Nhằm khai thác giá trị khác biệt, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng và phát triển Đề án thí điểm mô hình phát triển kinh tế ban đêm (KTBĐ) trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, quá trình hoàn thiện Đề án vẫn còn một số vấn đề vướng mắc, cần nhanh chóng đưa ra phương án xử lý để triển khai thực tế.
KTBĐ vẫn là lĩnh vực kinh tế mới tại Việt Nam, vì vậy chưa có nhiều các đơn vị tư vấn hoặc các chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực này. Do đó, ngay từ khi bắt đầu triển khai, UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập Tổ công tác để xây dựng đề án. Đề án KTBĐ được xây dựng dựa trên 4 lĩnh vực, cụ thể: Văn hóa, vui chơi, giải trí (các hoạt động văn hóa – nghệ thuật, nhà hát, âm nhạc, chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện…); Dịch vụ ăn uống (nhà hàng, khu ẩm thực, quán bar…); Dịch vụ mua sắm (các chợ, khu mua sắm…); Dịch vụ du lịch (tham quan các địa điểm du lịch, di tích văn hóa, công trình kiến trúc…). Thời gian diễn ra từ 6 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau đối với các khu vực được áp dụng thí điểm, sau đó sẽ đẩy nhanh hướng tới nền kinh tế 24 giờ đối với các thành phố, đô thị có tiềm năng.
Hiện nay, Đề án KTBĐ đang lựa chọn thí điểm tại các khu vực riêng biệt cách xa khu dân cư, đảm bảo khép kín tạo thành tổ hợp giải trí ban đêm riêng biệt như Khu du lịch quốc tế Tuần Châu và Khu du lịch danh thắng Yên Tử. Tuy nhiên, việc lựa chọn địa điểm cũng đang có nhiều luồng ý kiến khác nhau.
Cụ thể, như đối với khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử, một số ý kiến cho rằng đây là địa điểm thí điểm là chưa phù hợp vì tại đây nguồn khách chưa nhiều và còn có tính mùa vụ cao. Đối chiếu quan điểm phát triển Đề án KTBĐ của Chính phủ có định hướng “Không khuyến khích phát triển hoạt động kinh tế ban đêm sau 10 giờ tối một cách đại trà mà phát triển có trọng tâm, trọng điểm. Trước mắt, cho phép một số thành phố, một số trung tâm du lịch lớn của cả nước có tính biểu tượng, theo không gian và thời gian riêng biệt, chủ động lựa chọn những dịch vụ mới và/hoặc có nhu cầu cao về ban đêm ở những địa bàn đông khách du lịch”. Như vậy, hiện tại địa điểm Legacy Yên Tử chỉ đáp ứng tiêu chí về không gian riêng biệt, các tiêu chí khác cần tiếp tục có thời gian thử nghiệm, đánh giá. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện đề án, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Du lịch đã tham khảo ý kiến của một số chuyên gia, đặc biệt là chuyên gia của Viện nghiên cứu phát triển du lịch có cùng quan điểm việc lựa chọn địa điểm thí điểm tại khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử là chưa phù hợp.
Người dân và du khách trải nghiệm đêm nhạc tại TP Hạ Long.
Đối với các sản phẩm đưa vào kinh doanh tại đề án, nhiều ý kiến cũng cho rằng nên tập trung phân tích thêm các ưu, nhược điểm của từng nhóm hàng hoá trên địa bàn tỉnh sao cho phù hợp. Cụ thể, theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Hoài Thương cần phân tích thêm nhóm sản phẩm OCOP, thực trạng nhu cầu tiêu dùng tại các khu mua sắm vào buổi tối nói chung và khu mua sắm, trưng bày giới thiệu sản phẩm, dịch vụ thuộc đề án nói riêng. Đối với hàng hóa lưu niệm, cần hỗ trợ tư vấn, đào tạo sản xuất sản phẩm như sản xuất ngọc trai, sản xuất sản phẩm lưu niệm đa dạng, phong phú hơn. Bên cạnh đó, đào tạo về văn minh thương mại, quản lý kinh doanh nhằm nâng cao năng lực kinh doanh, góp phần hình thành môi trường kinh doanh lành mạnh, hình ảnh đẹp cho khách du lịch và người dân khi đến tham quan và mua sắm tại các cơ sở này nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung. Ngoài ra, các hoạt động của kinh tế ban đêm nên khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương, những nghệ nhân… như các hoạt động tại chợ đêm, phố đi bộ, các chương trình biểu diễn nghệ thuật, nghề truyền thống… chứ không chỉ tập trung vào các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch.
Về giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự, Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự hoạt động kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Công an tỉnh đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu, bổ sung một số giải pháp xây dựng và trình HĐND tỉnh thông qua một số cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển kinh tế ban đêm, như: Hỗ trợ miễn phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè; hỗ trợ miễn phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải và bảo đảm ANTT; hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho đội ngũ quản lý và nhân viên phục vụ kinh tế ban đêm; trợ giá cho hoạt động vận tải khách hàng công cộng bằng xe điện, xe buýt đến các khu vực được lựa chọn thí điểm phát triển KTBĐ… trên cơ sở phù hợp với các quy định hiện hành. Mặt khác, cần nghiên cứu, đưa ra thương hiệu cụ thể đối với hoạt động KTBĐ trên địa bàn tỉnh, có thể tập trung khai thác thêm các sản phẩm du lịch đặc sắc, mang tính riêng, đặc thù của Quảng Ninh mà nơi khác không có.
Phát biểu tại cuộc họp nghe và cho ý kiến hoàn thiện Đề án thí điểm mô hình phát triển KTBĐ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khắng chỉ đạo UBND TP Hạ Long, Uông Bí chủ động phối hợp với doanh nghiệp để tiếp tục tham mưu xây dựng đề án. Các doanh nghiệp phải quyết tâm thực hiện, mời đơn vị tư vấn có kinh nghiệm xây dựng đề án kinh tế đêm. Đồng chí nhấn mạnh phát triển kinh tế đêm là một loại hình mới, các đơn vị phải tổ chức đoàn khảo sát, học tập kinh nghiệm trực tiếp ở những địa phương đã triển khai. Các sở, ngành, đơn vị tham gia đề án phải nhanh chóng hoàn thiện các phần việc được giao, đặc biệt bám sát nội dung Đề án phát triển KTBĐ ở Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020, tiếp tục đóng góp ý kiến xây dựng đề án của tỉnh để sớm đưa vào thực hiện.
Theo Báo Quảng Ninh