Mới đây, nhân dịp Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Hoàng Văn Lợi trình Thư uỷ nhiệm của Chủ tịch nước lên Tổng thống nước Cộng hoà Botswana Mokgweeti Eric Keabetswa Masisi, Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi đã tham gia Đoàn công tác đến thủ đô Gaborone, Botswana. Trong thời gian trên, Đoàn đã làm việc với Cơ quan Xúc tiến Đầu tư – Thương mại (BITC) và Botswana Business.
Đoàn công tác đã có buổi làm việc với ông Keletsositse Olebile – CEO của BITC. Đây là cơ quan Chính phủ, trực thuộc Bộ Đầu tư và Công Thương Botswana (Ministry of Investment, Trade and Industry) được thành lập theo Quyết định của Nghị viện năm 2012, trên cơ sở xác lập thêm nhiệm vụ xúc tiến đầu tư vào Cơ quan XTTM của Botswana IPTA (Trade Promotion Authority).
Tại buổi làm việc, Đại sứ Hoàng Văn Lợi giới thiệu chung tình hình phát triển kinh tế thương mại Việt Nam từ đầu năm 2021 đến nay và một số định hướng chính sách phát triển trong thời gian tới; nhấn mạnh Việt Nam và Botswana có quan hệ tốt đẹp, hai nước có nhiều tiềm năng để tăng cường hơn nữa quan hệ song phương, đặc biệt là thương mại – đầu tư. Đại diện BITC cũng giới thiệu về chức năng nhiệm vụ, gồm (i) quản lý xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào Botswana (ii) thực hiện nhiệm vụ XTTM cấp quốc gia, và (iii) xây dựng Thương hiệu Quốc gia (Natinal Brands) cho sản phẩm dịch vụ của Botswana.
Ngoài ra, mô hình “One Stop Service Centre” của BITC được đánh giá là đầu mối hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp trong thủ tục cấp phép đầu tư, hướng dẫn pháp lý, xin thị thực việc làm, thủ tục khai thuế, tìm địa điểm đầu tư, cấp giấy phép đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp có ý định đầu tư tại Botswana.
Qua buổi làm việc, hai bên thống nhất khả năng trao đổi đoàn doanh nghiệp hai nước kết nối sang thăm, khảo sát thị trường, tìm kiếm đối tác phù hợp tại Botswana và Việt Nam.
Làm việc với Botswana Business: (https://www.bb.org.bw)
Tiếp Đoàn công tác là ông Norman Moleele, CEO của Botswana Business. Đây là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tại Botswana, không trực thuộc Chính phủ, được thành lập từ năm 1971 trải qua trên 50 năm hoạt động. Đến năm 1978 đổi tên thành Botswana Confederation of Commerce, Industry and Manpower (BOCCIM). Năm 2015, đổi tên thành Botswana Business và giữ nguyên cho đến nay, hiện tập hợp được khoảng 3.000 thành viên doanh nghiệp, gồm các công ty trong mọi lĩnh vực tại Botswana (khai khoáng, ngân hàng , y tế, giáo dục, thương mại, xây dựng…).
Tại buổi làm việc, thay mặt Đoàn công tác Đại sứ đã giới thiệu khái quát về cộng đồng doanh nghiệp Việt nam, một số thế mạnh ngành hàng mà Việt Nam mong muốn trao đổi hợp tác cùng đối tác Botswana. Hai bên thống nhất thời gian tới sẽ chủ động phối hợp trong việc tạo dựng môi trường giúp cộng đồng doanh nghiệp hai nước có điều kiện trao đổi thông tin và tìm kiếm cơ hội hợp tác cùng nhau. Ngoài ra, Botswana Business sẵn sàng hỗ trợ Đại sứ quán và các doanh nghiệp Việt Nam xác minh pháp lý đối tác là doanh nghiệp Botswana trong trường hợp cần thiết.
Chuyến công tác đến Gaborone, Botswana lần này đã thiết lập những quan hệ quan trọng với các Cơ quan tại Botswana, tạo tiền đề hữu hiệu, hỗ trợ thiết thực cho phát triển quan hệ thương mại – đầu tư cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam – Botswana trong thời gian tới.
Botswana là quốc gia không giáp biển thuộc phía nam Châu Phi, giàu trữ lượng khai khoáng như than, đồng, kim cương, đá quý, nikken và quặng sắt…Dân số khoảng 2,25 triệu người, diện tích trên 580 ngàn km vuông. Botswana là thành viên của WTO từ sớm năm 1995 và là thành viên của Liên minh thuế quan các nước nam phần Châu Phi (SACU – Southern African Customs Union). Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam – Botswana khá khiêm tốn Quý I/2021 đạt gần 10 triệu USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 13 ngàn USD và chủ yếu nhập khẩu 9,9 triệu USD.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi