Dây chuyền sản xuất ống inox tại Công ty cổ phần quốc tế Sơn Hà, Khu công nghiệp Phùng, Hà Nội
Cơ hội và thách thức vẫn đan xen trong quá trình phục hồi và phát triển của nền kinh tế Việt Nam nhưng trong nửa cuối năm 2022, xu hướng tích cực đã lan rộng hơn trong tất cả các lĩnh vực, ngành nghề.
Tính đến thời điểm cuối quý III năm 2022, nền kinh tế đang bước vào giai đoạn phục hồi ngày càng tích cực; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, hoạt động sản xuất, kinh doanh lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ.
Phấn đấu tăng trưởng GDP 7,5%
Sản xuất công nghiệp đã lấy lại được đà phát triển và tăng trưởng, thể hiện ở mức tăng 9,4% của chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tám tháng so cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng khi tăng 10,4% (cùng kỳ năm 2021 tăng 7%), đóng góp 8,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Mặt khác, cả nước có đến 61/63 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng, trong đó nhiều địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đạt mức tăng rất cao nhờ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Một điểm sáng khác là xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt kim ngạch 250,8 tỷ USD, tăng 17,3% so cùng kỳ, giúp cán cân thương mại tiếp tục duy trì trạng thái xuất siêu khoảng 3,96 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,52 tỷ USD).
Cũng trong tám tháng, đã có tới 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn một tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; có sáu mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63,4%. Điểm nhấn của bức tranh kinh tế cuối quý III là sức bật tăng trở lại của lĩnh vực du lịch, dịch vụ, tiêu dùng trong nước. Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 19,3% so cùng kỳ; du lịch tiếp tục phục hồi tích cực với lượng khách nội địa tăng cao và khách quốc tế tăng gấp 12,7% so cùng kỳ.
Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nền kinh tế có bước phục hồi tích cực từ đầu năm và dự kiến tăng trưởng sẽ vượt mục tiêu đề ra, nếu tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hơn nữa. Dự báo mức tăng trưởng GDP cả năm 2022 có thể đạt hơn 7,5%.
Bên cạnh các động lực tăng trưởng đang được khơi thông và thúc đẩy, dư địa lớn cho tăng trưởng nằm ở việc triển khai thực chất hơn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến nay giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình đạt khoảng 55,5 nghìn tỷ đồng, gồm các gói cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, hỗ trợ lãi suất, giảm các loại thuế, phí…
Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công dự kiến sẽ tăng tốc vào cuối năm do Chính phủ đang quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn trong lĩnh vực này và giá một số vật liệu xây dựng đang hạ nhiệt. Yếu tố thuận lợi khác cho đầu tư công là theo thông lệ, giải ngân vốn thường tăng tốc vào cuối năm do đặc thù của hoạt động đầu tư, xây dựng.
Hiện các tổ chức quốc tế cũng ghi nhận, đánh giá cao triển vọng phục hồi, phát triển kinh tế Việt Nam. Ngày 6/9, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên Ba2 với triển vọng “ổn định”.
Điều này cho thấy đánh giá của Moody’s về sức mạnh kinh tế Việt Nam ngày càng được tăng cường và khả năng chống chịu trước các cú sốc vĩ mô bên ngoài được ghi nhận là tốt hơn so với các nước cùng xếp hạng. Trước đó vào tháng 5/2022, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P, Fitch Ratings đều xếp hạng triển vọng “ổn định”, “tích cực” và đánh giá kinh tế Việt Nam đang phục hồi tốt hơn kỳ vọng…
Đối mặt nhiều thách thức mới
Xu hướng chung của nhiều tổ chức quốc tế là nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 nhưng hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 do những rủi ro, thách thức phục hồi kinh tế còn rất lớn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận định tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng sẽ khó khăn hơn trong quý IV năm 2022 và năm 2023. Những thách thức được nhận diện là hoạt động sản xuất, kinh doanh tuy đã phục hồi nhưng còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do giá xăng dầu, vật tư đầu vào, chi phí sản xuất cao và thiếu hụt lao động cục bộ đang diễn ra ở một số địa phương.
Mặt khác, bối cảnh quốc tế có nhiều bất lợi ảnh hưởng mạnh đến sản xuất, xuất nhập khẩu và khả năng thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước của doanh nghiệp, có thể tác động đến thu ngân sách ngay từ cuối năm nay.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chỉ ra những khó khăn cộng đồng sản xuất, kinh doanh đang phải đối mặt, đó là giá cả hàng hóa thế giới, giá xăng dầu tuy có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng khó dự báo; giá dầu tăng cao trong khi là nguồn nguyên liệu chính cho sản xuất và tiêu dùng; thiếu hụt, gián đoạn nguồn cung, chi phí sản xuất, vận tải toàn cầu gia tăng… tạo áp lực lên lạm phát, giá cả hàng hóa trong nước.
Những yếu tố này chưa thể giải quyết dứt điểm trong ngắn hạn đã xuất hiện những yếu tố mới, nhất là tình trạng hạn hán tại Trung Quốc, EU có thể ảnh hưởng lớn đến nguồn cung lương thực, vật tư công nghiệp đầu vào trên thế giới và khu vực trong ngắn hạn. Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro vì các quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ chậm hoàn thiện, ảnh hưởng đến các kênh huy động vốn mới cho doanh nghiệp và gia tăng áp lực lên hệ thống ngân hàng…
Trong bối cảnh đó, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế vẫn là quan điểm điều hành xuyên suốt của Chính phủ. Giải pháp quan trọng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh là thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và duy trì động lực tăng trưởng trong dài hạn cùng với khai thác các động lực tăng trưởng mới.
Trước nhiều dự báo khó khăn về triển vọng xuất khẩu cuối năm, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải cho biết sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh sản xuất, nhất là hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế với giá cả phù hợp; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các Hiệp định thương mại tự do đã ký để tăng tốc sản xuất, xuất khẩu; tăng cường phổ biến thông tin, dự báo tình hình thị trường hàng hóa trong nước và thế giới, giúp cộng đồng doanh nghiệp kịp thời nắm bắt thông tin, tiếp cận thị trường, kết nối giao thương, nhất là ở các thị trường mới, nhiều tiềm năng; chú trọng đổi mới công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử nhằm mở rộng thị trường nội địa, chú trọng xây dựng, phát triển thương hiệu hàng Việt Nam.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, diễn biến nhanh, khó lường của tình hình kinh tế đòi hỏi phản ứng chính sách phải nhanh, có trọng tâm, hiệu quả, kịp thời. Các bộ, ngành cần chủ động, linh hoạt trong hành động, không chờ chỉ đạo từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc đề xuất từ các cơ quan khác, chủ động trong ban hành và tổ chức thực hiện chính sách tài khóa, giảm thiểu độ trễ từ xây dựng, trình cấp có thẩm quyền đến tổ chức thực hiện, thời gian tác động chính sách đến nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp.
Các chính sách hỗ trợ cần có trọng tâm, trọng điểm cho doanh nghiệp, người dân, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp, đồng thời bảo đảm dư địa chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế sau năm 2023…
Theo Nhandan.vn