Giá cao, dễ tiêu thụ
Người dân xã Ea Kao (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đang tất bật thu hoạch dổi. Ở vùng đất này, những cây dổi xanh tốt được trồng xen trong các vườn cà phê.
Bà Hoàng Thị Hà (thôn Cao Thắng, xã Ea Kao) cho biết, gia đình bà có 100 cây dổi 4 năm tuổi, trồng xen trong 6 sào cà phê. Vụ mùa năm ngoái, gia đình bà thu được gần 1 tấn dổi, trừ hết chi phí, thu về hơn 800 triệu đồng. Mùa vụ năm nay, bà Hà ước tính thu được khoảng hơn 1,2 tấn dổi khô. Với mức giá dổi được thu mua dao động 600.000 – 800.000 đồng/kg thì trừ hết chi phí, gia đình lãi khoảng gần 1 tỷ đồng.
Ông Trương Công Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Kao, cho biết, cây dổi được người dân trên địa bàn xã mua ở các nơi về trồng cách đây khoảng 8 năm. Ban đầu, họ trồng xen trong vườn cà phê với mục đích để chắn gió. Khoảng 4 năm gần đây, thấy hiệu quả kinh tế từ cây dổi nên người dân bắt đầu mở rộng diện tích. Đến nay, trên địa bàn xã có khoảng 400 hộ trồng dổi và có thu nhập ổn định. Bên cạnh cây cà phê và hồ tiêu, hiện cây dổi được xem là cây “đẻ ra tiền”. Nhờ cây dổi mà đời sống vật chất nhiều gia đình thay đổi.
Ngược về tỉnh Gia Lai, chúng tôi đến vườn dổi 200 cây được trồng xen trong khu vườn 6ha của hộ ông Nguyễn Văn Thẩm (xã Sơ Pai, huyện Kbang). Vườn dổi này được gia đình trồng 3 năm nay, hiện đã ra quả trĩu cành.
“3 năm trước, thấy người dân kháo nhau chuyện cây dổi cho thu nhập cao nên gia đình tôi cũng mạnh dạn qua Đắk Lắk mua 200 cây dổi giống về trồng thử nghiệm, không ngờ cây phát triển rất nhanh. Năm nay, vườn dổi bước vào thu hoạch chính. Chúng tôi mừng và phấn khởi vì vườn dổi cho rất nhiều quả, giá hiện tại cũng cao”, ông Thẩm nói.
Đại diện Phòng NN-PTNT huyện Kbang cho biết, trên địa bàn, người dân trồng dổi được 5 năm nay, chủ yếu là trồng xen, với diện tích khoảng 50ha, nằm ở các xã Sơ Pai, Sơn Lang, Krong. Chất lượng quả dổi rất tốt, thu mua cũng thuận lợi.
Cây trồng đa mục tiêu
Theo ông Mã Văn Tình, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Kbang, dổi là loại lâm nghiệp đa mục tiêu, có giá trị môi trường và kinh tế. Từ năm 2018, huyện đã có chính sách hỗ trợ phát triển cây dổi theo hình thức trồng xen. Cụ thể, với hộ nghèo, huyện hỗ trợ 40% tiền mua giống cây, hỗ trợ 30% đối với hộ cận nghèo và hộ người dân tộc Ba Na. Năm nay là năm thứ 4 huyện tiếp tục hỗ trợ phát triển cây dổi và sẽ tăng mức hỗ trợ cho hộ nghèo để phát triển loại cây này.
Ông Nguyễn Đức Việt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, cho biết, dổi thường phân bố ở khu rừng các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Những năm gần đây, hạt dổi có giá trị cao nên người dân bắt đầu đưa giống cây này vào sản xuất nông nghiệp. Cây dổi từ năm thứ 3 trở đi là đã cho hạt và khoảng từ năm thứ 10 trở lên là có thể cho thu hoạch gỗ, do đó rất có hiệu quả kinh tế. Hiện đơn vị đang phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh khảo sát giống cây dổi này để xem xét, định hướng phát triển theo hướng nông lâm kết hợp nhằm vừa tăng độ che phủ rừng, đảm bảo môi trường sinh thái, vừa mang lại hiệu quả kinh tế nông nghiệp.
Tại Đắk Lắk, một số địa phương như huyện Ea Hleo, Ea Kar và TP Buôn Ma Thuột đang phát triển giống cây trồng này và bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hắc Hiển, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đắk Lắk, để phát triển một giống cây trồng mới, người dân cần phải tìm hiểu thị trường tiêu thụ, bởi thị trường tiêu thụ của hạt dổi chưa ổn định.
Tiến sĩ Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cho rằng, cây dổi thích nghi với thổ nhưỡng và khí hậu Tây Nguyên. Tuy nhiên, cây dổi chưa được viện khảo nghiệm nên chưa thể đánh giá được hiệu quả.
Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ hạt từ cây trồng này còn khá bấp bênh. Vì vậy, bà con nông dân chưa nên trồng thuần loại cây trồng này, mà nên trồng xen trong vườn cà phê và các loại cây khác vì dổi vừa có khả năng chắn gió, vừa có nguồn thu nhập, đồng thời vừa cải thiện được môi trường sinh thái.
Theo SGGP