã và đang buộc ngành du lịch cả nước bước vào công cuộc tái cơ cấu, xoay trục đầu tư vào các sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp, ứng dụng công nghệ số, phát triển du lịch thông minh… Nếu không muốn loại khỏi “cuộc chơi”, các doanh nghiệp du lịch Thanh Hóa cần có kế hoạch và sự chuẩn bị nghiêm túc ngay từ bây giờ.
Sự chuyển hướng thị trường khách
Nhiều năm qua, ngành du lịch Việt Nam vẫn thường lấy con số thị trường và doanh thu từ khách quốc tế làm thước đo cho sự phát triển. Quả thực, nếu dựa trên mức chi tiêu, một vị khách quốc tế chi tiêu lớn hơn mức chi tiêu của một người Việt. Phải chăng từ sự thực đó chúng ta đã chú ý nhiều đến thị trường khách quốc tế mà lãng quên, chưa quan tâm đúng mức đến thị trường du lịch nội địa…
“Đây chính là thời điểm để chúng ta nhìn nhận lại, tìm cách tiếp cận mới để phát triển thị trường nội địa. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có nhiều thông điệp, nhiều khuyến cáo và mong các doanh nghiệp chủ động xây dựng các phương án, xoay trục từ thị trường khách quốc tế sang thị trường du lịch nội địa. Chúng ta xác định du lịch nội địa sẽ là động lực để làm “nóng” lại thị trường và bù đắp sự thiếu hụt về doanh thu, doanh số, lợi nhuận và quan trọng hơn là phải hiểu sâu sắc về thị trường tiềm năng hơn 100 triệu dân trong nước…”. Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tại Diễn đàn du lịch nội địa toàn quốc năm 2021 với chủ đề “Du lịch nội địa – động lực khôi phục du lịch Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới”, diễn ra vào trung tuần tháng 4 vừa qua tại tỉnh Ninh Bình.
Trong khi đó, tỉnh Thanh Hóa vốn là địa phương có thế mạnh về thị trường khách du lịch nội địa, không bị phụ thuộc vào thị trường khách quốc tế. Theo kế hoạch, ngay sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, tỉnh Thanh Hóa sẽ bắt tay ngay vào việc phát động thị trường, quảng bá rộng rãi hình ảnh “Du lịch Thanh Hóa – điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn”. Đồng thời, thu hút khách trên cơ sở liên minh kích cầu giai đoạn trước, đẩy mạnh việc liên kết giữa các nhà cung ứng dịch vụ du lịch trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, khuyến khích hình thành các liên minh kích cầu mới với nhiều địa phương, doanh nghiệp trong nước cùng tham gia. Doanh nghiệp du lịch Thanh Hóa sẽ dựa trên thế mạnh sẵn có để xây dựng sản phẩm phù hợp với thị trường hậu COVID-19 như: du lịch tham quan, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ngắn ngày, chăm sóc sức khỏe, du lịch golf và du lịch MICE.
Đối với việc đẩy mạnh liên kết giữa các nhà cung ứng dịch vụ sẽ hướng tới xây dựng những gói sản phẩm kích cầu hấp dẫn về giá cả, đa dạng về chương trình, bảo đảm chất lượng, uy tín và thương hiệu. Từ đó sẽ có những chính sách mới về các combo trọn gói, làm mới sản phẩm du lịch, mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm hấp dẫn.
Cùng với các sản phẩm có tính “đại chúng” cao như: du lịch biển, du lịch văn hóa tâm linh, văn hóa lịch sử… Các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn đã và đang nghiên cứu xoay trục đầu tư sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp, chăm sóc sức khỏe, du lịch sinh thái nhấn mạnh yếu tố chất lượng dịch vụ… để bắt kịp thị hiếu, nhu cầu của du khách hậu COVID-19.
Đẩy mạnh “xoay trục” để bắt kịp xu hướng
Ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đã khiến doanh nghiệp du lịch của tỉnh sụt giảm khả năng phục hồi nghiêm trọng. Điều này đặt ra cho ngành “công nghiệp không khói” xứ Thanh phải lựa chọn và đưa ra những giải pháp khả thi, “bắt bệnh” cho đúng để nhanh chóng làm ấm lại thị trường du lịch. Ông Trần Đình Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch (HHDL) tỉnh cho rằng, với một địa phương chủ yếu là các doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ, việc bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch COVID-19 là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, từ việc nhanh chóng triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, của tỉnh đến thành quả từ các đợt kích cầu trước đây đã giúp các doanh nghiệp nhận thấy tín hiệu tích cực hậu COVID-19. Việc cần làm của các doanh nghiệp lúc này là xây dựng kế hoạch khả thi về tái cơ cấu và đầu tư sản phẩm phù hợp với thị trường cũng như thị hiếu của khách du lịch. HHDL cũng khuyến khích các doanh nghiệp hội viên tập trung đầu tư đến dòng sản phẩm chất lượng, sáng tạo, hấp dẫn với giá cả dịch vụ phù hợp với khách nội địa để phục vụ du khách hậu COVID-19.
Mới đây, tại Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (huyện Bá Thước), lần đầu tiên cho ra mắt dòng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng kết hợp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Với không gian rộng tới trên 3.000m2, khu nghỉ dưỡng Ebino Pù Luông Resort and Spa (xã Thành Lâm) mang tới cho du khách không gian nghỉ dưỡng đẳng cấp với 10 bungalow, khu nhà hàng Âu, khu biệt thự, bể bơi vô cực, nhà sàn cộng đồng và khu Spa. Không chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của nhiều phân khúc khách hàng, tại đây còn cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe như: bấm huyệt, massage, xông hơi đá nóng, xông hơi dược liệu… tạo nên điểm nhấn khác biệt cho một khu nghỉ dưỡng sinh thái tại Pù Luông.
Ông Nguyễn Tài Nhất, Quản lý Khu nghỉ dưỡng Ebino Pù Luông Resort and Spa, cho biết: Ảnh hưởng của dịch COVID-19, yêu cầu của du khách về điểm đến sẽ trở nên khắt khe hơn, đặc biệt là yếu tố an toàn và chất lượng dịch vụ. Mặc dù mới được đưa vào hoạt động từ trung tuần tháng 8 vừa qua, song với dòng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái nhấn mạnh đến yếu tố nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe, hy vọng Ebino Pù Luông Resort and Spa sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm khác biệt. Cùng với đó, việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tiêu chuẩn sẽ giúp du khách lấy lại cân bằng cho cơ thể, nạp thêm năng lượng và tận hưởng kỳ nghỉ một cách trọn vẹn.
Tại buổi Hội thảo “Ứng phó với làn sóng COVID-19 thứ 4 và kế hoạch phục hồi ngành du lịch” do GREAT (Tổ chức phi chính phủ hỗ trợ người dân phát triển du lịch cộng đồng) diễn ra vào ngày 26-8 vừa qua; một số chuyên gia tư vấn đã chỉ ra rằng, định hướng phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn tới, sau ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 sẽ bao gồm 4 hướng chính: Tái cơ cấu thị trường du lịch theo hướng bền vững, trách nhiệm, nhấn mạnh trải nghiệm khách hàng theo chiều sâu, chất lượng và “tiêu nhiều tiền” hơn; phát triển các sản phẩm dịch vụ mới, nhấn mạnh sự đa dạng và chất lượng gắn với từng phân khúc thị trường; tăng cường sự liên kết giữa các điểm du lịch, giữa các dịch vụ trong chuỗi, liên kết hợp tác công – tư; thúc đẩy chuyển đổi số trong du lịch.
Có thể nói, hậu COVID-19, thay vì đi các tour “sang chảnh”, dài ngày khách du lịch đang hướng tới sử dụng tour ngắn ngày, với chất lượng dịch vụ tiêu chuẩn, đáp ứng các yếu tố “an toàn, thân thiện, hấp dẫn”. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng dịch vụ du lịch trực tuyến cũng sẽ tăng mạnh so với trước đây. Điều đó đồng nghĩa với việc các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần xoay trục đầu tư cho các dòng sản phẩm phù hợp với xu hướng, thị hiếu của khách du lịch. Đặc biệt là dòng sản phẩm dịch vụ du lịch thông minh, du lịch sáng tạo, tăng cường trải nghiệm bằng việc sử dụng các công nghệ số, các sản phẩm nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe… Để nhanh chóng bắt kịp xu hướng và chống chịu được những rủi ro bất thường, bất khả kháng như dịch COVID-19, cùng với sự chủ động của các doanh nghiệp, rất cần có sự đồng hành tích cực của các cấp, ngành chức năng trong việc hỗ trợ, đưa ra những định hướng, giải pháp phát triển du lịch hậu COVID-19.