Sơn La: Rà soát, bố trí quỹ đất thành lập cụm công nghiệp tái chế chất thải nhựa

Theo đó, tỉnh Sơn La đã đề ra 12 nội dung chính để tập trung vào: Rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai các quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải nhựa phù hợp với quy định hiện hành và điều kiện thực tế của tỉnh; hướng dẫn xây dựng quy chế quản lý, hương ước, quy ước nhằm huy động sự tham gia của cộng đồng trong quản lý chất thải nhựa và bảo vệ môi trường; thúc đẩy sử dụng vỏ hộp, bao bì bằng chất liệu tái sử dụng, thân thiện với môi trường.

Hạn chế việc đầu tư mới cơ sở sản xuất sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy phục vụ cho mục đích sinh hoạt. Đề xuất các giải pháp hạn chế thông thương, thắt chặt thị trường kinh doanh túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần.

Xác định các giải pháp chủ yếu để các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, lộ trình hạn chế và tiến tới cấm sử dụng túi ni lông khó phân hủy tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh; chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phân loại, thu gom, tái chế, xử lý chất thải nhựa cho đô thị và khu dân cư nông thôn tập trung. Xây dựng và triển khai các mô hình về quản lý chất thải từ việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy.

Rà soát, bố trí quỹ đất thành lập cụm công nghiệp tái chế chất thải, tái chế chất thải nhựa theo quy định; thu hút các dự án vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp ứng dụng máy móc tiên tiến, hiện đại nhằm bảo vệ môi trường; khuyến khích các đơn vị sử dụng vật liệu thân thiện môi trường thay thế sản phẩm nhựa trong bao gói hoặc có giải pháp thu hồi, xử lý, tái chế chất thải nhựa.

Chỉ đạo các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn trên địa bàn tỉnh không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; tổ chức thu gom, xử lý chất thải nhựa trôi nổi trong môi trường (tại các dòng sông, suối, mương, ao, hồ, huổi, mó)….

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải (trong đó có rác thải nhựa) trên địa bàn tỉnh, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm; có biện pháp giám sát các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích cung cấp miễn phí túi ni lông cho khách hàng trên địa bàn.

Việc ban hành Kế hoạch là nhằm thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Đề án Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam, được phê duyệt theo Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn và tiến độ hoàn thành, trách nhiệm được phân công của các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện. Qua đó, nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân trong thu gom, sản xuất, tiêu thụ, thải bỏ chất thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.

UBND tỉnh giao Sở TN&MT tăng cường tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó lồng ghép nội dung tuyên truyền, vận động việc hạn chế sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy và sản phẩm nhựa sử dụng một lần; tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa đối với sức khỏe con người, môi trường và hệ sinh thái.

Xây dựng kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; từng bước rà soát, điều chỉnh phạm vi thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đến các khu vực nông thôn khác. Tăng cường đôn đốc, hướng dẫn thực hiện các chỉ tiêu số 17 về môi trường trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xã NTM giai đoạn 2021-2025; tiêu chí số 7 trong Bộ tiêu chí về NTM cấp huyện giai đoạn 2021-2025, bổ sung nội dung xây dựng quy chế quản lý, hương ước, quy ước nhằm huy động sự tham gia của cộng đồng trong quản lý chất thải nhựa và bảo vệ môi trường.

Các sở, ban, ngành căn cứ chức năng nhiệm vụ để triển khai các nội dung phù hợp. Trong đó, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tạo điều kiện thu hút, hỗ trợ các chương trình, đầu tư xây dựng cơ sở tái chế, xử lý chất thải nhựa và các dự án sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường thay thế túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần. Xem xét loại bỏ ngay từ đầu các dự án có công nghệ cũ, lạc hậu, các dự án không đảm bảo về môi trường; hạn chế tối đa việc cấp phép đối với dự án sản xuất các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy.

Sở Công Thương xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 “sử dụng 100% túi ni lông, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế túi ni lông khó phân hủy”. Thời gian hoàn thành trước tháng 12/2021.

Đồng thời, đề xuất triển khai xây dựng mô hình trung tâm thương mại, chợ, siêu thị không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; các biện pháp giám sát và xử lý các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích cung cấp miễn phí túi ni lông cho khách hàng.

Theo Báo Tài nguyên và Môi trường

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo