Ghi nhận các ý kiến của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN (USABC) và lãnh đạo cấp cao của các công ty, nhà đầu tư Hoa Kỳ hoạt động trong nhiều lĩnh vực quan trọng tại các điểm cầu ở nhiều quốc gia, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Quốc hội tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả tổ chức, hoạt động, ưu tiên xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đáp ứng yêu cầu kiến tạo, phát triển và hội nhập quốc tế.
Chung quanh các nội dung lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: ưu tiên xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, thống nhất, bảo đảm tính công khai, minh bạch, đáp ứng được yêu cầu kiến tạo, phát triển và hội nhập quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa về tổ chức và hoạt động theo hướng tinh gọn và hiệu quả hơn, tăng cường với phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm soát quyền lực; tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chú trọng hơn đến tiết kiệm, chống lãng phí; đẩy mạnh cải cách tư pháp; đảm bảo quyền công dân đi đôi với tăng cường trật tự và kỷ cương xã hội.
Về công tác lập pháp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, căn cứ Nghị quyết đại hội đảng toàn quốc lần thứ XIII, Quốc hội đã xây dựng định hướng trong cả nhiệm kỳ 5 năm, để thể chế hóa những chính sách mới.
Trong đó có nhiều vấn đề quan trọng như: khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, liên quan đến yếu tố con người. Đồng thời kiến tạo phát triển, tạo nền tảng cho kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; coi trọng khoa học công nghệ, kinh tế hóa ngành tài nguyên thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, thí điểm có kiểm soát những mô hình mới (sandbox) ở quy mô quốc gia theo thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay Chính phủ.
Trong lĩnh vực kinh tế, đề cập thành quả của chính sách tam nông trong những năm qua, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội Việt Nam sẽ tăng cường xây dựng thể chế, chính sách, chiến lược về phát triển đô thị và kinh tế đô thị; chính sách về liên kết kinh tế vùng và cơ chế đặc thù cho một số địa phương trọng điểm.
Nhấn mạnh công tác giám sát là một trong những trọng tâm đổi mới hoạt động của Quốc hôi, theo Chủ tịch Quốc hội, thời gian tới sẽ tăng cường giám sát thực thi luật, giám sát việc ban hành và tổ chức thực thi các nghị định, thông tư của Chính phủ và giám sát các hoạt động của Chính phủ, tăng cường hơn nữa trách nhiệm giải trình đối với tổ chức và cá nhân…
Đối thoại chính sách Win-Win
Bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, các doanh nghiệp của Hoa Kỳ, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN tăng cường hơn đối thoại chính sách, không chỉ thảo gỡ vướng mắc, khó khăn của những kiến nghị cụ thể mà còn đối thoại chính sách theo hướng Win-Win (đôi bên đều có lợi) cho cả Chính phủ và doanh nghiệp.
“Qua đó Chính phủ sẽ nâng cao năng lực quản trị quốc gia, doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và người dân, người lao động được hưởng lợi ích kinh tế”.
Qua cuộc làm việc, một số doanh nghiệp đưa ra các kiến nghị hỗ trợ các hoạt động của doanh nghiệp nhằm vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 như tiếp tục có các gói hỗ trợ liên quan miễn, giãn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí trên cơ sở cân nhắc, đánh giá tình hình một các hợp lý, bảo đảm bình đẳng trong đầu tư kinh doanh; đơn giản hóa các thủ tục hành chính; sớm mở cửa trở lại quy mô rộng hơn để nhiều nhà máy được mở cửa sản xuất nhiều hơn, công suất cao hơn, hỗ trợ hoạt động chuỗi cung ứng.
Các doanh nghiệp cam kết chia sẻ với Việt Nam các kinh nghiệm, đề xuất đẩy nhanh sự phát triển của khuôn khổ pháp lý trong thúc đẩy tăng trưởng và chuyển đổi số, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính.
Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đang nghiên cứu xây dựng chiến lược, khung khổ chính sách thống nhất để áp dụng nhất quán từ Trung ương đến địa phương có tính đến sự linh hoạt điều chỉnh nhất định cho phù hợp với từng địa phương.
“Chúng tôi xác định, dự thảo khung khổ này phải được thảo luận hết sức kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng, nhưng phải quyết định một cách rất quyết đoán và tổ chức thực hiện một cách rất quyết liệt, thống nhất” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc USABC, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nhiệm kỳ 2014-2017 Ted Osius bày tỏ hoan nghênh nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp để vượt qua khó khăn của đại dịch, thay đổi cách tiếp cận ứng phó với đại dịch.
Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn hợp tác với Chính phủ để duy trì hoạt động, sản xuất, tạo việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Phiên làm việc trực tuyến đầu tiên giữa lãnh đạo Quốc hội Việt Nam với các doanh nghiệp sẽ là cơ sở để hai bên tiếp tục phát huy trong tương lai việc thảo luận, trao đổi về những vấn đề cùng quan tâm.
Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc điều hành Khu vực của Hội đồng Michael Michalak khẳng định cam kết của USABC sẵn sàng trao đổi, thảo luận, cử ra bộ phận thường trực trong hợp tác với Quốc hội Việt Nam, cho rằng “cuộc đối thoại lần này đã mở ra chân trời mới trong hợp tác phát triển”.
Việt Nam đang chuyển hướng về chiến lược phòng, chống dịch theo hướng sống chung, an toàn và thích ứng với dịch Covid-19. Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt của thế giới để ứng phó với đại dịch, vừa bảo đảm kiểm soát tốt dịch bệnh, cân bằng được các lợi ích về y tế với các lợi ích về kinh tế xã hội khác, vừa phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch…Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội mong muốn các tổ chức về kỹ thuật và tài chính tăng cường hỗ trợ của cho hoạt động các cơ quan dân cử ở Trung ương và địa phương; chia sẻ kiến thức chuyên môn thực tiễn tốt nhất trong phòng, chống đại dịch Covid-19; kêu gọi hỗ trợ trực tiếp về vaccine, thuốc, vật tư trang thiết bị y tế cho Việt Nam nhiều hơn nữa, nhanh hơn nữa; kêu gọi các doanh nghiệp chung tay với Việt Nam để hiện đại hóa ngành y tế của Việt Nam…(Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ).
Theo Báo Nhân dân