Không có thời gian để… nghĩ chính là “bệnh” chung của nhiều lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Ai cũng “bận trăm công nghìn việc”, ai cũng bị cuốn vào guồng xoáy của nền kinh tế đang có quá nhiều nguy cơ. Ai cũng phải “xoay”. Nhưng, giải pháp hiệu quả lại thường “lách” đến qua những ô cửa hẹp. Và nhiều khi chúng ta chỉ có thể nhìn nhận thấy khi bản thân minh đủ “tĩnh”, đủ “an”.

Suy  nghĩ như một lãnh đạo 

Lãnh đạo đã không còn là một “title” chỉ vị trí công việc trong doanh nghiệp, không phải founder, không phải boss, không phải leader,… Lãnh đạo nên được hiểu là một năng lực tư duy, hơn thế, được coi là năng lực cạnh tranh, của cả từng cá nhân lẫn của doanh nghiệp. Bất kỳ nhân sự nào trong doanh nghiệp cũng có thể có năng lực tư duy lãnh đạo, kể cả các nhân viên.

Về mặt khái niệm, tư duy lãnh đạo được coi là quá trình phản ánh hiện thực khách quan về lãnh đạo dựa trên hoạt động của não bộ để nhận thức được bản chất và quy luật về quá trình lãnh đạo, cách thức lãnh đạo và mục tiêu lãnh đạo, đồng thời, định hướng cho hành động lãnh đạo trên thực tiễn (theo trang Quản lý nhà nước – State Management Review, Cơ quan nghiên cứu và ngôn luận của Học viện Hành chính Quốc gia).

Một khái niệm khá là phức tạp!

Tuy nhiên, có thể hiểu đơn giản rằng: Con người hoạt động và phát triển dựa trên hệ trục A-S-K: Kiến thức (Acknowledge) – Kỹ năng (Skills) và Thái độ (Attitude). Trong đó, tư duy lãnh đạo được hình thành trước tiên từ Thái độ.

Vậy, thái độ lãnh đạo được biểu hiện như thế nào?

Trước tiên, đó là thái độ mong muốn hiểu rõ bản thân, sứ mệnh của bản thân, sứ mệnh của tổ chức. Bởi chỉ khi thấu hiểu được sứ mệnh của mình, con người ta mới có động lực để không bỏ cuộc, không dừng lại.

Thái độ lãnh đạo còn được biểu hiện ở tầm nhìn. Người có tư duy lãnh đạo hiểu rõ vị trí mình đang đứng nhưng tầm nhìn của họ luôn hướng về tương lại, hướng về các cơ hội. Lãnh đạo là người kiến tạo tương lai, chứ không phải là người thụ động, than thở. Với tầm nhìn rộng và xa, họ luôn luôn nhìn thấy các giải pháp chứ không phải là vấn đề. Người có tư duy lãnh đạo luôn luôn có xu thế trở thành người dẫn đầu trong “lãnh thổ”, trong phân khúc của họ. Họ luôn mong muốn bản thân trở nên độc đáo, nguyên bản, không phải là bản copy của các hình mẫu khác.

Thái độ lãnh đạo còn được biểu hiện ở khả năng đối diện và vượt qua sự sợ hãi, từ đó, họ vượt qua các giới hạn của bản thân và đưa tổ chức của mình, đội nhóm của mình vượt lên giới hạn.

Thái độ lãnh đạo còn được biểu hiện ở khả năng học hỏi liên tục, khả năng phản biện và sáng tạo, tất cả nhằm hướng tới mục tiêu sứ mệnh và tầm nhìn.

Có thể hiểu rằng, thái độ lãnh đạo chính là yếu tố sẽ quyết định tư duy lãnh đạo. Phần Kiến thức – Kỹ năng sẽ được bổ sung, làm đầy phù hợp. Khi người có tư duy lãnh đạo nhìn nhận được mình thiếu gì, yếu gì, họ sẽ hoàn thiện mình với khả năng học hỏi không ngừng.

Kỹ năng làm chủ

Kỹ năng lãnh đạo quan trọng nhất là kỹ năng làm chủ, ở đây có thể được hiểu là làm chủ bản thân, làm chủ tình huống, làm chủ các mối quan hệ, chứ không phải là làm ông chủ, bà chủ.

Kỹ năng làm chủ lại được tập hợp bởi rất nhiều kỹ năng “con”, bao gồm (và quan trọng nhất) là kỹ năng lắng nghe và thấu cảm. Tiếp theo là kỹ năng ra quyết định, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý,…

Kỹ năng lãnh đạo tốt được thể hiện qua sự quyết đoán trong việc ra các quyết định, đặc biệt là trong các tình huống cấp bách (cả đội nhóm trông vào). Khả năng nhìn xa trông rộng cũng sẽ giúp người có tư duy lãnh đạo gia tăng sự quyết đoán của mình trong các trường hợp cần thiết, đặc biệt là các quyết định liên quan đến sự thành bại.
Công bằng và chính trực cũng là những yếu tố quan trọng hàng đầu trong rèn luyện kỹ năng lãnh đạo. Sự chính trực còn là một biểu hiện của đạo đức, nói sao làm vậy, đúng với tuyên ngôn sứ mệnh của bản thân và tổ chức, giúp duy trì uy tín và hình ảnh tích cực.

Công bằng và chính trực cũng là yếu tố tiên quyết giúp người lãnh đạo phát triển các mối quan hệ, đặc biệt là trong xây dựng đội ngũ. Ngoài ra, kỹ năng lãnh đạo còn bao gồm khả năng giao tiếp và đặc biệt là khả năng giảng dạy, truyền đạt, cố vấn.

Văn hóa khai vấn

Có thể nói, lãnh đạo chính là một trong các kỹ năng làm việc giữa con người với con người. Nó chính là kỹ năng kết nối và dẫn dắt bản thân với tổ chức đi cùng một mục tiêu chung, một sứ mệnh chung. Điều tối kỵ trong tư duy lãnh đạo là làm thay các công việc quản lý, hay các công việc chuyên môn. Dẫn dắt và làm thay là 2 mặt hoàn toàn đối lập nhau. Sự dẫn dắt sẽ giúp khơi gợi tiềm năng và sự tự chủ của nhân sự. Còn việc làm thay sẽ dễn đến tình trạng ỷ lại, triệt tiêu sự sáng tạo cũng như năng lực tự giải quyết vấn đề của nhân sự. Do vậy, ứng dụng khai vấn sẽ giúp người lãnh đạo tránh được cái “bẫy” này.

Khai vấn (coaching) được hiểu đơn giản là một quá trình hỏi đáp để nhà lãnh đạo có thể khơi gợi các giải pháp từ chính người được khai vấn (nhân viên). Điều tuyệt vời của khai vấn là trước tiên nó giúp cho các nhà lãnh đạo phát triển được kỹ năng quan sát, kỹ năng lắng nghe sâu và kỹ năng thấu cảm với bản thân, với đội ngũ, để từ đó đưa ra được các câu hỏi gợi mở, không mang tính phán xét, áp đặt. Không chỉ hữu dụng trong việc tìm kiếm các giải pháp từ đội ngũ, quá trình khai vấn còn giúp các nhà lãnh đạo luôn trong trạng thái “tỉnh thức”, nhận biết rõ về thực trạng của bản thân, của đội ngũ, của doanh nghiệp, để từ đó có những quyết định phù hợp hơn với thực tế.

Do vậy, việc ứng dụng, áp dụng văn hoá khai vấn trong doanh nghiệp cũng có thể được coi là một cách để phát triển tư duy lãnh đạo của không chỉ những người đứng đầu mà cho toàn đội ngũ. Rõ ràng là một đội ngũ “bảo sao làm vậy” sẽ không thể linh hoạt bằng một đội ngũ “hỏi nhau để tìm giải pháp phù hợp nhất”. Tất nhiên, người trong vai trò lãnh đạo cao nhất của tổ chức sẽ cần phải cân bằng giữa các lợi ích ngắn hạn và dài hạn, thậm chí phải hi sinh thói quen lãnh đạo cũ của mình để có thể đưa doanh nghiệp, đội ngũ tiến lên trong tương lai.

Một khi cả đội ngũ đã cùng thấu hiểu về sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi và lợi ích, mệnh lệnh của lãnh đạo sẽ được thực thi mà không cần phải kiểm soát quá nhiều trong từng hành động. Trong khi, các vị trí nhân sự khác vẫn sẽ có không gian nhất định để phát triển kỹ năng lãnh đạo của bản thân, đóng góp cho sự phát triển chung của đội nhóm và doanh nghiệp.

Theo diendandoanhnghiep.vn