Các đại biểu tham gia trình bày tham luận tại buổi tọa đàm. (Ảnh: BTC)
Ngày 24/8, dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tạp chí Điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) phối hợp cùng Meyland tổ chức Tọa đàm và Giao lưu trực tuyến: “Bất động sản cao cấp đô thị Phú Quốc: Nhận diện dòng vốn và cơ hội đầu tư”.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu, chuyên gia đã trình bày tham luận, trả lời các câu hỏi của bạn đọc về các vấn đề: Tầm nhìn, cơ hội và thực tế của đầu tư thị trường bất động sản nhà ở đô thị Phú Quốc.
Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, quy mô và tốc độ phát triển của phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp Phú Quốc đã vượt các thị trường trọng điểm là Đà Nẵng và Khánh Hoà. Trong khi đó, phân khúc bất động sản nhà ở và khu đô thị cao cấp lại chiếm tỷ trọng quá thấp, chưa đủ để tạo nền tảng cơ sở hạ tầng cạnh tranh cho Phú Quốc phát triển.
Cơ hội và tiềm năng của Phú Quốc
Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hà đánh giá: Phú Quốc có nhiều tiềm năng bất động sản, đặc biệt là bất động sản đô thị gắn với du lịch, nghỉ dưỡng. Thị trường bất động sản tại đây hấp dẫn hơn so với nhiều thành phố có biển khác với các ưu thế như: Tốc độ đô thị hóa cao, du lịch phát triển; thời tiết lý tưởng (không phải chịu ảnh hưởng từ các cơn bão), sở hữu nhiều bãi biển đẹp khi không bị giới hạn bởi một mặt giáp biển như các thành phố khác.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, mặc dù 2 năm qua Phú Quốc bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song có một ghi nhận lớn đó là vùng đất tiếp tục thu hút đầu tư, nhiều nhà đầu tư vẫn đánh giá cao thị trường này. Cùng với đó, Phú Quốc đã và đang nhận được quan tâm đặc biệt của Nhà nước, Chính phủ về cơ chế và chính sách.
“Hiện tại, Phú Quốc đang trong giai đoạn đầu của bất động sản và phát triển hạ tầng, các công trình dự án đô thị khách sạn, khu nghỉ dưỡng vẫn đang tiếp tục xây dựng, do đó, Phú Quốc luôn nằm trong danh sách hấp dẫn và thu hút các nhà đầu tư trên cả nước”, ông Đính nhận định.
TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam phát biểu.
Ở góc nhìn khác, PGS. TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cho biết, về du lịch, Phú Quốc đã làm rất tốt cho đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, về đô thị biển đảo thì vẫn lệch về chức năng. Tổng thể đô thị phải nâng tầm để ngày một đáng sống hơn. Có thể du lịch Phú Quốc là “hạt nhân” nhưng vẫn cần nhiều khu đô thị hiện đại, đa tiện ích để trở thành một thành phố có thể định cư lâu dài.
Bất động sản đô thị: “Cuộc đổi ngôi” trên thị trường Phú Quốc
Ghi nhận thực tế cho thấy, giới đầu tư đang tìm về Phú Quốc bởi thị trường này đang có sự chuyển mình bởi các dòng sản phẩm bất động sản mới. Trước giờ, “ngôi vương” bất động sản tại thị trường Phú Quốc vẫn chủ yếu là dòng sản phẩm nghỉ dưỡng du lịch.
Tuy nhiên, sau một thời gian phát triển, yếu tố pháp lý chưa bền vững và những rủi ro cam kết lợi nhuận khiến nhà đầu tư không còn quá mặn mà. Ngược lại, bất động sản tại các đại đô thị của của chủ đầu tư uy tín, giàu tiềm năng lại đang là “điểm đỏ” thu hút nhà đầu tư.
Nhận định về “cuộc đổi ngôi” này, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết, không chỉ riêng phân khúc nhà ở và khu đô thị mà tất cả các công trình xây dựng đều phụ thuộc vào tầm nhìn, quy hoạch của Phú Quốc.
“Nếu muốn có người đến sống thì phải phát triển không gian phóng khoáng hơn, sáng tạo hơn và có những điều kiện về nhà ở, giáo dục, y tế, giải trí… phù hợp. Tôi cho rằng, các nhà đầu tư cũng nên quan tâm đến xu hướng này để vừa kinh doanh hiệu quả, vừa góp phần định vị rõ ràng hơn chân dung thành phố Phú Quốc”, TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Là đơn vị phát triển dự án bất động sản đô thị tại Phú Quốc, ông Phạm Minh Đức, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Á Đại Thành chia sẻ: “Những khu đô thị hiện đại là xu hướng tất yếu với sự ra đời của một thành phố biển đảo như Phú Quốc, đặc biệt khi nền kinh tế phát triển, thu nhập của tầng lớp trung lưu gia tăng. Chưa kể, xu hướng sống của những người dân và khách du lịch là không gian sống tiện ích, vừa an toàn, vừa bảo đảm tiêu chuẩn sống xanh-sạch tại các khu đô thị cao cấp”.
Pháp lý rõ ràng: Yếu tố tiên quyết
Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam trả lời các câu hỏi pháp lý được bạn đọc gửi đến buổi tọa đàm.
Hiện nay, thị trường bất động sản đang nổi lên một số vấn đề nóng liên quan đến pháp lý dẫn đến nhiều vụ kiện tụng, tranh chấp kéo dài khiến khách hàng chính là người chịu thiệt lớn nhất. Đặc biệt, câu chuyện sở hữu lâu dài, có sổ hay không đang là nỗi ám ảnh với bất kỳ ai muốn sở hữu và đầu tư các dự án bất động sản.
Trong bối cảnh thật giả lẫn lộn, để tránh rủi ro trong quá trình mua bán, ngoài sự vào cuộc của pháp luật và các cơ quan chức năng, thì chính bản thân những nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu kỹ những điều kiện pháp lý của dự án.
Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết, về mặt kinh tế thì tất nhiên: Vị trí, xu thế, loại dự án, pháp lý…. là các yếu tố cần phải được quan tâm khi quyết định đầu tư. Trên thực tế, pháp lý của từng dự án là vấn đề vô cùng quan trọng và đều là mối quan tâm hàng đầu của chủ đầu tư và khách hàng. Theo số liệu mới nhất, 75% các vụ tranh chấp ra tòa là về đất đai, lĩnh vực hành chính cũng 65% trở lên là các vụ việc liên quan đến đất đai.
Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh: “Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (sổ đỏ, sổ hồng), là minh chứng rõ nét nhất về tính minh bạch và tính pháp lý đối với đất đai. Một dự án khi có sổ hồng quỹ đất tức là diện tích đất đó đã được nhà nước cấp phép sử dụng. Từ sổ hồng quỹ đất mới có thể phân chia ra nhiều lô đất khác nhau. Theo khảo sát, thị trường Phú Quốc đã và đang ghi nhận một số ít dự án đô thị có pháp lý sở hữu lâu dài”.
Theo Nhandan