“Australia coi Việt Nam là một trong những quốc gia quan trọng nhất ở Đông Nam Á. Chúng tôi mong muốn hỗ trợ Việt Nam có một tương lai phát triển mạnh mẽ và bền vững, và nông nghiệp là một trọng tâm!”. Đây là khẳng định của Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie khi nói về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và Australia trong chuyến thăm tỉnh Điện Biên và các dự án do Australia hỗ trợ mới đây. Với hơn 200 dự án trị giá hơn 126 triệu AUD, chính phủ Australia thông qua Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) đã đồng hành và sát cánh cùng ngành nông nghiệp Việt Nam suốt gần 30 năm qua.
Nông nghiệp – mắt xích quan trọng
PV: Trước hết, quan điểm của Đại sứ như thế nào về những hỗ trợ của Australia để phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam thông qua ACIAR – một cơ quan chuyên trách về nghiên cứu nông nghiệp quốc tế của Australia?
ACIAR đã đầu tư vào các dự án nghiên cứu song phương, hợp tác cùng với các cộng đồng địa phương và giúp tăng cường năng lực cho các đối tác ở cấp nông hộ cho tới các cấp quản lý. Điều này giúp cho quan hệ hợp tác được tăng cường, phát triển một cách bền vững. Bởi các cộng đồng nông dân sau này có thể tiếp tục làm việc với các cơ quan chính quyền địa phương và đồng thuận về các mô hình canh tác phù hợp với cộng đồng trong tương lai. Một điều quan trọng là các dự án của ACIAR hỗ trợ tăng cường tri thức về cách giúp một cộng đồng từng bước phát triển tốt hơn.
Như tôi đã nói, ACIAR đã hoạt động ở Việt Nam trong gần 30 năm, đã đầu tư vào hơn 200 dự án trị giá hơn 126 triệu AUD. Chỉ riêng trong khu vực Tây Bắc, ACIAR đã đầu tư hơn 32 triệu AUD. Quan hệ hợp tác của ACIAR tại Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng với Australia vì Australia và Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược. Chúng tôi coi Việt Nam là một trong những quốc gia quan trọng nhất ở Đông Nam Á. Chúng tôi muốn hỗ trợ Việt Nam có một tương lai phát triển mạnh mẽ và bền vững. Và nông nghiệp tất nhiên đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của Việt Nam. Vì vậy, thông qua đầu tư vào phát triển kinh tế và nông nghiệp, chúng tôi rất tự tin cho rằng Australia đang hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế, đồng thời hỗ trợ mối quan hệ hợp tác giữa Australia và Việt Nam.
PV: Vậy Đại sứ có thể chia sẻ cụ thể hơn về ý nghĩa của Dự án chăn nuôi thâm canh bò thịt tại Tây Bắc Việt Nam mà ACIAR đang hỗ trợ và sắp đến thời điểm hoàn tất?
Đại sứ Robyn Mudie: Tôi đã có chuyến thăm Điện Biên rất tốt đẹp và được nhìn thấy những minh chứng rất rõ ràng về tính hiệu quả của các hoạt động do Chính phủ Australia tài trợ. Các dự án đang góp phần hỗ trợ người dân nơi đây xây dựng năng lực và áp dụng các kĩ thuật chăn nuôi hiện đại để sản xuất bền vững hơn, đồng thời phát triển ở quy mô lớn hơn để có thể tiếp cận tốt hơn với thị trường. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng!
Dự án chăn nuôi bò thịt đã giúp tăng cường năng lực cho nông dân bằng cách giới thiệu các biện pháp sản xuất thâm canh, đặc biệt là trong việc đảm bảo nguồn thức ăn chăn nuôi. Đồng thời, dự án cũng giúp người dân chuyển đổi dần từ phương thức truyền thống không thực sự hiệu quả sang phát triển theo hướng thâm canh, trong đó đặc biệt phải kể tới các biện pháp sản xuất thức ăn chăn nuôi quy mô lớn và lưu trữ thức ăn trong thời gian dài. Phương pháp ủ cỏ rất quan trọng vì nó giúp người nông dân duy trì được thức ăn quanh năm cho đàn gia súc, kể cả vào những thời điểm thức ăn ngoài tự nhiên không có sẵn. Hoạt động này rất quan trọng vì nó giúp cộng đồng xây dựng các mô hình kinh tế bền vững hơn.
Ngoài ra, ACIAR cũng đã hỗ trợ nông dân tiếp cận với các mô hình trang trại thâm canh điển hình để nông dân có thể tự hướng dẫn nhau những cách làm mới. Chúng tôi thấy rất vui khi thấy cộng đồng đã đón nhận rất tốt các kĩ thuật và mô hình do dự án giới thiệu, đặc biệt là khi có sự tham gia của các hợp tác xã.
Các hợp tác xã sẽ giúp dẫn dắt cộng đồng áp dụng các thực hành mới. Bên cạnh đó, dự án này do Đại học Tasmania hợp tác với Viện Chăn nuôi và Sở Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn tỉnh Điện Biên thực hiện, với nguồn tài trợ từ Chính phủ Australia thông qua ACIAR. Đây là một mô hình hợp tác hiệu quả với sự tham gia của nhiều bên và chúng tôi rất tự hào có thể mang những kĩ thuật hàng đầu đến với người dân nơi đây.
