Phát triển cụm công nghiệp – Hướng đi bền vững ở Yên Lạc (Vĩnh Phúc)

Phát huy lợi thế là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống, nguồn nhân lực dồi dào, những năm qua, huyện Yên Lạc đã đầu tư phát triển, mở rộng các cụm công nghiệp (CCN). Đến nay, Yên Lạc là một trong những địa phương dẫn đầu cả tỉnh về phát triển cụm công nghiệp, với 6 CCN; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của huyện.

Thu hút đầu tư vào CCN

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Yên Lạc nhiệm kỳ 2020-2025 xác định, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cần được ưu tiên hàng đầu, coi đây là hướng phát triển kinh tế – xã hội bền vững.

Với lợi thế có nhiều làng nghề truyền thống, giao thông thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào, những năm qua, huyện Yên Lạc đã quan tâm, dành nhiều nguồn lực cho phát triển CCN.

Huyện đã vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách thu hút các dự án đầu tư vào CCN, tạo môi trường đầu tư thuận lợi và phối hợp với các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.

Đồng thời, triển khai các chính sách ưu đãi tạo sức hấp dẫn để huy động nguồn lực đầu tư phát triển CCN, trong đó, chú trọng phát triển các ngành nghề truyền thống là thế mạnh của địa phương như chế biến gỗ, tơ nhựa, bông vải sợi; tái chế sắt, buôn bán máy móc, thiết bị, cơ khí…

Nhờ triển khai các giải pháp đồng bộ, đến nay, Yên Lạc đã thành lập được 6 CCN với diện tích gần 110 ha, trong đó, 3 CCN đã đi vào hoạt động là: CCN làng nghề Tề Lỗ, CCN làng nghề Yên Đồng, CCN thị trấn Yên Lạc thu hút hơn 530 hộ vào SXKD, tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100%; giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 2.000 lao động địa phương, với thu nhập ổn định.

Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Yên Lạc Dương Quang Dũng cho biết: Các CCN được quy hoạch, xây dựng đã khai thác được tiềm năng, lợi thế của từng vùng, địa phương; đáp ứng nhu cầu mở rộng SXKD của các doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ.

Năm 2021, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng các doanh nghiệp trong CCN vẫn nỗ lực duy trì, ổn định sản xuất. Giá trị công nghiệp – XDCB đạt hơn 6.738 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020.

Năm 2009, CCN làng nghề Yên Đồng được thành lập, đáp ứng nhu cầu thuê mặt bằng, mở rộng quy mô sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Hiện nay, CCN làng nghề Yên Đồng đã thu hút hơn 100 hộ vào SXKD ngành nghề tái chế nhựa và các dịch vụ phục vụ ngành tái chế; góp phần giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân hơn 5 triệu đồng/người/tháng, tỷ lệ lấp đầy đạt 100%.

Chiến lược dài hơi

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Sản xuất Khải Thành Dương Quang Thành (CCN làng nghề Yên Đồng) cho biết: Khi vào CCN, công ty có điều kiện mở rộng nhà xưởng, quy mô sản xuất, có cơ sở hạ tầng, đường giao thông thuận lợi, hệ thống xử lý nước thải được đầu tư đồng bộ, giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất.

Cùng với đó, những năm qua, UBND huyện và các ngành chức năng đã có nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trợ doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, nhất là cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo ANTT. Hiện nay, công ty đang tạo việc làm cho hơn 120 lao động, với thu nhập trung bình từ 8-10 triệu đồng/người/tháng.

Để phát triển các CCN theo hướng hiệu quả, bền vững, thời gian tới, huyện Yên Lạc chú trọng xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư vào các CCN; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư phát triển CCN; hoàn thiện, nâng cấp, mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng, phù hợp hệ thống cơ sở hạ tầng của tỉnh.

Với phương châm “luôn sát cánh, đồng hành cùng nhà đầu tư”, UBND huyện chỉ đạo các phòng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư phát triển CCN.

Với những chiến lược dài hơi, huyện đã xây dựng phương án Phát triển CCN trên địa bàn huyện đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phù hợp với chiến lược quy hoạch phát triển CN-TTCN của tỉnh, khu vực và quy hoạch các ngành nghề khác.

Bên cạnh việc hoàn thành, đưa vào sử dụng các CCN đã được quy hoạch, huyện tiến hành xây dựng và đưa vào hoạt động 3 CCN làng nghề mới: Đồng Văn 2, Tề Lỗ 2, Yên Phương trong những năm tới. Đồng thời, mở rộng CCN làng nghề Yên Đồng, CCN làng nghề Minh Phương với diện tích hơn 40 ha, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Theo Báo Vĩnh Phúc

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo