Tạo cơ chế, chính sách phát triển khu công nghệ cao

Các đại biểu tham quan Phòng trưng bày các sản phẩm công nghệ ươm tạo tại Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao, Khu Công nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 24/3, tại Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo về mô hình và cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển khu công nghệ cao của Việt Nam.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, các khu công nghệ cao trên phạm vi cả nước hiện đang phát huy hiệu quả trong thu hút các dự án công nghệ cao, qua đó, đã tạo động lực, sức lan tỏa cho công nghiệp cả nước phát triển.

Khu Công nghiệp cao Hòa Lạc (Hà Nội) được thành lập 1998 với diện tích 1.596 ha, đến nay thu hút được 100 dự án đầu tư (14 dự án FDI và 86 dự án trong nước) với tổng vốn đầu tư 95.100 tỷ đồng. Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh thu hút 165 dự án (53 dự án FDI và 112 dự án trong nước) với tổng vốn đầu tư khoảng 11 tỷ USD. Khu Công nghệ cao Đà Nẵng được thành lập vào năm 2010, đến nay thu hút được 24 dự án, trong đó có 12 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 547 triệu USD và 12 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 6.291 tỷ đồng.

Tuy nhiên, các khu công nghiệp công nghệ cao hiện chưa phát huy được như kỳ vọng. Số dự án thu hút được của các tập đoàn, công ty lớn chưa nhiều… Một trong những nguyên nhân dẫn đến điều này là các khu công nghệ cao còn thiếu kết cấu hạ tầng công nghệ; chính sách hỗ trợ để thu hút các dự án công nghệ cao chưa thật sự hấp dẫn so với các nước trong khu vực. Các địa phương hiện còn gặp vướng mắc về cơ chế, chính sách trong việc xây dựng mới các khu công nghệ cao, hoặc tiếp tục mở rộng các khu công nghệ cao hiện hữu.

Các đại biểu kiến nghị, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành các quy định để xác định khung mô hình quản lý nhà nước và cơ chế phân cấp để từng bước tháo gỡ các rào cản, hoàn thiện mô hình quản lý, tạo đà phát triển các khu công nghiệp trên cả nước. Xây dựng thêm cơ chế thu hút nhà đầu tư tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghệ cao; nâng cao vai trò của địa phương trong quản lý các khu công nghiệp công nghệ cao; tiến đến thống nhất về chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức và cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các khu công nghiệp công nghệ cao.

Để khu công nghệ cao phát huy hiệu quả, các địa phương cần chú trọng xây dựng hệ sinh thái khu công nghệ cao dựa trên 3 yếu tố: Hệ thống các phòng thử nghiệm; doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao và các hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Phát biểu kết luận hội thảo, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Khoa học và Công nghệ đang hoàn thiện dự thảo Nghị Định quy định về khu công nghệ cao tập trung vào giải quyết, tháo gỡ một số vướng mắc chính, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn, thúc đẩy việc xây dựng, phát triển khu công nghệ cao.

Phải nhìn nhận thực tế là các nội dung quản lý nhà nước đối với khu công nghệ rất rộng, bao phủ rất nhiều lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của nhiều pháp luật chuyên ngành khác nhau nên còn nhiều nội dung chưa giải quyết được trong một Nghị định quy định về khu công nghệ cao đang được xây dựng, hoàn thiện. Sau hội thảo này, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục xây dựng báo cáo, đề xuất các giải pháp, chính sách nhằm phát triển các khu công nghệ cao trong thời gian tới.

Theo Nhandan

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo