Đà Nẵng hướng đến xây dựng nền nông nghiệp đô thị hiện đại nhằm tăng thu nhập cho nông dân – Ảnh: VGP/Minh Trang
UBND TP. Đà Nẵng vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn Thành phố.
Theo đó, Đà Năng đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2030 đạt bình quân từ 3,0 – 3,5%/năm. Trong đó, nông nghiệp đạt từ 1- 2%/năm; thủy sản đạt từ 3- 4%; lâm nghiệp đạt từ 4- 5%/năm. Tốc độ tăng năng suất lao động thủy sản, nông lâm đạt bình quân từ 5,5 – 6,0%/năm.
Tiếp tục tập trung chương trình xây dựng nông thôn mới toàn diện gắn với đô thị hóa, phấn đấu đến năm 2025 có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có ít nhất 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu và huyện Hòa Vang được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Phấn đấu thu nhập bình quân dân cư nông thôn đến năm 2030 cao gấp 3 lần so với năm 2020. Tỉ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân 1,5%/năm. Tỉ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%. Phát triển nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính. Diện tích trồng lúa hữu cơ đạt trên 1.000 ha, hình thành các mô hình điểm về nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, tuần hoàn, nông nghiệp thông minh.
Triển khai thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn Thành phố. Giai đoạn 2021 – 2030 phấn đấu trồng 700 ha rừng phòng hộ, đặc dụng và 6.500 ha rừng trồng tập trung tạo vùng nguyên liệu, diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững đạt 1.000 ha, đảm bảo tỉ lệ che phủ rừng đạt ổn định 47,0%.
Bên cạnh đó, hiện đại hóa nghề cá, phát triển ngành thủy sản Đà Nẵng trờ thành ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế thủy sản, nông lâm và kinh tế biển Thành phố. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng bình quân 9,0-10%/năm.
Để thực hiện mục tiêu trên, nhiệm vụ chính đặt ra là đẩy mạnh tuyên truyền, đổi mới tư duy, nhận thức và hoàn thiện thể chế, chính sách, quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn; hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả; đổi mới, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, thúc đẩy hợp tác liên kết, phát triển chuỗi giá trị, các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiệu quả kinh tế cao; đổi mới cơ cấu đầu tư công, thu hút nguồn lực phát triển nông nghiệp, nông thôn và đầu tư, hoàn thiện hạ tầng phục vụ nông nghiệp tích hợp đa giá trị, phát triển nông thôn hiện đại, bền vững…
Theo Chinhphu.vn