Đầu tư có  trách  nhiệm xã hội , hay còn gọi là đầu tư ESG (Environmental – môi trường, Social – xã hội, Governance – quản trị) đang là một xu hướng bùng nổ trong thời gian gần đây. Các tiêu chí ESG – như tác động đến môi trường của công ty, sự đa dạng của hội đồng quản trị hay lương thưởng cho người điều hành – đang được một số công ty và nhà đầu tư sử dụng để đánh giá các công ty cho các quỹ hoặc cá nhân đầu tư. S&P Global, Bloomberg và Moody’s là một số công ty xếp hạng và đo lường hiệu suất ESG.

Giống như hầu hết các giao dịch mua cổ phiếu trên sàn chứng khoán, mọi người không trực tiếp tài trợ cho các công ty có ý thức về trách nhiệm xã hội khi mua cổ phiếu của họ. Nhưng các nhà đầu tư có quyền biểu quyết có thể giúp các công ty đưa ra quyết định tốt hơn. Càng ngày, mọi người càng sử dụng các giá trị và đạo đức của mình để hướng dẫn các lựa chọn đầu tư – đặc biệt là thế hệ Millennials

Tháng này, SEC cho biết họ có thể yêu cầu các công ty báo cáo thông tin về rủi ro khí hậu cùng với thu nhập hằng năm của họ, ví dụ như các chỉ số phát thải và tiến trình hướng tới các mục tiêu khí hậu. Trong những năm gần đây, các công ty đã tăng gấp đôi các sáng kiến ESG – đặc biệt là các sáng kiến về môi trường.

Các công ty công nghệ lớn là nơi phân bổ lớn nhất cho hầu hết các quỹ ESG.  Amazson cam kết trở thành công ty trung hòa carbon vào năm 2040, Microsoft cam kết “âm carbon” (lượng khí thải giảm được nhiều hơn lượng khí thải phát ra) vào năm 2030, trong khi Google đã mua đủ năng lượng gió và năng lượng mặt trời vào năm 2019 để cung cấp năng lượng cho 500 triệu ngôi nhà ở châu Âu.

Tuy vậy, nhiều khía cạnh của việc đầu tư vào các hạng mục trách nhiệm xã hội vẫn chưa được xác định rõ ràng. Sự khác nhau giữa những tiêu chí đánh giá có thể khiến công ty gặp khó khi đo lường ESG – điều tương tự cũng xảy ra khi đánh giá tác động của các khoản tiền đầu tư.

Một nghiên cứu cho thấy rằng việc tăng đầu tư vào ESG không giúp các công ty giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện an toàn tại nơi làm việc hoặc sự đa dạng của hội đồng quản trị. Do đó, bước tiếp theo là thống nhất các tiêu chí rõ ràng hơn, được tiêu chuẩn hóa để đánh giá trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Theo DĐDN