Hiện nay, xã Quảng Chu (Chợ Mới) đang là địa phương có hoạt động sản xuất công nghiệp sôi động. Hàng trăm héc-ta đất được giao và quy hoạch cho công nghiệp, hiện hàng chục nhà đầu tư chế biến gỗ và đầu tư chăn nuôi đang hoạt động, giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Đến Quảng Chu những ngày đầu tháng ba, chúng tôi chứng kiến khí thế lao động sản xuất của các nhà đầu tư, người lao động ở đây thật tấp nập. Đưa phóng viên đi giới thiệu về tiềm năng phát triển công nghiệp của địa phương, anh Lục Văn Cường- Chủ tịch UBND xã vui vẻ cho biết: Hiện Quảng Chu đang có 10 nhà đầu tư, trong đó có 06 hợp tác xã (HTX), 03 công ty và 01 hộ kinh doanh. Tất cả đều đầu tư vào công nghiệp chế biến gỗ. Hiện nay các nhà máy tạo việc làm cho gần 500 lao động, trong đó có 330 người là lao động địa phương.
Công nghiệp chế biến gỗ đã tạo việc làm cho nhiều độ tuổi, nhiều gia đình, nhất là công việc phơi gỗ bóc. Bà con có thể mang về gia đình để phơi, sau khi gỗ khô sẽ giao lại cho nhà máy. Hơn một năm nay, từ khi các nhà máy đi vào hoạt động, nhiều dịch vụ được mở ra như nhà trọ, dịch vụ ăn uống, cửa hàng tạp hóa,… Không những thế, số tiền lương mà người lao động đang được trả hằng tháng được sử dụng quay vòng, tạo việc làm cho nhiều dịch vụ đi kèm. Ngay tại thôn Đèo Vai, trên diện tích khoảng hơn chục héc-ta có 05 nhà máy chế biến gỗ đang hoạt động. Hầu hết người dân trong thôn được các nhà máy tạo việc làm ổn định, tư duy cũng như đời sống người dân
Quy trình sản xuất ở đây được liên kết rất khoa học, chặt chẽ. Nhà đầu tư thu mua gỗ tròn rồi phân phối cho những nhà máy chuyên chế biến ra gỗ bóc và đem phơi, sản phẩm phục vụ nguyên liệu sản xuất cho các nhà máy làm ván ép xuất khẩu. Giám đốc HTX An Hoà Phát, ông Phạm Tiến Long cho biết: Nhu cầu quỹ đất để xây dựng nhà máy của chúng tôi khoảng 1 – 2 héc-ta, tổng mức đầu tư khoảng 10 – 30 tỷ đồng/HTX. Sau hai năm mua đất, làm các thủ tục chuyển đổi và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đến nay các nhà máy đã đi vào hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 30 – 40 người lao động/nhà máy. Lương người lao động bình quân từ 6 – 10 triệu đồng/người/tháng.
Chia sẻ về việc tiếp tục mời gọi đầu tư, lãnh đạo xã khẳng định, cấp ủy và chính quyền cam kết làm tốt nhất các thủ tục giúp nhà đầu tư. Lợi thế của xã là thuận lợi về hạ tầng, đặc biệt là giao thông và quỹ đất, có tuyến QL3 Hà Nội – Cao Bằng đi qua trung tâm xã. Nhiều diện tích đất khá bằng phẳng, việc tạo mặt bằng rất thuận lợi. Hiện nay tỉnh quy hoạch cụm công nghiệp Quảng Chu với quy mô gần 100ha. Dự án nằm dọc theo QL3 qua trung tâm xã. Quỹ đất có thể đáp ứng cho nhiều nhà đầu tư lớn…
Bắc Kạn chuẩn bị khởi công đoạn cao tốc Chợ Mới đi thành phố Bắc Kạn. Hai tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng cũng đã đề xuất Chính phủ cho phép xây dựng tuyến đường tốc độ cao nối hai tỉnh với chiều dài khoảng 90km. Nếu như được đầu tư hoàn chỉnh thì phát triển công nghiệp tại xã Quảng Chu nói riêng và huyện Chợ Mới nói chung là rất thuận lợi. Giao thông tuyến QL3 được đầu tư hoàn chỉnh thì thời gian đi từ Hà Nội đến Cao Bằng được rút ngắn đáng kể.
Thuận lợi về giao thông các nhà đầu tư có thể nhập thêm nguyên liệu thô từ Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ… Việc xuất khẩu sản phẩm đi Trung Quốc bằng đường bộ, xuất khẩu đi các nước khác qua cảng Đa Phúc (Hà Nội)… cũng sẽ góp phần tăng thêm tính hấp dẫn để địa phương thu hút doanh nghiệp tới đầu tư trong thời gian tới.
Theo Báo Bắc Kạn