Là địa phương có dân số lớn hơn 10 triệu người, ước tính mỗi tháng nhu cầu tiêu dùng nông sản của Hà Nội vào khoảng 92.970 tấn gạo; 5.230 tấn thịt bò; 6.198 tấn thịt gà, vịt; 84.100 tấn rau củ… Với năng lực hiện tại, Hà Nội đáp ứng được 58% nhu cầu về thịt, 70% cá các loại, 90% trứng gia cầm, 65% rau củ tươi… Số còn lại là do các tỉnh, thành phố khác cung cấp cho Hà Nội.
Theo TS. Lê Thành Ý, Hội Khoa học Phát triển nông thôn Việt Nam, nhiệm vụ đặt ra với nông nghiệp Thủ đô còn rất nặng nề. Sau ngày mở rộng, với diện tích đất nông, lâm, thủy sản lên hơn 188.601 ha, Hà Nội là địa phương có tiềm năng sản xuất nông nghiệp lớn nhất so với các tỉnh ở Vùng đồng bằng sông Hồng.
Lãnh đạo Thủ đô và các huyện, thị xã đã ban hành và thực thi nhiều cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Sự quan tâm của cả hệ thống chính trị cho phát triển nông nghiệp nông thôn đã được thể hiện rõ nét trong các chủ trương và giải pháp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp, xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm nhằm phục vụ nhu cầu nội tiêu và xuất khẩu. Trong 5 năm qua, ngành nông nghiệp Thủ đô đã thúc đẩy liên kết với 21 tỉnh, thành phố cung cấp chuỗi rau, thịt an toàn cho Hà Nội. Đến nay, Hà Nội và các địa phương khác đã phát triển được 766 chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm.
Trong các mô hình sản xuất tiêu biểu trên địa bàn Thành phố, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với thực tế mang lại hiệu quả thiết thực, đã khẳng định vị thế quan trọng trong điều kiện Thủ đô. Đến nay, trên địa bàn Thành phố đã triển khai khoảng 160 mô hình nông nghiệp công nghệ cao trong các trang trại sản xuất nông nghiệp, giống, hoa quả và trong nuôi trồng thuỷ sản. Theo đó, mô hình khép kín từ sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm đã được thực hiện ở nhiều trang trại và trong các nông hộ.
Những mô hình liên kết thâm canh lúa bằng công nghệ tiên tiến, đồng bộ từ sản xuất giống, gieo cấy, phòng trừ sâu bệnh đến thu hoạch làm khô lúa tươi bằng máy trên diện tích hàng nghìn ha, được các doanh nghiệp trực tiếp bao tiêu đã thực hiện tại các huyện Chương Mỹ, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hoà…..Mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ cao với hệ thống tạo dòng chảy sục khí trong sông, ao để nuôi cá mật độ cao, năng suất, giá trị và lợi nhuận lớn đã xuất hiện ở nhiều xã thuộc huyện Chương Mỹ, Ứng Hoà…
Hà Nội là nơi hội tụ đầy đủ điều kiện kinh tế-xã hội để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ở đây có nhiều viện nghiên cứu đầu ngành, các chuyên gia kinh tế và nông nghiệp hàng đầu, các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư. Ngoài ra, còn tập trung đông đảo tổ chức tài chính, ngân hàng mạnh và các tổ chức quốc tế, Mặc dù điều kiện khách quan thuận lợi, song tỉ lệ ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp Thủ đô đang còn hạn chế, chưa khai thác hết thế mạnh.
Theo TS. Lê Như Ý, Hà Nội cần dựa vào bản chất của khoa học và công nghệ nông nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trên cơ sở đó có những gợi suy về phát triển nông nghiệp đô thị của Thành phố. Công nghệ trong các phân ngành cần được phát triển theo hướng ứng dụng những công nghệ tiên tiến.
Trong lĩnh vực bảo vệ thực vật và chế biến nông sản, công nghệ hiện đại cần được sử dụng trong dự báo, phòng trừ dịch hại, kiểm dịch thực vật và bảo quản nông sản tập trung; ưu tiên chuyển giao công nghệ và thiết bị sơ chế, chế biến sâu nông sản hàng hóa chủ lực kể cả công nghệ và thiết bị bảo quản thủy sản.
Đối với công nghệ viễn thám, tin học và viễn thông cần dành ưu tiên cho nghiên cứu ứng dụng trong điều tra, kiểm kê rừng, giám sát suy thoái phá rừng, phòng, chống cháy rừng và cảnh báo thiên tai; nghiên cứu ứng dụng công nghệ GIS và viễn thám trong quản lý các loại cây trồng nông nghiệp; cảnh báo, dự báo và giám sát sâu bệnh hại; vận hành hệ thống thủy lợi giám sát và cảnh báo lũ phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.
Về công nghệ sinh học, cần nghiên cứu ứng dụng và làm chủ được công nghệ chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản chủ lực có khả năng kháng bệnh, chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu; sản xuất vaccine thế hệ mới phục vụ chăn nuôi…. Đi theo hướng này, cần xây dựng và thực hiện các đề án chuyên ngành về phát triển công nghệ sinh học nông nghiệp đến năm 2030.
Trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ cao cần lưu ý nghiên cứu phát triển và ứng dụng vào sản xuất sản phẩm chủ lực; ứng dụng công nghệ để tạo ra và nhân nhanh giống mới; phát triển cây, con giống có chất lượng cao… Trong đánh bắt thủy sản cần phát triển công nghệ tiên tiến theo hướng hiệu quả gắn với bảo vệ bền vững nguồn lợi.
Theo những dịnh hướng phát triển công nghệ phân ngành và từng lĩnh vực, nông nghiệp Thủ đô cần mở rộng hoạt động nghiên cứu nhằm tạo ra các loại vật tư và máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, sau thu hoạch và chế biến bảo quản. Cùng với những hoạt động này, phải coi trọng việc nhập khẩu công nghệ và thiết bị trong nước chưa làm được trên cơ sở, nghiên cứu thử nghiệm, thích nghi và làm chủ được công nghệ nhập từ bên ngoài.
Theo nhiều phân tích có thể thấy, để giữ được tốc độ tăng trưởng như mong đợi cần hướng tới tăng trưởng dựa trên tăng năng suất lao động, đặc biệt là trong nông nghiệp. Muốn vậy, cần phải tận dụng mọi thời cơ để thúc đẩy khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo nông nghiệp. Vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo Chinhphu.vn