Than Uyên (Lai Châu) thu hút đầu tư lĩnh vực nông nghiệp

Mô hình nuôi cá rô phi bằng lồng trên hồ thủy điện Huội Quảng do Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Than Uyên phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia thực hiện.

Phát huy tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu, nguồn lao động, huyện Than Uyên xây dựng các dự án về lĩnh vực nông nghiệp nhằm thu hút các nhà đầu tư vào liên kết với người dân thực hiện vùng dự án. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân.

Là huyện cửa ngõ của tỉnh với quốc lộ 32, 279 đi qua, gần vị trí đấu nối đường cao tốc; Than Uyên có lợi thế trong phát triển lúa đặc sản hàng hóa, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thương mại dịch vụ, dịch vụ vận tải, trung chuyển hàng hóa, du lịch giữa các huyện lân cận trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, huyện có hồ thủy điện Huội Quảng, Bản Chát với trên 9 nghìn hecta; có cánh đồng lớn thứ 3 của vùng Tây Bắc, có tiềm năng đất đai màu mỡ, nguồn nước tưới dồi dào, khí hậu nhiệt đới gió mùa. Đây là những yếu tố thuận lợi cho việc phát triển kinh tế nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung.

Ông Nguyễn Văn Thăng – Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết: “Xác định huyện nằm trên trục động lực kinh tế quan trọng của tỉnh nên huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, giới thiệu hình ảnh của địa phương cũng như các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư. Cùng với đó, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, đảm bảo nhanh gọn các thủ tục hành chính, hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư tìm kiếm và thực hiện dự án có hiệu quả nhất. Kết nối việc làm giữa lao động với doanh nghiệp; nâng cao chất lượng, đa dạng ngành nghề đào tạo cho lao động phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của huyện cũng như nhu cầu của nhà đầu tư”.

Để khai thác tiềm năng, lợi thế, huyện đã triển khai 6 dự án liên quan đến phát triển nông nghiệp trên địa bàn nhằm mời gọi các nhà đầu tư vào đầu tư và liên kết với người dân thực hiện. Ngoài việc hỗ trợ đào tạo lao động, trợ giúp nhà đầu tư thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính. Hỗ trợ các nhà đầu tư các ưu đãi theo quy định của Trung ương, tỉnh về miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuê đất, thuê mặt nước; chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; chính sách hỗ trợ liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách về phát triển hàng hóa tập trung…

Điển hình phải kể đến dự án chăn nuôi gia súc như: trâu, bò, lợn tập trung tại bản Sam Sẩu, xã Phúc Than và bản Sen Đông, xã Mường Than. Dự án có tổng diện tích 202ha; trong đó vùng trung tâm kêu gọi đầu tư 120ha ở bản Sam Sẩu, vùng liên kết với người dân 82ha ở bản Sen Đông. Dự án xây dựng cơ sở chăn nuôi gia súc tập trung, đầu tư sản xuất chăn nuôi theo hướng trang trại với việc áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm cung ứng thịt, con giống cho người chăn nuôi trong và ngoài tỉnh.

Khai thác gần vùng lòng hồ Thủy điện Bản Chát thuận lợi nguồn nước, có nguồn thức ăn bổ sung cho chăn nuôi, huyện triển khai Dự án chăn nuôi gia súc tập trung tại khu vực Nà Phạ xã Mường Kim với 150ha nhằm giảm tình trạng chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ, tiến tới chăn nuôi tập trung theo hướng hiện đại. Từ đó, cung cấp sản phẩm thịt cho thị trường nội tỉnh, trong nước và xuất khẩu.

Anh Lò Quyết Thắng – Chủ tịch UBND xã Mường Kim chia sẻ: “Xã vận động người dân chuyển đổi phương thức chăn nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Liên kết với nhà đầu tư để phối hợp với bà con trong triển khai cung ứng giống, kỹ thuật nuôi, bao tiêu sản phẩm. Từ đó, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và Nhân dân”.

Với mục tiêu khai thác tiềm năng mặt nước trên hồ Thủy điện Bản Chát, huyện triển khai Dự án nuôi trồng thủy sản gắn với du lịch sinh thái vùng lòng hồ. Tổng số lồng hiện có 428 lồng (Mường Kim 168 lồng, Mường Cang 217 lồng, Mường Mít 13 lồng, thị trấn 30 lồng). Đồng thời, xây dựng nhà máy chế biến cá và sản xuất thức ăn thuỷ sản với diện tích đất 5ha; xây dựng vùng nuôi dưỡng và sản xuất giống thủy sản với diện tích mặt nước 5ha. Qua đó, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo ra các sản phẩm sạch có sức cạnh tranh cao trên thị trường tiêu thụ.

Chị Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Than Uyên cho biết, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng về đất đai, khí hậu, nguồn nước, huyện đã thực hiện Dự án sản xuất lúa gạo chất lượng cao (séng cù, tan pỏm, tẻ tròn…). Toàn huyện có 1.731ha đất trồng lúa, trong đó 1.486ha cho phép sản xuất lúa 2 vụ/năm; diện tích lúa hàng hóa 860ha tập trung, liền thửa, thuận tiện tưới tiêu, áp dụng cơ giới hóa. Sản lượng lúa hàng năm đạt trên 9.310 tấn, trong đó có 4.600 tấn lúa hàng hóa. Dự án mở rộng và nâng cao hiệu quả sản xuất lúa hàng hóa tập trung, xây dựng có hiệu quả nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm lúa hàng hóa; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Ngoài ra, huyện triển khai dự án rau, củ, quả như: dứa, rau cải chân vịt… từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất rau củ quả theo hướng hàng hóa. Theo đó, huyện thực hiện 1.500ha trồng rau củ, quả tại xã Phúc Than (500ha), Mường Than (50ha); khu vực xã Mường Cang, Hua Nà, thị trấn là 150ha; khu vực xã Mường Kim, Tà Mung, Ta Gia, Khoen On là 500ha; riêng xã Pha Mu và Tà Hừa là 300ha. Phát triển dự án rau, củ, quả phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội; từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất rau, củ, quả theo hướng hàng hóa.

Có thể khẳng định, việc triển khai các dự án phát triển nông nghiệp của huyện Than Uyên và thực hiện các chính sách đối với các nhà đầu tư là đúng đắn và hiệu quả. Qua đó, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và lợi nhuận cho nhà đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của huyện.

Theo Báo Lai Châu

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo