Bên cạnh đó, chất lượng quy hoạch sử dụng đất chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, thiếu tính dự báo chiến lược dẫn đến tình trạng dự án đã được cho thuê đất để sản xuất, kinh doanh nhưng đến khi lập Quy hoạch chung đô thị mới thuộc địa phận 4 xã Yên Bằng, Yên Quang, Yên Hồng, Yên Tiến (Ý Yên) thì có 2 dự án lại nằm trong phạm vi quy hoạch đất thương mại, dịch vụ, vì vậy nhà đầu tư khó thực hiện dự án theo chủ trương đã phê duyệt trước đó.
Theo đồng chí Trần Anh Dũng, Uỷ viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, để khắc phục những tồn tại, bất cập kể trên, trong năm 2023 tỉnh đã chỉ đạo các cấp chính quyền, ngành chức năng nâng cao hiệu quả phối hợp, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp. Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH và ĐT) đã phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra, giám sát 67/178 dự án UBND tỉnh giao đất đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp giai đoạn 2016-2022 đến nay. Qua kiểm tra, giám sát, Sở KH và ĐT đã đề xuất UBND tỉnh chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với 4 dự án gồm: Dự án xây dựng nhà máy xử lý nước sạch Hoàng Kim tại huyện Hải Hậu; Dự án đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng của Công ty TNHH Hoa Việt tại huyện Ý Yên; hai dự án tại huyện Nghĩa Hưng gồm: Dự án xây dựng nhà máy đóng mới và sửa chữa phương tiện tàu thủy của Công ty TNHH Thương mại Đại Lục và Dự án xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm ngành dệt may của Công ty Jindi Việt Nam. Thanh tra Sở đã ban hành 46 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KH và ĐT với tổng số tiền xử phạt 2,125 tỷ đồng; trong đó, có 16 trường hợp vi phạm chậm tiến độ, đầu tư không đúng theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với số tiền xử phạt 1,190 tỷ đồng. Đến hết tháng 9-2023, Sở KH và ĐT đã yêu cầu nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh 42 dự án được kiểm tra giám sát.
Trong năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát 23 dự án sử dụng đất bãi ven sông trong 206 dự án sản xuất, kinh doanh ngoài khu, cụm công nghiệp. Sở Xây dựng đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố kiểm tra 44 dự án trong nhóm 206 dự án nêu trên mà chưa được cấp phép xây dựng, tiến hành xử lý theo quy định đối với các trường hợp xây dựng công trình không phép, sai phép, vi phạm quy hoạch theo thẩm quyền và phân cấp. Ngày 6-10-2023, Sở Xây dựng đã có Văn bản số 2057/SXD-QH gửi UBND huyện Ý Yên, căn cứ khoản 2 Điều 46 Luật Quy hoạch đô thị, tiến hành rà soát, đánh giá quá trình thực hiện Quy hoạch chung đô thị mới thuộc địa phận 4 xã Yên Bằng, Yên Quang, Yên Hồng, Yên Tiến đến năm 2035 và sẽ sớm tham mưu để ngay trong đầu năm 2024 UBND tỉnh có phương án xử lý đảm bảo đồng bộ giữa các Quy hoạch nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án đang vướng mắc tiếp tục triển khai, tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Thời gian qua, bên cạnh các dự án đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp trong khu, cụm công nghiệp còn có các dự án đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp bằng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước, bao gồm: Các dự án công nghiệp có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương; các dự án có tính chất đặc thù, không thể sản xuất trong khu, cụm công nghiệp (sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác, chế biến khoáng sản); các dự án trong các lĩnh vực thương mại – dịch vụ, nông nghiệp. Hiện nay, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ sở để tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư hàng loạt các dự án trọng điểm theo quy hoạch để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, bao gồm cả các dự án đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp. Thực tế này đặt ra yêu cầu các cấp, các ngành liên quan tăng cường hơn nữa chất lượng quản lý hiệu quả hoạt động của nhóm dự án đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp.
Trước mắt, đối với các dự án đã được UBND tỉnh và UBND huyện giao đất, tỉnh giao Sở KH và ĐT chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá đầu tư các dự án đã có chấp thuận chủ trương đầu tư; xử lý nghiêm theo pháp luật các trường hợp có phát sinh vi phạm; tích cực hỗ trợ, phối hợp giải quyết khó khăn, kiến nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp khi thực hiện xin chấp thuận chủ trương đầu tư/chứng nhận đăng ký đầu tư và trong quá trình triển khai dự án. Đối với các dự án chậm tiến độ phải tổ chức theo dõi, đôn đốc; tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý các dự án nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính, không hoặc chậm triển khai dự án đầu tư theo đúng quy định của pháp luật. Về phía chủ đầu tư các dự án, tỉnh yêu cầu phải tập trung nguồn lực, chủ động phối hợp với các cấp chính quyền, các ngành chức năng khắc phục giải quyết khó khăn, vướng mắc; quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo đúng quy hoạch, dự án được phê duyệt; đưa đất vào sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, đảm bảo chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật.
Về lâu dài, các sở, ngành, các địa phương tiếp tục nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, chủ động tham mưu UBND tỉnh trong công tác quản lý các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách theo đúng quy định; trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng thẩm định đối với các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định của UBND tỉnh. Tỉnh cũng quán triệt các ngành, các địa phương quyết liệt thực hiện nhất quán định hướng thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh. Trong đó, đối với các dự án công nghiệp phải thu hút vào các khu, cụm công nghiệp; đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp chỉ xem xét chấp thuận đối với các dự án có tầm ảnh lớn đến phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Riêng nhóm dự án không thể hoạt động trong khu, cụm công nghiệp như: Lĩnh vực thương mại – dịch vụ sẽ chú trọng thu hút, phát triển các dự án có trọng tâm, trọng điểm để hình thành một số khu, điểm du lịch, dịch vụ quy mô lớn, dịch vụ logistics, dịch vụ tài chính – ngân hàng và dịch vụ bưu chính viễn thông. Lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản chú trọng thu hút các dự án đầu tư phát triển nông nghiệp theo các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp để làm cơ sở tập trung, thu hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu. Thu hút đầu tư vào các địa bàn có địa hình phù hợp, khu chăn nuôi tập trung, không đầu tư xây dựng các trang trại, mô hình tại các khu đô thị, khu vực có mật độ dân cư cao, không đảm bảo về khoảng cách và xử lý môi trường.
Tăng cường phân công, phân cấp trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở (cấp huyện, cấp xã) đối với công tác quản lý, theo dõi các dự án đầu tư trên địa bàn để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các huyện, thành phố trong việc theo dõi, kiểm tra, xử lý các sai phạm trong hoạt động đầu tư. UBND các huyện, thành phố thực hiện giao trách nhiệm cụ thể cho các phòng, đơn vị chuyên môn trong việc kiểm tra, theo dõi định kỳ, đánh giá tình hình hoạt động của các dự án được chấp thuận đầu tư theo địa bàn quản lý để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các vi phạm trong quá trình đầu tư và hoạt động sản xuất, kinh doanh; định kỳ hàng quý rà soát báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở KH và ĐT) các dự án chậm đầu tư, không đầu tư để có giải pháp xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, yêu cầu các nhà đầu tư thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ tình hình thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật; đối với các dự án không triển khai, chậm triển khai và không thực hiện đúng cam kết, đúng quy định sẽ kiên quyết xử lý chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định pháp luật.
Báo Nam Định