Một trong các kết quả đầu ra quan trọng của dự án này đó là việc Sở Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn tỉnh Điện Biên – một trong các đối tác chính tham gia dự án, đã bảo vệ thành công đề án phát triển hệ thống chăn nuôi định hướng thị trường trong thời gian tới với nguồn vốn hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam.
Đây là bước phát triển quan trọng tiếp theo từ dự án chăn nuôi bò thịt và không còn phụ thuộc vào nguồn tài trợ của Chính phủ Australia nữa. Thay vào đó, Sở Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn tỉnh Điện Biên đã áp dụng tất cả những kiến thức và kĩ năng học được từ quá trình thực hiện dự án để xây dựng một tương lai tốt hơn cho ngành chăn nuôi tại địa phương.
Khơi gợi tiềm năng con người
PV: Không chỉ hỗ trợ kỹ thuật, tài chính hay nhân lực, Đại sứ nghĩ sao khi các dự án hỗ trợ của Australia được đánh giá đã kết nối hiệu quả tiềm năng địa phương, đổi mới tư duy bền vững, đặc biệt là khơi gợi và phát huy các nhân tố con người ngay tại những địa bàn khó khăn nhất ở Việt Nam?
Đại sứ Robyn Mudie: Nguồn nhân lực đóng vai trò trung tâm trong mọi mô hình phát triển kinh tế. Mọi hoạt động của Australia trong lĩnh vực phát triển tại Việt Nam đều chú trọng đến vấn đề phát triển yếu tố con người bên cạnh các yếu tố khác. Đầu tiên và trên hết, chúng tôi muốn tăng cường năng lực cho người dân để họ hiểu được công việc kinh doanh của mình, có thể tự nâng cao tri thức và kĩ năng và áp dụng những tri thức và kĩ năng đó trong nền kinh tế. Cách tiếp cận của ACIAR có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực.
Chúng tôi tập trung vào xây dựng năng lực, cung cấp các khóa đào tạo và thực hiện nghiên cứu. Đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh, Australia rất quan tâm tới phụ nữ vì chúng tôi hiểu rằng, phụ nữ đóng vai trò trung tâm trong phát triển kinh tế. Và nếu chúng ta không hỗ trợ phụ nữ xây dựng năng lực và tri thức để dẫn dắt các doanh nghiệp, kết quả phát triển kinh tế chỉ có thể tốt bằng một nửa những gì chúng ta mong muốn.
Đoàn công tác của Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đến thăm Trung tâm Khuyến nông – Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh Điện Biên
Ở Điện Biên hay khu vực Tây Bắc nói chung, có rất nhiều phụ nữ người dân tộc thiểu số là những thủ lĩnh trong gia đình và cộng đồng. Chúng tôi muốn hỗ trợ để cuộc sống của họ và gia đình trở nên tốt đẹp hơn. Phụ nữ đóng vai trò rất quan trọng trong cách tiếp cận của chúng tôi, và chúng tôi luôn cố gắng đảm bảo rằng, tỉ lệ phụ nữ và nam giới tham gia trong các hoạt động đào tạo, tập huấn của chúng tôi là ngang bằng nhau.
Ở Điện Biên, chúng tôi còn áp dụng thêm một cách làm khác đó là khuyến khích sự ra đời của các Hợp tác xã và sự tham gia của phụ nữ trong các hợp tác xã, để họ có tiếng nói trong việc ra quyết định. Cứ như vậy, họ sẽ trở thành những người lãnh đạo trong cộng đồng. Chúng tôi nhận ra rằng, phụ nữ có khả năng đưa ra những quyết định rất mạnh mẽ về phương hướng phát triển kinh tế của cả cộng đồng. Chúng tôi rất tự hào với việc áp dụng chiến lược này ở Việt Nam!
PV: Với những nền tảng và kết quả hợp tác tích cực đã có, đâu sẽ là những dự án, kế hoạch tiếp theo của chính phủ Australia trong ngắn hạn và dài hạn để duy trì và phát triển hơn nữa các thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực lĩnh vực chăn nuôi, nông nghiệp nói riêng và quan hệ song phương Việt Nam – Australia nói chung, thưa Đại sứ?
