hiều doanh nghiệp được gia hạn thuế và tiền thuê đất với tổng số tiền gia hạn 60,76 tỷ đồng
Thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã thực hiện một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động để giải quyết khó khăn. Tuy nhiên, để có thể hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh và đứng vững trong bối cảnh dịch bệnh, cần có thêm những chính sách hữu hiệu hơn.
Kịp thời tiếp sức người lao động, chủ doanh nghiệp
Kết thúc thời gian triển khai Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021, vào ngày 31/7 vừa qua, ngành Thuế tỉnh Quảng Bình đã tiếp nhận, xử lý cho gần 700 hồ sơ của doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Tổng số tiền gia hạn thuế (gồm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, thuế thu nhập cá nhân của hộ kinh doanh) gần 130 tỷ đồng.
Ngành Thuế cũng tiếp tục triển khai Nghị Quyết 94/2019/QH14 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước. Kết quả, đã khoanh nợ cho hơn 4.265 người với số tiền thuế hơn 73 tỷ đồng; xóa nợ cho hơn 4.700 người với số tiền thuế hơn 40 tỷ đồng.
Về hỗ trợ cho người lao động, tổng kinh phí để thực hiện theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 và Kế hoạch số 1273/KH-UBND ngày 19/7/2021 của UBND tỉnh là hơn 37 tỷ đồng.
Cụ thể, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt hỗ trợ 637 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động với số tiền trên 2,7 tỷ đồng; 112 hộ kinh doanh với số tiền 336 triệu đồng; 44 hướng dẫn viên du lịch, với số tiền trên 163 triệu đồng. Đáng chú ý, toàn tỉnh có 15.330 lao động tự do được nhận hỗ trợ mức 1,5 triệu đồng/người… với tổng số kinh phí trên 22 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đã được Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện giải ngân cho 28 doanh nghiệp, với số tiền hơn 4,2 tỷ đồng cho gần 1.200 lượt người lao động.
Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã điều chỉnh giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho hơn 3.041 đơn vị, với 36.023 người, số tiền được giảm hơn 7,3 tỷ đồng; tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất cho 79 đơn vị với số tiền 617 triệu đồng. Cùng đó, Liên đoàn Lao động tỉnh đang xây dựng kế hoạch hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị tác động trực tiếp bởi Covid-19.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ
Hiện có 5 nhóm vấn đề doanh nghiệp đang kiến nghị tỉnh giải quyết, liên quan đến hỗ trợ tiêm vắc-xin cho người lao động; hỗ trợ tài chính; hỗ trợ người lao động; bảo đảm chuỗi cung ứng, vận tải; phục hồi sản xuất.
Qua tìm hiểu từ các doanh nghiệp, hội, hiệp hội doanh nghiệp, tới thời điểm này, cơ bản doanh nghiệp yên tâm hơn về tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19. Các chính sách hỗ trợ người lao động nêu trên cũng góp phần giảm khó khăn cho đơn vị sử dụng lao động do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn mong muốn có những chính sách hỗ trợ hữu hiệu hơn nữa, liên quan trực tiếp đến tài chính của doanh nghiệp.
Hội Doanh nghiệp Quảng Bình cho biết, các hội viên của hiệp hội mong muốn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có yêu cầu về giảm lãi suất cho các khoản vay cũ cũng như các khoản vay mới với một con số nhất định và đồng nhất; không để biên độ hoặc phân loại khách hàng dễ dẫn đến cơ chế không rõ ràng, khó kiểm soát, làm khó doanh nghiệp.
Hầu hết các hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp đều quan tâm đến vấn đề tài chính – ngân hàng, trong đó kiến nghị nhiều nhất liên quan đến các ngân hàng thương mại là giảm lãi suất cho vay, kế tiếp là có gói vay mới với lãi suất tốt và áp dụng đồng bộ.
Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 cũng mới chỉ hỗ trợ giãn nợ thuế.
Trong khi đó, doanh nghiệp mong muốn giảm trực tiếp các khoản thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân, tiền thuê đất, thuê mặt bằng… Một số doanh nghiệp cho rằng, gia hạn tạm thời nhưng rồi doanh nghiệp cũng phải nộp, song chưa chắc tới thời điểm năm 2022 đã có thể xoay vòng nguồn vốn. Vì vậy, dù giảm nhiều hay giảm ít thì doanh nghiệp vẫn mong muốn được giảm trực tiếp hơn là gia hạn.
Hội nghị trực tuyến tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngày 22/9/2021 tại điểm cầu trung tâm
Những biện pháp này không chỉ giúp các doanh nghiệp và người lao động thoát khỏi nguy cơ phá sản, mất việc, mà còn tạo động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của địa phương hồi phục.Ông Đậu Tiến Dũng – Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Quảng Bình cho rằng: Bên cạnh các chính sách tài khóa, các doanh nghiệp cũng mong muốn tiếp tục được địa phương tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng phương án tái sản xuất, kinh doanh trong tình hình bình thường mới; có chính sách hỗ trợ đầu ra, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, đặc biệt là các ngành hàng xuất khẩu.
Trước những kiến nghị của doanh nghiệp, UBND tỉnh đã tổng hợp và đề xuất Trung ương các chính sách về giảm tiền đóng bảo hiểm xã hội, các loại phí Công đoàn, giảm giá điện, nước… Về phía địa phương, dự kiến sẽ có các chính sách về vay vốn lưu động và tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tiếp cận vay vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển…
Ngày 22/9, tại Hội nghị trực tuyến tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, UBND tỉnh Quảng Bình đã đề cập đến kế hoạch phục hồi kinh tế trên địa bàn trong thời gian tới và xem xét hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khắc phục khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Theo Báo Xây dựng