Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương vừa thông báo, sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 108.000 tấn đường năm 2021 vào ngày 29/9 tới.
Đối tượng tham gia đấu giá là thương nhân sử dụng đường thô để sản xuất đường tinh luyện (chỉ được đăng ký đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường thô); thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất (chỉ được đăng ký đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch nhập khẩu đường tinh luyện)
Theo đó, quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 76.000 tấn đường thô (mã HS 17.01) và quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 32.000 tấn đường tinh luyện (mã HS 17.01).
Mức giá khởi điểm đối với đường thô là 1.050.000 đồng/tấn; đường tinh luyện: 1.050.000 đồng/tấn. Bước giá: 50.000 đồng/tấn.
Ngoài ra, Cục Xuất nhập khẩu cũng cho biết, hồ sơ tham gia đấu giá bao gồm một số nội dung như: Phiếu bỏ giá có dấu niêm phong của thương nhân; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đầu tư; chứng từ xác nhận việc nộp tiền đặt trước…
Trong năm 2020, Phiên đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường đã không được tổ chức do đến hết thời hạn nhận hồ sơ, Hội đồng đấu giá không nhận được hồ sơ tham gia đấu giá nào của thương nhân.
Năm 2019, Bộ Công Thương đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 98.000 tấn (30.000 tấn đường tinh luyện; 68.000 tấn đường thô). Đã có 8 doanh nghiệp tham gia đấu giá; trong đó, 6 doanh nghiệp đấu giá mặt hàng đường tinh luyện, 2 doanh nghiệp đấu giá mặt hàng đường thô.
Chương trình đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường được Bộ Công Thương triển khai với tinh thần công khai, minh bạch, mang lại hiệu quả cho cả doanh nghiệp và ngân sách nhà nước.
Lần đầu tiên thí điểm tổ chức vào năm 2016, chương trình mang lại 138 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Doanh nghiệp cũng được hưởng lợi khi có lợi nhuận từ việc bán đường tinh nhập khẩu và luyện đường thô.
Việc tổ chức các Phiên đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường vào các Quý cuối năm cũng được đánh giá là thời điểm phù hợp, vì doanh nghiệp mía đường trong nước đã xong mùa vụ nên không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất.
Theo TCCT