Đại sứ Robyn Mudie: Australia và Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược. Chúng tôi hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong ba lĩnh vực là quốc phòng và an ninh, kinh tế và tri thức, sáng tạo, đổi mới và lãnh đạo. Ba hợp phần này sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển tốt trong tương lai. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong ba lĩnh vực này. Đặc biệt ở khu vực Tây Bắc, chúng tôi cam kết mạnh mẽ về hỗ trợ phát triển kinh tế. Như tôi đã nói, nông nghiệp đóng vai trò trung tâm ở vùng đất này, vì vậy chúng tôi sẽ tiếp tục mối quan hệ hợp tác đa lĩnh vực với Việt Nam, trong đó có hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp thông qua ACIAR. Bằng việc tập trung vào các nghiên cứu nông nghiệp, chúng tôi cam kết trong dài hạn sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác khắp cả nước, trong đó Tây Bắc sẽ là một trong những khu vực trọng tâm.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi có quan hệ đối tác chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn và các cơ quan nghiên cứu trực thuộc Bộ. Chúng tôi tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau nhằm giúp nâng cao năng lực nghiên cứu cho Việt Nam, giúp Việt Nam tự phát triển các mô hình phù hợp với nền kinh tế trong tương lai. Đến nay, chúng tôi đã có mối quan hệ đối tác cùng nhau chia sẻ tài chính thay vì là quan hệ bên viện trợ và bên nhận viện trợ thuần túy. Việt Nam có năng lực rất tốt để quản lý các mô hình phát triển trong tương lai và chúng tôi rất vui mừng được tham gia hỗ trợ các bạn từ trước đến nay và cả trong thời gian tới với tư cách là các đối tác tốt của nhau.
Việt Nam là quê hương thứ hai
PV: Năm nay Đại sứ sẽ hoàn tất nhiệm kỳ tại Việt Nam, vậy bà có thể chia sẻ những suy nghĩ, thông điệp gì cho đất nước, con người Việt Nam cũng như về triển vọng quan hệ hai nước Việt Nam – Australia?
Đại sứ Robyn Mudie: Như tôi đã nói, Australia và Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược mạnh mẽ và tôi rất vinh hạnh được dẫn dắt mối quan hệ này. Trong 3 năm qua, trong đó có một thời gian dài rất khó khăn vì COVID 19, tôi rất tự hào được phụ trách các chương trình phản ứng nhanh, kịp thời trước COVID 19 và hỗ trợ Việt Nam hồi phục kinh tế qua các kênh khác nhau, bao gồm nông nghiệp, thúc đẩy bình đẳng giới và thông qua giải quyết các vấn đề mới nổi trong đại dịch như là bạo lực giới.
Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố quan hệ hợp tác với Việt Nam trên mọi lĩnh vực. Khi tôi rời Việt Nam và nhìn lại, tôi sẽ rất tự hào về những con người chúng tôi đã hỗ trợ, những phụ nữ đã được trao quyền. Tôi hy vọng một trong những điều tốt đẹp tôi để lại sẽ là mẫu hình lãnh đạo nữ mạnh mẽ, những người có tiếng nói, chủ động và luôn nghĩ tới những phụ nữ khác. Đây là điều bản thân tôi có cam kết rất mạnh mẽ và tôi biết chương trình này sẽ còn tiếp tục phát triển dù tôi không còn ở Việt Nam nữa.
Tôi sẽ luôn cảm thấy gắn bó với Việt Nam. Tôi đã có mối liên hệ với Việt Nam trong hơn 30 năm. Tôi nghiên cứu về Việt Nam tại trường đại học, nhiệm kì công tác đầu tiên của tôi cũng là ở Việt Nam. Tôi nói được Tiếng Việt và cảm thấy rất gần gũi với con người Việt Nam. Tôi luôn ngưỡng mộ sự quyết tâm, bền bỉ và kiên cường của người Việt Nam. Với những phẩm chất này, tôi tin rằng, các bạn sẽ tạo ra một tương lai tốt đẹp cho đất nước mình. Chắc chắn tôi sẽ rất buồn khi chia tay Việt Nam. Như tôi thường chia sẻ mỗi khi được hỏi về mối quan hệ của tôi với Việt Nam rằng: “Việt Nam là quê hương thứ hai của tôi!”./.
PV: Cám ơn Đại sứ với những chia sẻ vừa rồi!/.
“Từ ngày 13-15/4/2022, Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie cùng đoàn công tác của Đại sứ quán Australia đã tới thăm và làm việc tại tỉnh Điện Biên, trong đó có thăm các kết quả của dự án chăn nuôi thâm canh bò thịt tại các huyện Tuần Giáo và Điện Biên. Nhằm tăng thu nhập cho các nông hộ chăn nuôi bò quy mô nhỏ, dự án “Chăn nuôi thâm canh bò thịt trong các hệ thống canh tác trên đất dốc tại Tây Bắc Việt Nam”(2015-2022) do ACIAR tài trợ và Đại học Tasmania hợp tác với Viện Chăn nuôi và Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên thực hiện đã nghiên cứu thành công một số kĩ thuật trồng và ủ thức ăn chăn nuôi, vỗ béo để hỗ trợ nông dân chuyển đổi từ chăn nuôi quảng canh sang thâm canh, nâng cao năng suất và giá trị kinh tế. Đồng thời, dự án cũng đã hỗ trợ một số nông dân tiên phong thành lập ra các Hợp tác xã chăn nuôi và kinh doanh bò thịt, bò giống nhằm tăng cường liên kết giữa nông hộ với thị trường và định hướng phát triển ngành bò thịt của Điện Biên theo hướng sản phẩm an toàn, chất lượng cao”.
Theo VOV.VN