Đáng chú ý, số đông các doanh nghiệp huy động vốn với mục đích tăng quy mô vốn và phục vụ cho cuộc đua M&A mở rộng quỹ đất và phần lớn các lô trái phiếu lớn thường được mua bởi các tổ chức tín dụng.

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phạm Đức Toản – Tổng giám đốc EZ Property cho biết, thực tế việc huy động vốn từ trái phiếu để thực hiện M&A đang diễn ra như các “hệ sinh thái cộng sinh”, việc siết ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp sẽ làm hoạt động mua bán sáp nhập chậm lại.

– Thưa ông, ông đánh giá như thế nào từ việc dòng tiền các doanh nghiệp dùng để mua bán sáp nhập quỹ đất đang chủ yếu đến từ phát hành trái phiếu?

Thực tế, giai đoạn này, các doanh nghiệp dùng “đòn bẩy” tài chính để huy động vốn, một trong những nguyên nhân chính là tài sản của họ sở hữu chưa đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng.

Bởi lẽ phát hành trái phiếu là một hình thức vay với lãi suất cao. Mặt khác, khi phát hành trái phiếu, để có thể bán rộng rãi đến các nhà đầu tư cá nhân, với một khối lượng lớn như vậy là rất khó khả thi.

Đa phần các tổ chức tín dụng như ngân hàng, họ có sẵn trong tay tệp khách hàng có thể mua trái phiếu, khi khách hàng đến ngân hàng giao dịch, họ có thể tư vấn cho khách hàng mua trái phiếu doanh nghiệp.

Theo đó, các ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất cao, sau đó bán lại cho các nhà đầu tư cá nhân với lãi suất thấp hơn. Điều này tạo một mối quan hệ cộng sinh giữa ngân hàng và doanh nghiệp trong cuộc đua mua bán sáp nhập này.

– Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 16/2021/TT-NHNN siết hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng. Điều này sẽ tác động như thế nào đến hoạt động M&A quỹ đất của các doanh nghiệp thưa ông?

Như đã nói trên, việc huy động vốn để thâu tóm quỹ đất đang diễn ra bởi các “hệ sinh thái cộng sinh”, do đó khi ngân hàng bị siết mua trái phiếu doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động M&A trong thời gian tới. Theo đó, các doanh nghiệp khó có thể huy động được nguồn vốn lớn để liên tục thâu tóm quỹ đất như hiện tại.

Nhưng thực ra việc mua bán sáp nhập cũng phụ thuộc vào từng giai đoạn, từng thời điểm. Thời điểm thuận lợi nhất là thời điểm mà thị trường khó khăn, còn trường hợp thị trường thuận lợi, doanh nghiệp hoàn toàn có thể tiếp cận được nhiều nguồn tài chính khác nhau để họ triển khai dự án.

CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) và Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) mới đây đã thu xếp cho 3 doanh nghiệp tổng số vốn 15.500 tỷ đồng với mục đích thâu tóm dự án Sài Gòn Bình An

Việc M&A không phải là câu chuyện một sớm một chiều mà câu chuyện đường dài. Có thể hai bên ngân hàng và doanh nghiệp sẽ có những thỏa thuận riêng trong các thương vụ để có thể tiếp tục thực hiện sáp nhập.

Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, việc siết  dòng tiền cũng có thể là đòn bẩy buộc doanh nghiệp tập trung lại nguồn lực để phát triển các dự án hiện có. Từ đó tạo ra dòng tiền cho doanh nghiệp, thay vì tiếp tục đi vay như hiện nay.

– Khi thông tư 16 bắt đầu có hiệu lực, các doanh nghiệp không thể huy động vốn từ trái phiếu để mua bán sáp nhập mở rộng quỹ đất, liệu thị trường M&A của khối nội và khối ngoại có đảo chiều thưa ông?

Vấn đề hiện tại chính là với thị trường nhà đất ở, khối ngoại thời gian qua đang có sự trầm lắng, việc đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam không quá hấp dẫn với họ như trước sau thời gian giá nhà đất tăng nóng và thủ tục hành chính vẫn còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó là ảnh hưởng của dịch bệnh.

Trong khi đó, khối nội có lợi thế hơn vì có thể nắm bắt được thời điểm khi thị trường chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp rơi vào khó khăn và buộc phải chuyển nhượng lại quỹ đất.

Theo đó, dù khối nội đối mặt với khó khăn khi huy động dòng tiền, việc đảo chiều trên thị trường cũng khó lòng xảy ra.

– Vâng! Xin cảm ơn ông.

Theo Diendandoanhnghiep.vn