Phú Thọ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư

                         Khu công nghiệp Phú Hà được đầu tư đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư.

Trong những năm qua, tỉnh Phú Thọ tập trung các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, qua đó giúp địa phương trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư ở khu vực trung du và miền núi phía bắc, góp phần hiện thực hóa mục tiêu trở thành “điểm đến hấp dẫn” của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, trong những năm qua, tỉnh Phú Thọ xác định cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh là khâu đột phá phát triển trong nhiệm kỳ 2020-2025; nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm, liên tục của tỉnh. Với sự đổi mới trong tư duy lãnh đạo, chỉ đạo cùng việc triển khai đồng bộ các giải pháp, Phú Thọ đã trở thành một trong những địa phương đi đầu vùng trung du miền núi phía bắc trong thu hút đầu tư.

Xóa “điểm nghẽn” thu hút đầu tư

Nằm ở vị trí trung tâm của khu vực miền núi, trung du phía bắc, Phú Thọ là cửa ngõ Thủ đô Hà Nội, gần sân bay Nội Bài và có hệ thống giao thông khá thuận tiện, gồm tuyến đường sắt Hải Phòng-Hà Nội-Lào Cai; đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai nối liền Phú Thọ với hành lang kinh tế Hà Nội-Hải Phòng-Côn Minh, thuận lợi để trung chuyển hàng hóa trong khu vực và quốc tế. Trên địa bàn tỉnh còn có nguồn tài nguyên khoáng sản khá đa dạng, trong đó một số loại có thể khai thác quy mô công nghiệp như đá nguyên liệu sản xuất xi-măng, sắt, cao lanh, fenspat, đất sét, nước khoáng nóng…

Là địa phương có tiềm năng, lợi thế trong thu hút đầu tư, nhưng những năm trước đây, Phú Thọ vẫn là địa phương có nền kinh tế chậm phát triển của cả nước, thu hút đầu tư chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế vốn có, công nghiệp phát triển manh mún, nhỏ lẻ, thủ tục hành chính còn gây phiền hà cho nhà đầu tư. Cùng với đó, mạng lưới giao thông chưa đồng bộ, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, nguồn nhân lực chưa phát triển, công tác giải phóng mặt bằng hạn chế… là những “điểm nghẽn” dẫn đến việc thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn.

Để xóa “điểm nghẽn”, trong những năm gần đây, tỉnh có nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư. Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban; thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư do Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban. Đồng thời, triển khai hiệu quả Nghị quyết số 61-NQ/TU ngày 13/10/2021 của Tỉnh ủy, trong đó, tập trung triển khai hiệu quả năm nhóm mục tiêu và tám giải pháp mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính và bồi thường giải phóng mặt bằng nhằm tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, thân thiện để thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ Trịnh Thế Truyền cho biết, trong thời gian qua, tỉnh có nhiều chính sách quan trọng trong thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, tập trung xây dựng, hoàn thiện, triển khai quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn năm 2050; các quy hoạch vùng, ngành; bổ sung cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội, phát huy lợi thế so sánh địa phương; quy hoạch khu công nghiệp-cụm công nghiệp. Rà soát, đổi mới quy trình, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai, xây dựng…; tháo gỡ “điểm nghẽn” trong giải phóng mặt bằng gắn với tạo quỹ đất sạch; chú trọng công tác thẩm định các dự án bảo đảm theo quy định, phát huy hiệu quả kinh tế, xã hội và không gây ô nhiễm môi trường; tăng cường đối thoại với doanh nghiệp; nắm bắt nhu cầu nhà đầu tư để hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn… Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách hành chính công, trong đó tập trung triển khai chính quyền điện tử và phát triển kinh tế số; thực hiện cơ chế một cửa, một đầu mối.

Tỉnh chủ động tiếp cận các nhà đầu tư chiến lược và tận dụng làn sóng dịch chuyển đầu tư nước ngoài để thu hút vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, có giá trị cao. Đồng thời, rà soát, bãi bỏ một số thủ tục hành chính liên quan không cần thiết, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư; nâng cao năng lực cạnh tranh, các chỉ số PAR index, SIPAS, PAPI… Nhờ đó mà chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của Phú Thọ năm 2021 đứng 20/63 tỉnh, thành phố; chất lượng cơ sở hạ tầng đứng thứ 6/63; môi trường đầu tư kinh doanh và chỉ số năng động của chính quyền đứng thứ 2 cả nước; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) tăng 32 bậc (xếp thứ 6/63); chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) tăng xếp thứ 9/63.

Từ những chính sách phù hợp, trong 5 năm qua, Phú Thọ thu hút thêm 700 dự án đầu tư trực tiếp với tổng vốn đăng ký 48.000 tỷ đồng (bằng 3,6 lần số dự án và 2,4 lần vốn so giai đoạn 2011-2015); 3.600 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 21.000 tỷ đồng, đưa toàn tỉnh có 8.700 doanh nghiệp, đứng thứ hai trong các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ… Trong đó, có nhiều nhà đầu tư lớn nước ngoài của Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, EU và các nhà đầu tư lớn trong nước như Tập đoàn T&T, Tập đoàn FLC, Tập đoàn Sông Hồng Thủ đô… đã đầu tư nhiều dự án trọng điểm với số vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.

Phú Thọ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư -0
Gia công linh kiện xe máy cho Công ty Honda Việt Nam tại Công ty TNHH Cosmo (Khu công nghiệp Thụy Vân).

Điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư

Tỉnh Phú Thọ đã xây dựng và quy hoạch bảy khu công nghiệp (KCN) với diện tích hơn 2.366ha, 26 cụm công nghiệp diện tích hơn 1.120ha. Đến nay, có 4/7 KCN đã triển khai theo quy hoạch được duyệt, tỷ lệ lấp đầy các KCN, cụm công nghiệp đạt hơn 60%; trong đó KCN Thụy Vân 335ha (mở rộng 29ha), KCN Trung Hà 80/200ha; KCN Cẩm Khê 100/450ha; KCN Phú Hà 356/450ha. Trong năm 2022, tỉnh đầu tư xây dựng thêm hai KCN tại huyện Hạ Hòa và Tam Nông, có vị trí giao thông thuận lợi, nằm trên tuyến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai; hoàn thiện hạ tầng và đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng sạch khoảng 300ha tại KCN Phú Hà và Cẩm Khê. Đồng thời, rà soát lại 21 cụm công nghiệp, trong đó, trọng tâm đầu tư vào các cụm công nghiệp như Bãi Ba, Vạn Xuân, Thanh Minh, Bắc Lâm Thao… sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Niên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Sông Hồng Thủ đô, chủ đầu tư một số dự án về đô thị, thương mại trên địa bàn tỉnh cho biết: “Phú Thọ đã có nhiều đổi mới trong thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh. Đặc biệt, trong quá trình từ làm thủ tục cấp phép đầu tư đến thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng và khởi công dự án, chúng tôi rất yên tâm, phấn khởi khi nhận được sự quan tâm, song hành của chính quyền tỉnh Phú Thọ. Tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp đã thể hiện rất rõ nét trong các quyết sách, hành động của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, chính quyền các cấp và người dân trong những năm gần đây. Chúng tôi rất yên tâm khi được chấp thuận đầu tư tại tỉnh Phú Thọ”.

Ông Yun Byung Gwan, Giám đốc Công ty TNHH Almus Vina cho biết, Công ty là doanh nghiệp 100% FDI của Hàn Quốc chuyên sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu. Qua tìm hiểu thấy KCN Phú Hà, thị xã Phú Thọ có cơ sở hạ tầng, giao thông thuận tiện, nguồn nhân lực dồi dào, bảo đảm tốt các nhu cầu cần thiết để doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm hoạt động sản xuất. Ngoài ra, kết cấu hạ tầng của tỉnh ngày càng được đầu tư đồng bộ, hiện đại nhất là hệ thống giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, rất thuận tiện để đầu tư vào Phú Thọ.

Năm 2022 được Phú Thọ xác định là năm khởi công và triển khai các dự án trọng điểm, phấn đấu đến năm 2025, Phú Thọ trở thành tỉnh phát triển hàng đầu vùng trung du và miền núi phía bắc, đặt mức tăng trưởng GRDP hơn 7,5%/năm; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm hơn 82% trong cơ cấu kinh tế; kim ngạch xuất khẩu hơn 3,8 tỷ USD; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 190.000 tỷ đồng/5 năm; thu ngân sách năm 2025 hơn 10.000 tỷ đồng,…

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định sáu nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung thực hiện tốt khâu đột phá về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, phát triển nguồn nhân lực và cải cách hành chính. Do vậy, trong thời gian qua, tỉnh Phú Thọ tập trung đầu tư hạ tầng các KCN trọng điểm Phú Hà, Trung Hà, Cẩm Khê và các KCN mới Tam Nông, Hạ Hòa, Phù Ninh; các tuyến giao thông tạo sự liên kết giữa các KCN, cụm công nghiệp, vùng sản xuất với các tuyến giao thông quốc gia như cầu Vĩnh Phú, đường Âu Cơ, đường cao tốc Phú Thọ-Tuyên Quang…; triển khai các dự án dịch vụ, du lịch, nghỉ dưỡng tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì, hai huyện Thanh Thủy, Hạ Hòa và Vườn quốc gia Xuân Sơn…

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính về đầu tư, đất đai, xây dựng…. Đặc biệt, với các dự án trọng điểm sẽ phát huy vai trò Tổ công tác chỉ đạo giải quyết trình tự, thủ tục các dự án trọng điểm với cơ chế xử lý nhanh và trực tiếp để giải quyết dứt điểm các vướng mắc phát sinh; phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp trong việc tuyên truyền, vận động hội viên chung tay thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh; lựa chọn các cán bộ, công chức có năng lực, phẩm chất, uy tín để bố trí, giao nhiệm vụ ở các khâu, lĩnh vực liên quan việc giải quyết thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư, quản lý dự án, bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đồng thời, tỉnh ưu tiên các dự án đầu tư trung tâm logistics khu vực Tây Bắc, tận dụng thời cơ từ các hiệp định thương mại tự do EVFTA, CPTPP…, để mở rộng thị trường mới; thu hút các dự án phát triển dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, kết hợp với du lịch tâm linh, đầu tư sân gôn, nâng cao giá trị gia tăng của các tuyến, điểm du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, di tích lịch sử; quan tâm, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong nước mở rộng đầu tư kinh doanh, đồng thời vận động thu hút mạnh mẽ các tập đoàn kinh tế lớn có năng lực tài chính và công nghệ hiện đại, kinh nghiệm quản lý về đầu tư… góp phần đưa Phú Thọ phát triển toàn diện trong thời gian tới.

Theo Nhandan

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo