Nhịp sống mới bên dòng Lam

Cầu Cửa Hội kết nối thị xã Cửa Lò, Nghệ An với các địa phương ven biển tỉnh Hà Tĩnh.

Nghệ Tĩnh – mảnh đất kiên cường, giàu truyền thống cách mạng đã và đang vượt qua thời kỳ gian khó, từng bước trở thành cực tăng trưởng mới của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước. Sau 30 năm chia tách từ tỉnh Nghệ Tĩnh (1991 – 2021), hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã biến tiềm năng thành thế mạnh, tăng sức hấp dẫn thu hút đầu tư, khơi dậy nội lực, tạo nên những chuyển biến đổi thay rõ rệt.

Cầu Cửa Hội có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng là chiếc cầu “nối bờ vui” thứ ba bắc qua sông Lam nối liền hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh được đưa vào khai thác. Vào thời điểm này, những ki-lô-mét cuối cùng của tuyến đường bộ ven biển Cửa Hội – Vũng Áng đang khẩn trương được hoàn thành sẽ mở ra nhiều điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế – xã hội cũng như du lịch biển, kinh tế biển cho hai địa phương.

Nối nhiều bờ vui

Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Nguyễn Hải Nam vui mừng cho biết: Cầu Cửa Hội đi vào hoạt động góp phần hoàn thiện tuyến đường bộ ven biển qua hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, cải thiện hệ thống giao thông giữa hai bờ sông Lam, từng bước hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông khu vực Bắc Trung Bộ, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm phía nam tỉnh Nghệ An với phía bắc tỉnh Hà Tĩnh. Trong đó, Nghi Xuân là điểm kết nối quan trọng nhất trên tuyến, thông qua cầu Cửa Hội để kết nối toàn bộ khu vực dải ven biển Hà Tĩnh với khu vực thị xã Cửa Lò phía nam TP Vinh. Đến thời điểm hiện nay, ngoài các khu du lịch, đô thị, thương mại ven biển được xây dựng dọc tuyến đường ven biển, rất nhiều nhà đầu tư đã tiến hành khảo sát, hoàn tất thủ tục xây dựng khu đô thị sinh thái, du lịch, vui chơi giải trí đảo Xuân Giang 2 và vùng ven sông Lam, khu đô thị thông minh phía nam cầu Bến Thủy 1 và 2. Một ngày không xa, quy mô và không gian bờ nam sông Lam sẽ phát triển tương xứng, cân bằng với đô thị Vinh.

Cầu Bến Thủy 1, 2 và Cửa Hội nối hai bờ sông Lam Nghệ An – Hà Tĩnh liền một dải thì bốn cầu khác (Linh Cảm 2, Yên Xuân, Nam Đàn và Rộ) phía thượng nguồn sông Lam đã tạo thuận lợi cho người dân vùng Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, TP Vinh (Nghệ An) giao thương thuận lợi với các huyện phía tây bắc Hà Tĩnh như Đức Thọ, Hương Sơn; đồng thời, kết nối cửa khẩu quốc tế Cầu Treo với TP Vinh, cảng Cửa Lò được gần hơn.

Đồng chí Trần Quang Tuấn, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ cho rằng, sắp tới, tuyến cao tốc đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt – Vũng Áng đi vào hoạt động sẽ có thêm cầu thứ 8 nối qua sông Lam, đoạn Hưng Nguyên – thị xã Hồng Lĩnh thì giao thương giữa hai tỉnh và vùng càng thêm thuận lợi. Khi cung đường di chuyển được rút ngắn 20 km, hàng nghìn cơ hội việc làm tại Cụm công nghiệp Đức Thọ, thị xã Hồng Lĩnh sẽ mở ra với lực lượng lao động dồi dào ở Hưng Nguyên, Nam Đàn. Ngược lại, hàng hóa nông sản ở khu vực tây bắc Hà Tĩnh sẽ xâm nhập ngày càng sâu thị trường TP Vinh và khu vực lân cận.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh cho biết thêm: Với đặc thù của một tỉnh có diện tích rộng nhất nước và có địa hình khá phức tạp, nhiệm vụ kết nối vùng miền, khắc phục các điểm “tắc nghẽn” trong phát triển được tỉnh Nghệ An đặc biệt quan tâm. Các tuyến quốc lộ 7 và quốc lộ 48 theo trục đông-tây, dài hàng trăm ki-lô-mét lên các huyện tây Nghệ An đã được nâng cấp mở rộng gấp hai lần so với trước, giúp miền tây Nghệ An xích gần với miền xuôi. Các tuyến đường kết nối với tỉnh Hà Tĩnh, nhất là đường Hồ Chí Minh đi qua các vùng trung du đã góp phần đánh thức tiềm năng về nông nghiệp và đang trở thành “xa lộ” nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh với trang trại bò sữa công nghệ cao lớn nhất cả nước cùng các nhà máy chế biến đường, sữa, gỗ; các trang trại cây ăn quả…

Thu hút nhiều tập đoàn lớn

Những năm 90 của thế kỷ trước, trong bối cảnh đang phải đối mặt với bộn bề gian khó, song Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh đã nhận ra lợi thế vượt trội của Vũng Áng và dành nguồn lực thỏa đáng để xây dựng Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng sớm trở thành đầu tàu kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ.

Nhịp sống mới bên dòng Lam -0
              Gieo lạc vụ đông bằng công nghệ mới tại huyện Diễn Châu (Nghệ An). Ảnh: BÁO NGHỆ AN

Theo chia sẻ của Phó Trưởng Ban quản lý KKT Hà Tĩnh Hoàng Thanh Tùng, nhờ nằm ở vị thế đắc địa là đầu mối tụ hội của các tuyến giao thông, có cảng nước sâu Vũng Áng – Sơn Dương có thể tiếp nhận tàu 30 vạn tấn, kết nối hệ thống đường bộ cao tốc bắc – nam, quốc lộ 1, quốc lộ ven biển, quốc lộ 12C kết nối hành lang Đông – Tây với CHDCND Lào và vùng đông bắc Thái Lan…, KKT Vũng Áng được Chính phủ lựa chọn là KKT trọng điểm của cả nước được ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển.

Đến thời điểm hiện nay, với hơn 200 dự án đầu tư trong nước và nước ngoài tổng mức đăng ký đầu tư gần 16 tỷ USD đang hoạt động, tạo việc làm ổn định cho hơn 17 nghìn lao động, đóng góp hơn 60% tổng thu ngân sách của tỉnh.

Khu vực cảng Sơn Dương với độ sâu từ 15 – 22 m và có luồng hàng hải sâu 18 m, có thể đón được tàu có trọng tải 30.000 tấn đang được nhiều nhà đầu tư cảng biển trong nước và nước ngoài đặc biệt quan tâm để làm cảng trung chuyển quốc tế. Ngoài Tập đoàn Formosa thì nhiều tập đoàn lớn khác đang tiến hành khảo sát, lập dự án đầu tư nhà máy sản xuất pin ô-tô điện, ô-tô điện và cảng nước sâu tại KKT Vũng Áng để xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ và EU.

Nếu Hà Tĩnh, Thanh Hóa ưu tiên đầu tư công nghiệp nặng thì Nghệ An chọn ngành công nghiệp nhẹ (lắp ráp điện tử, dệt may…), công nghiệp thực phẩm… Bên cạnh việc nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, với phương châm “tỉnh mở, sở hỗ trợ”, Nghệ An đã thành công kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp vào đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp ở KKT Đông Nam như Việt Nam – Singapore (VSIP), WHA (Thái Lan), Hoàng Thịnh Đạt; sau đó cùng tỉnh kêu gọi các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Nhờ đó đến nay, Nghệ An đã, đang thu hút được nhiều nhà đầu lớn như: Luxshare ICT, BSE, Emtech, TH, Vingroup, The Vissai, Hoa Sen, Massan, Thiên Minh Ðức… với số vốn đầu tư lên đến nhiều tỷ USD. Mặc dù bị tác động của dịch Covid-19 nhưng các khu công nghiệp của VSIP, WHA đã cơ bản lấp đầy giai đoạn 1 và đang triển khai đầu tư giai đoạn 2 của dự án…

Điểm sáng nông thôn mới

Là một tỉnh nghèo, rộng nhất nước, đồi núi chiếm 85% nên trong quá trình bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), Nghệ An gặp không ít khó khăn. Bên cạnh việc tuyên truyền, người dân là chủ thể xây dựng NTM, Nghệ An đã đề ra chính sách đặc thù xây dựng NTM cho phù hợp với tình hình các địa phương; lồng ghép các chương trình, dự án, hỗ trợ xi-măng để “kích cầu”… Bên cạnh đó, đối với các huyện miền núi cao, huyện 30a, ở những vùng đặc biệt khó khăn thì Nghệ An đã có cách làm sáng tạo là tập trung xây dựng các mô hình thôn, bản NTM, các mô hình phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, từng bước rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Theo chia sẻ của đồng chí Hoàng Trung Dũng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, từ một tỉnh bộn bề khó khăn, Hà Tĩnh đã trở thành điểm sáng của cả nước trong xây dựng NTM. Đến nay, toàn tỉnh có 171 trong tổng số 182 xã đạt chuẩn NTM (tỷ lệ 94%), 19 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, hai xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 747 khu dân cư NTM kiểu mẫu, 7.244 vườn mẫu; 8 trong tổng số 13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Hà Tĩnh được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 – 2025.

Những người con xa quê lâu ngày chưa về Nghệ An, Hà Tĩnh dễ dàng cảm nhận nhiều đổi thay, khó ngờ trên quê hương Xô-viết. Càng vui hơn khi hai tỉnh vẫn đùm bọc, hỗ trợ nhau cùng hướng về phía trước. Những khó khăn, nhọc nhằn, vất vả một thuở nay như đã lùi vào dĩ vãng.

Theo Báo Nhân dân

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo