Cơ cấu chuyển dịch tích cực theo mục tiêu Nghị quyết 39/NQ-TW đề ra; tỷ trọng công nghiệp-xây dựng chiếm 44%, dịch vụ 41%, nông nghiệp 16%. Công nghiệp phát triển nhanh, là động lực chính trong phát triển kinh tế của tỉnh. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, giá trị sản xuất tăng từ 30 triệu/ha lên 93 triệu đồng/ha. Xây dựng nông thôn mới đạt những thành tựu nổi bật; đến nay đã có gần 98% xã và 9/13 huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Thương mại, du lịch, dịch vụ từng bước phát huy tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 2 tỷ USD, gấp 52 lần năm 2004; nhập khẩu đạt 3 tỷ USD, gấp 123 lần. Giai đoạn 2019-2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh vươn lên đứng thứ 2 trong khu vực Bắc Trung Bộ (sau Thanh Hóa), chiếm gần 20% xuất khẩu và gần 30% nhập khẩu toàn khu vực.
Các thành phần kinh tế phát triển đúng định hướng; kinh tế tư nhân phát triển khá; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng cao và hiện đứng thứ 9 cả nước về thu hút FDI. Khu kinh tế Vũng Áng trở thành động lực phát triển của tỉnh, có gần 100 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 60.000 tỷ đồng, 60 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký gần 16 tỷ USD, giải quyết việc làm cho gần 20.000 lao động. Một số dự án đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh cũng như của khu vực Bắc Trung Bộ như Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa công suất giai đoạn 1 là 7,5 triệu tấn thép, tổng vốn đầu tư 12,7 tỷ USD; Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 công suất 1.200 MW, tổng mức đầu tư 1,25 tỷ USD…
Cùng với những kết quả đạt được trên lĩnh vực kinh tế, lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận; Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội bảo đảm, tạo tiền đề vững chắc để xây dựng Hà Tĩnh sớm trở thành tỉnh khá của cả nước.
Theo Nhandan