Cánh đồng rau cần của HTX Khai Thái, huyện Phú Xuyên (Hà Nội).
Những năm gần đây, ngành nông nghiệp của Thành phố Hà Nội luôn hướng tới một nền nông nghiệp xanh, an toàn và thân thiện với môi trường… Do đó, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố, đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi theo hướng hữu cơ bảo đảm an toàn cho sức khỏe người dân.
Theo Văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Thành phố Hà Nội, sau hơn 4 năm triển khai áp dụng mô hình: Hệ thống quản lý chất lượng, bảo đảm nông sản an toàn (PGS), đã hình thành cho bà con nông dân trồng rau an toàn thói quen làm việc nhóm, ghi chép nhật ký đồng ruộng, lên kế hoạch sản xuất là những biểu hiện rõ nhất cho thành quả mô hình mang lại. Đến nay trên địa bàn Hà Nội có hàng trăm mô hình PGS.
Trong đó, huyện Thạch Thất có hơn 200ha. Các hộ sản xuất rau theo mô hình PGS đều có thu nhập từ hơn 300 triệu đồng đến hơn 440 triệu đồng/ha/năm. Trưởng Phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho biết, qua thực tế triển khai mô hình tại các xã cho thấy, sản phẩm khi được đưa ra thị trường bảo đảm các tiêu chí về an toàn thực phẩm, quan trọng nữa là hình thành cho bà con nông dân trồng rau an toàn thói quen làm việc nhóm, ghi chép nhật ký đồng ruộng, lên kế hoạch sản xuất, từ đó nâng cao kỹ năng cũng như kinh nghiệm trong sản xuất một cách bền vững.
Huyện Đông Anh cũng là một trong những vùng nổi tiếng về trồng rau sạch của Hà Nội. Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng thông tin, hiện nay huyện đã quy hoạch vùng sản xuất rau với diện tích 1.180ha; trong đó, có hơn 500ha sản xuất rau an toàn tập trung, quy mô lớn.
Để kiểm soát chất lượng sản phẩm rau an toàn tại các vùng sản xuất tập trung, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân về hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ vậy, số lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng giảm khoảng 15% so các năm trước, nông dân đã biết sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh, thảo mộc, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Phó Chánh Thường trực Văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí thông tin, thành phố Hà Nội đã có 5.044ha sản xuất rau an toàn, hơn 50ha sản xuất rau hữu cơ… cùng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các mô hình này không chỉ tạo nguồn thực phẩm sạch mà còn cho hiệu quả kinh tế cao hơn 15-20% so phương thức sản xuất truyền thống; đồng thời hạn chế ô nhiễm môi trường.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, thời gian tới, Hà Nội sẽ đầu tư chuyên sâu cho các vùng nông nghiệp hàng hóa theo hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu.
Theo đó, cây ăn quả sẽ tập trung vào các vùng chuyên canh theo nhóm cây trồng chủ lực, gồm: bưởi, chuối, nhãn với quy mô hơn 20.000ha; rau màu hơn 5.000ha; hoa, cây cảnh hơn 9.000ha; trong đó, có 43 mô hình rau áp dụng PGS với tổng diện tích 1.700ha; duy trì hơn 1.300ha rau, quả, chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Qua đó, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp xây dựng mô hình sản xuất xanh, thân thiện môi trường.
Phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ
Theo Văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay, các mô hình nông nghiệp hữu cơ của Hà Nội phát triển nhiều tại các huyện: Sóc Sơn, Đông Anh, Phú Xuyên, Thạch Thất, Chương Mỹ… gắn với việc xây dựng thương hiệu sản phẩm. Giám đốc Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn Hoàng Văn Thám, chia sẻ, hợp tác xã là đơn vị đầu tiên của huyện Chương Mỹ phối hợp với các nhà khoa học lắp đặt hệ thống trạm quan trắc thời tiết thông minh iMetos 3.3 A-G. Với bán kính phủ sóng 15km, trạm quan trắc dự báo chính xác nhiệt độ, tốc độ gió, lượng mưa… làm căn cứ để nông dân xây dựng kế hoạch chăm sóc, bảo vệ rau, quả.
