Tây Ninh nằm trong vùng Đông Nam bộ, là nơi có vị trí địa lý quan trọng, là trung tâm kinh tế và cửa ngõ chiến lược trong phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng của nước ta.
Vùng Đông Nam bộ đóng góp khoảng 42%-45% GDP và khoảng hơn 50% ngân sách cả nước, hiện đang hình thành các hành lang vận tải, gồm: TPHCM – phía Bắc, TPHCM – ĐBSCL, TPHCM – Bà Rịa-Vũng Tàu, TPHCM – Mộc Bài – Campuchia, TPHCM – Lộc Ninh – Campuchia, TPHCM – Tây Nguyên.
Trong đó, hành lang TPHCM – Mộc Bài – Campuchia là hành lang có vai trò đặc biệt quan trọng, là tuyến đối ngoại của vùng và của cả nước. Đây cũng là hành lang vận tải ngắn nhất kết nối vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến Campuchia và vào các nước ASEAN. Đến nay, Chính phủ đã giao TPHCM là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án cao tốc TPHCM – Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh cũng đang triển khai nhiều tuyến giao thông quan trọng để đồng bộ với tuyến đường chiến lược này.
Theo lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Tây Ninh, ngay từ đầu năm 2022, tỉnh đã tập trung nguồn lực lớn cho các công trình giao thông trọng điểm, với kế hoạch vốn đến quý 2-2022 là gần 995 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn trung ương hơn 565 tỷ đồng), lũy kế giải ngân vốn đến cuối tháng 6-2022 là gần 390 tỷ đồng, đạt 39,2% kế hoạch, là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn lớn nhất trong vùng Đông Nam bộ.
Mạng lưới giao thông đường bộ với nhiều tuyến đường lớn nội tỉnh đang dần hoàn thiện với các dự án như: nâng cấp, mở rộng ĐT 782-ĐT 784, đã hoàn thành một số đoạn, dự kiến đưa vào sử dụng toàn tuyến vào tháng 9-2022; đường Đất Sét – Bến Củi; đường ĐT 794, đoạn từ ngã ba Kà Tum đến cầu Sài Gòn (giai đoạn 2); nâng cấp, mở rộng ĐT 795. Đặc biệt, các tuyến giao thông liên tuyến kết nối vùng như N8-787B-789 được chia làm nhiều dự án thành phần để đẩy nhanh tiến độ lập thủ tục đầu tư, thi công các hạng mục đã giải phóng mặt bằng.
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Tây Ninh tập trung nguồn lực đầu tư 15 dự án với tổng kinh phí đầu tư dự kiến 5.223 tỷ đồng, riêng năm 2022 đang thực hiện 12 dự án, gồm: 3 dự án chuẩn bị đầu tư; 9 dự án thực hiện đầu tư. Đến nay, ngành chức năng tỉnh Tây Ninh đã thông xe kỹ thuật dự án đường Trần Phú (đoạn từ cửa số 7 nội ô Tòa thánh đến QL22B); cầu An Hòa; đường ĐT 793-ĐT 792 và đang đẩy nhanh thi công các dự án để đưa vào sử dụng như: nâng cấp, mở rộng đường ĐT 782 – ĐT 784 đoạn từ tuyến tránh QL22 đến ngã tư Tân Bình; đường Đất Sét – Bến Củi. Hiện tỉnh cũng đang tập trung nguồn lực phối hợp triển khai 2 dự án cao tốc đầu tiên trên địa bàn là cao tốc TPHCM – Mộc Bài, tổng mức đầu tư 15.900 tỷ đồng, trong đó đoạn qua tỉnh Tây Ninh dài 26,3km; cao tốc Gò Dầu – Xa Mát dài 65km, hiện Sở GTVT tỉnh Tây Ninh đã tổ chức lập, nghiên cứu tiền khả thi dự án giai đoạn 1 và thực hiện các bước tiếp theo theo quy trình.
Tháo gỡ khó khăn
Theo lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Tây Ninh, việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình giao thông trọng điểm để đồng bộ với các tuyến trên địa bàn đang gặp một số khó khăn; trong đó công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là trở lực lớn khiến một số dự án kéo dài thời gian thực hiện, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án. Bên cạnh đó, giá nhiên liệu xăng dầu tăng mạnh đã đẩy giá vật liệu xây dựng tăng theo, trong khi các hợp đồng thi công xây dựng đều theo đơn giá cố định, vì vậy nhà thầu thi công gặp khó khăn về tài chính, dẫn đến tiến độ thực hiện các công trình chậm trễ. Ngoài ra, nguồn cung cấp vật liệu đất san lấp, sỏi đỏ trên địa bàn tỉnh đang khan hiếm, không đáp ứng theo yêu cầu tiến độ thi công các công trình; để đảm bảo yêu cầu tiến độ thi công, nhà thầu phải mua đất, sỏi đỏ từ nguồn ngoài tỉnh với giá thực tế thường cao hơn theo thông báo giá vật liệu của liên Sở Xây dựng – Sở Tài chính.
Theo ông Nguyễn Tấn Tài, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tây Ninh, để đẩy nhanh tiến độ thi công và sớm hoàn thiện mạng lưới giao thông nội tỉnh, liên vùng, sở đã kiến nghị UBND các huyện, thị, thành phố trên địa bàn sớm thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bàn giao cho đơn vị thi công đúng kế hoạch để đưa vào sử dụng, kết nối đồng bộ với các tuyến đã nghiệm thu. Cùng với đó, tỉnh cần kiến nghị Chính phủ có giải pháp căn cơ sớm bình ổn giá xăng dầu, giúp kéo giảm giá thành vật tư (nhất là sắt, thép) để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án.
Theo SGGP