Ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Sản xuất nông nghiệp năm nay gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19, các chuỗi cung ứng, tiêu thụ một số nông sản chậm; giá vật tư nông nghiệp và thức ăn chăn nuôi tăng, trong khi giá lợn hơi, giá gia cầm giảm; dịch tả lợn châu Phi và bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò bùng phát… Tuy nhiên, với sự chỉ đạo xuyên suốt của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, nông nghiệp Lào Cai vẫn duy trì sản xuất ổn định, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, khẳng định “trụ đỡ” kinh tế của tỉnh. Đặc biệt, Lào Cai đã và đang tổ chức hiệu quả các dự án, kế hoạch thành phần thuộc Đề án số 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Việc sản xuất cây trồng chủ lực tiếp tục duy trì và phát triển. Toàn tỉnh đã trồng 536 ha cây dược liệu, trong đó Bắc Hà trồng 107 ha, Sa Pa trồng 200 ha, Bát Xát trồng 202 ha, Si Ma Cai trồng 27 ha. Diện tích chuối được mở rộng lên 3.875 ha, sản lượng thu hoạch cả năm dự kiến đạt 85.243 tấn và xuất khẩu ổn định. Trong niên vụ dứa 2020 – 2021, có khoảng 1.200 ha, sản lượng đạt trên 28.800 tấn, giá trị đạt gần 182 tỷ đồng. Diện tích chè tập trung đạt 6.850 ha, trong đó chè kinh doanh 5.115 ha và sản lượng thu hoạch đến nay đạt hơn 36.262 tấn, bằng 96,7% kế hoạch năm…Theo đánh giá của UBND tỉnh, nhiều chỉ tiêu quan trọng của ngành nông nghiệp đã đạt và vượt so với kế hoạch đề ra của năm, như tổng sản lượng lương thực có hạt, tổng đàn gia cầm, diện tích nuôi thủy sản… Nổi bật về lĩnh vực trồng trọt, các địa phương đã chỉ đạo, khuyến khích nông dân mở rộng diện tích, áp dụng quy trình sản xuất hiệu quả và bám sát nhu cầu thị trường. Tổng diện tích gieo cấy lúa ruộng cả năm đạt hơn 33.839 ha, bằng 101,3% so với kế hoạch, năng suất đạt trên 54 tạ/ha và sản lượng cả năm đạt 182.824 tấn, bằng 102,5% kế hoạch. Cây ngô gieo trồng cả năm đạt trên 36.634 ha, bằng 104,7% kế hoạch, năng suất đạt 42,15 tạ/ha và sản lượng cả năm đạt 154.405 tấn, bằng 101,8% kế hoạch. Diện tích cây vụ đông tập trung sản xuất tăng vụ trên đất ruộng và diện tích thông qua liên kết, phát triển các loại cây trồng có thị trường tiêu thụ ổn định và giá trị kinh tế cao như ngô ngọt, ngô nếp, rau, đậu các loại, hoa…
Chăn nuôi phát triển ổn định. Tổng đàn gia súc có 565.580 con, bằng 87,69% kế hoạch năm và đàn gia cầm có 5.610 nghìn con, bằng 123,3% kế hoạch năm. Diện tích mặt nước nuôi thủy sản (ao, hồ nhỏ) được người dân đưa vào sản xuất là 2.270 ha, bằng 103,89% kế hoạch năm và sản lượng thủy sản các loại đạt 7.938 tấn, bằng 78,99% kế hoạch năm; sản xuất và cung ứng giống thủy sản đạt 25 triệu con, đáp ứng trên 70% nhu cầu sản xuất của tỉnh…
Hiện nay, toàn tỉnh có 116 trang trại chăn nuôi đạt tiêu chí kinh tế trang trại (có giá trị sản xuất đạt từ 2 tỷ đồng/năm trở lên); 10 cơ sở chăn nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Bảo Thắng, huyện Bắc Hà; 2 chuỗi sản phẩm chăn nuôi khép kín từ sản xuất đến tiêu dùng. Trên địa bàn tỉnh còn có một số cơ sở, trang trại chăn nuôi khác đang chuyển đổi sang chăn nuôi theo hướng hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học…
Công tác nghiên cứu, khảo nghiệm giống được quan tâm, đã và đang góp phần tìm ra các chủng loại giống phù hợp để đưa vào sản xuất giống, tăng năng suất, sản lượng, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đồng thời, thông qua các mô hình khảo nghiệm, mức độ tương tác giữa cán bộ khuyến nông với nông dân cao hơn, qua đó tiến bộ khoa học – kỹ thuật sát với sản xuất của nông dân và giúp họ nắm vững kiến thức khoa học, công nghệ để sản xuất đạt hiệu quả cao hơn.
Nói về nỗ lực phát triển sản xuất nông nghiệp trong khó khăn, ông Vũ Kiều Hưng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng cho biết: Năm 2021, huyện chỉ đạo khai thác lợi thế của địa phương trong phát triển chăn nuôi gia súc (lợn), gia cầm, thủy sản, cây ăn quả, rau, màu. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng chè, cây ăn quả, rau, chăn nuôi và xây dựng chuỗi liên kết sản xuất bền vững. Do vậy, các chỉ tiêu quan trọng của ngành về diện tích, năng suất, giá trị canh tác đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.Đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương, thông qua Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh đầu tư cơ sở sơ chế, chú trọng xây dựng thương hiệu để có được những sản phẩm “gắn sao” OCOP, giúp nông sản dễ tiêu thụ ở thị trường ngoài tỉnh. Duy trì và hướng dẫn 73 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hệ thống minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc điện tử nông sản cho các cơ sở và các dòng sản phẩm nông sản an toàn, kết quả có 281 sản phẩm được gắn mã QR-Code. Triển khai hệ thống hỗ trợ xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh và đã có 118 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở tham gia tương tác, giới thiệu, quảng bá sản phẩm của đơn vị mình trên hệ thống, gồm 193 dòng sản phẩm…
Ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: Sản xuất nông nghiệp đang từng bước chuyển đổi theo hướng ứng dụng công nghệ cao; điều tiết mạnh kế hoạch sản xuất bằng hình thức rải vụ, chú trọng sản xuất theo hướng hữu cơ; tăng cường quảng bá, giới thiệu và tổ chức bán hàng trực tuyến trên các trang mạng xã hội; liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong sản xuất, tiêu thụ và đầu tư các dây chuyền sơ chế, chế biến nông sản. Để đạt mục tiêu phát triển, giá trị sản xuất nông – lâm – thủy sản của năm ở mức cao nhất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục chỉ đạo nông dân tranh thủ thời tiết thuận lợi triển khai sản xuất vụ đông theo kế hoạch, đẩy nhanh tiến độ làm đất trồng chè; tăng cường theo dõi tình hình sâu, bệnh hại trên cây trồng, đặc biệt là với cây vụ đông; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện giống, phân bón cho sản xuất vụ xuân năm 2022…
Theo Báo Lào Cai