Rau cần là loại cây trồng ưa các loại phân bón hữu cơ (phân chuồng ủ hoại mục). Đặc biệt, loại rau này hầu như không có sâu bệnh nên người dân không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Do vậy, từ khi thành lập, HTX rau cần Khai Thái luôn đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân nắm vững quy trình sản xuất theo đúng tiêu chuẩn an toàn với mục đích khẳng định uy tín bằng chất lượng sản phẩm. Đồng thời, HTX quy định rất rõ về việc sử dụng thuốc, phân bón cho cây rau sao cho phù hợp từ việc chăm sóc tới khâu thu hoạch.
Theo tìm hiểu được biết, để hỗ trợ nông dân phát triển cây rau cần đặc sản, huyện hỗ trợ các hộ trồng rau cần xây dựng 160 lều và bể nước sơ chế rau ngay tại ruộng, nhờ vậy, chất lượng rau được bảo đảm và mẫu mã bắt mắt hơn. Địa phương cũng đã đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương, đường giao thông bên cạnh khu vực trồng rau, nhằm thu hút du khách tham quan, du lịch nông thôn trong thời gian tới.
Đến nay, sản phẩm rau cần Khai Thái đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể và là sản phẩm OCOP 4 sao của Hà Nội. Giá trị sản xuất đạt từ 700-900 triệu đồng/ha.
Tại huyện Thạch Thất có hơn 36 HTX nông nghiệp, 100% HTX chuyển đổi theo luật hoặc thành lập mới theo Luật Họp tác xã 2012. Các HTX nông nghiệp đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Bên cạnh đó, có không ít HTX nhanh chóng thích nghi với cơ chế thị trường, tạo sự liên kết, hợp tác với nhau và với các doanh nghiệp, huy động vốn góp của các thành viên, cung ứng vật tư, giống, phân bón có chất lượng cho thành viên, hình thành các tổ sản xuất tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao cho thành viên như việc liên doanh, liên kết trong tiêu thụ nông sản, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông dân.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm và các yếu tố môi trường, trong những năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã triển khai đồng bộ các giải pháp; trong đó, hướng dẫn, tuyên truyền, khuyến cáo nông dân hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học độc hại.
Mặt khác, Sở cũng đã vận động bà con tăng cường sử dụng thay thế bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thảo mộc; đồng thời, khuyến khích bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp nhằm giảm chi phí vật tư đầu vào, chủ động tưới tiêu, nhiệt độ, ánh sáng… để cây trồng có điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt nhất, hướng tới nền nông nghiệp xanh, an toàn sức khỏe.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương chia sẻ, để thay đổi thói quen sử dụng thuốc bảo vệ, phân bón vô cơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn bà con các địa phương chăm sóc, bổ sung chế độ dinh dưỡng trong từng giai đoạn sinh trưởng để cây trồng khỏe mạnh, kháng được các loại sâu bệnh. Nhờ đó, số lượng thuốc bảo vệ thực vật mà nông dân Hà Nội sử dụng những năm qua luôn đứng ở nhóm thấp nhất so các tỉnh, thành phố của cả nước.
Bên cạnh mặt tích cực do ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đem lại thì đã rõ rệt, nhưng không phải người nông dân nào cũng có thể áp dụng được. Bởi nền nông nghiệp của Hà Nội vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, như: khả năng cạnh tranh của các hộ sản xuất quy mô nhỏ, còn hạn chế; tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến đổi khí hậu.
Vì vậy, chiến lược hướng đến mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn xây dựng nông thôn mới; đồng thời xoay quanh ba trụ cột gồm nông nghiệp sinh thái; nông thôn hiện đại; nông dân thông minh.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng xác định yêu cầu chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, hướng tới những giá trị xanh được tạo nên từ chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh.
Theo Nhandan