Đánh giá về những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Dự thảo Quy hoạch Điện VIII, Bộ Công Thương cho rằng: Theo quy định tại Luật Quy hoạch, Quy hoạch điện VIII phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch một số lĩnh vực khác. Tuy nhiên, khó khăn cho Ban soạn thảo là hiện nay, một số quy hoạch cấp quốc gia chưa được xây dựng như các quy hoạch: Tổng thể năng lượng quốc gia, không gian biển quốc gia, sử dụng đất quốc gia. Với đặc thù quy hoạch điện có liên quan tới nhiều lĩnh vực kinh tế – xã hội, nên quá trình xây dựng gặp nhiều khó khăn trong việc xác định bố trí không gian của chương trình phát triển điện lực.
Mặt khác, trong năm 2020 – 2021, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã làm chậm lại sự phát triển phụ tải trong 2 năm vừa qua. Quá trình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều biến động, phụ thuộc vào các vấn đề địa – chính trị phức tạp đang diễn ra trên thế giới, cũng như tốc độ phục hồi của nền kinh tế thế giới và khu vực. Do đó, việc dự báo sát diễn biến tăng trưởng phụ tải trong thời gian tới cũng đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan tư vấn Đề án – Viện Năng lượng và Bộ Công Thương trong chỉ đạo soạn thảo.
Cũng theo Bộ Công Thương, việc tiếp tục phát triển các dự án điện than (có/chưa có chủ đầu tư) đã được phê duyệt tại Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) đã thực hiện nhiều thủ tục chuẩn bị đầu tư, nhưng chưa khởi công cũng đang gặp rất nhiều sức ép phải xem xét tới tính khả thi phát triển. Mặc dù có một số dự án đã bố trí được nguồn vốn, nhưng còn hàng chục dự án đang loay hoay, chưa thu xếp được vốn, bởi hiện nay, nhiều nước đã cam kết không phát triển các dự án nhiệt điện than mới, các ngân hàng nước ngoài không chấp nhận cấp vốn cho các dự án điện than phát triển mới, các ngân hàng trong nước có khả năng hạn hẹp. Trong khi đó, nguồn điện than dự kiến tiếp tục đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh cung cấp điện trong thời gian tới. Do vậy, trong quá trình xây dựng Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đã tổ chức các buổi hội thảo giữa kỳ để tham vấn ý kiến các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế về các nội dung của đề án.
Trên cơ sở dữ liệu hiện có, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương xem xét đưa vào tính toán với mục tiêu khai thác tối đa các nguồn điện do các địa phương đề xuất, nhằm bổ sung phát triển các nguồn điện mới, đảm bảo an ninh cung cấp điện và cân đối nguồn – phụ tải tối đa theo vùng, miền.
Đối với việc phát triển các dự án điện than, Bộ Công Thương đã phân tích, đánh giá toàn diện về các dự án đã được bổ sung quy hoạch, tính khả thi phát triển trong thời gian tới, xem xét việc phát triển các nguồn điện than phù hợp với lộ trình phát triển xanh, sạch của hệ thống điện. So với Quy hoạch Điện VII Điều chỉnh, tổng công suất nguồn điện than trong dự thảo Quy hoạch điện VIII đã giảm tới 15.000 MW, chuyển sang các loại nguồn điện khí và năng lượng tái tạo.
Như chúng ta đã thấy, trước khi Hội đồng thẩm định thông qua dự thảo Đề án Quy hoạch điện VIII để trình Thủ tướng Chính phủ, trên công luận đề cập rất nhiều đến Dự thảo Quy hoạch điện lần này, với nhiều góc độ khác nhau, nhưng cùng chung một chủ đề, nội dung như: Quy hoạch “lộ” nhiều bất cập, “bước lùi” đầu tư năng lượng, “vẽ đường” cho năng lượng “bẩn” và “thất bại”… Đồng thời cho rằng, nội dung của bản Dự thảo này không đồng nhất với tinh thần Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam: Các ý kiến này là chưa phù hợp do thiếu phân tích cụ thể, rõ ràng, nhìn nhận phiến diện theo kiểu phong trào, lấy định hướng của các nước phát triển để áp dụng vào bối cảnh Việt Nam. Trên thực tế, Quy hoạch điện VIII vẫn kiên định với con đường phát triển năng lượng tái tạo một cách phù hợp theo định hướng của Đảng và Chính phủ, tránh bị những bất cập của phát triển “quá nóng” năng lượng tái tạo vừa qua cản trở, gây bất ổn trong vận hành hệ thống và thiệt hại cho các nhà đầu tư, khi không thể phát điện theo khả năng công suất nhà máy.
Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, cơ cấu công suất nguồn điện có tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo (bao gồm thủy điện, điện mặt trời, điện gió, sinh khối, điện từ rác thải…) lên tới 43,9% vào năm 2030 và 51,1% vào năm 2045; tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo năm 2030 đạt tới 31,5%, năm 2045 tới trên 36,3%, trong đó điện mặt trời và điện gió có tỷ lệ lần lượt là 11% vào 2030 và 27,2% vào 2045. (Trong Quy hoạch điện VII Điều chỉnh, tỷ lệ điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo chỉ đạt tới 23% vào năm 2030).
“Để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo bền vững, không chỉ quan tâm đến số lượng công suất được đưa vào hệ thống, mà đã có sự hài hòa giữa 2 loại nguồn “chạy nền” và nguồn năng lượng tái tạo “biến động”, nhằm đảm bảo hiệu quả, lợi ích thực sự của các chủ đầu tư” – chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam nhấn mạnh.
Theo Tạp chí Năng lượng Việt Nam