Nhìn nhận xu hướng phát triển đô thị biển đảo Phú Quốc

Các chuyên gia về bất động sản, quy hoạch và đô thị góp mặt tại Hội thảo.

Các chuyên gia về bất động sản, quy hoạch và đô thị góp mặt tại Hội thảo.

Các chuyên gia về bất động sản, quy hoạch và đô thị góp mặt tại Hội thảo.

Nhiều người luôn hình dung Phú Quốc là một “thiên đường du lịch” với sự phát triển của các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí tại hòn đảo này. Thế nhưng, trong tương lai gần, Phú Quốc không chỉ và không thể mãi chỉ là một “điểm đến”, mà còn nhiệm vụ phải trở thành một thành phố đảo đáng sống và làm việc.

Tại Hội thảo “Không gian đô thị Phú Quốc: Sự dịch chuyển mạnh mẽ của xu hướng đầu tư mới” được tổ chức ngày 11/8, các chuyên gia về bất động sản và quy hoạch đã nhìn nhận những tiềm năng, cũng như những thực tế trong phát triển đô thị tại thành phố đảo Phú Quốc.

Hội thảo được tổ chức dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tạp chí Bất động sản Việt Nam (Reatimes) và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) phối hợp cùng Meyland Phú Quốc.

Tầm nhìn đô thị Phú Quốc

Ngày 23/6/2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định 767/QĐ-TTg về Nhiệm vụ Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040.

Qua đó, xác định mục tiêu quy hoạch là phát triển thành phố Phú Quốc trở thành một đô thị biển đảo đặc sắc; một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng và dịch vụ có bản sắc, chất lượng cao, có sức hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế; đồng thời là một trung tâm thương mại, dịch vụ ứng dụng công nghệ cao ở tầm cỡ khu vực và quốc tế; trung tâm chính trị-văn hóa.

Thành phố Phú Quốc còn hướng tới một không gian sống chất lượng và gắn bó của người dân trên đảo; quản lý phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Kiên Giang cũng đã xác định mục tiêu xây dựng TP Phú Quốc đạt đô thị loại I vào năm 2025, trở thành thành phố du lịch biển đảo quốc gia và quốc tế.

Với vị thế là thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam, dự báo đến 2030, Phú Quốc sẽ có 550.000 dân. Với mức dân số tăng gấp 3 lần hiện tại, “Đảo ngọc” được đánh giá sẽ trở thành một trung tâm kinh tế-tài chính mới của khu vực và thế giới trong tương lai.

Phú Quốc không chỉ hấp dẫn giới đầu tư kinh doanh, mà còn thu hút đội ngũ chuyên gia, nhân sự chất lượng cao về làm việc, sinh sống. Với vị trí địa lý đặc biệt, nơi đây có nhiều tiềm năng để hình thành quần thể cộng đồng trí thức cao, tinh hoa hội tụ, đặc biệt của khu vực Đông Nam Á.

Đứng trước những cơ hội đó, Phú Quốc đang dần chuyển mình mở rộng và hiện đại hóa không gian đô thị. Tuy nhiên, song hành cùng cơ hội là những thách thức cần phải giải quyết như: Thiếu hụt những mô hình phát triển mới, bền vững, tích hợp đa chức năng về y tế, giáo dục, thương mại dịch vụ tài chính ngân hàng…

Phát triển đô thị biển đảo “xanh”

Để phát triển xứng tầm, hơn lúc nào hết Phú Quốc cần nhanh chóng phát triển các sản phẩm bất động sản tương xứng, đặc biệt là các khu đô thị cao cấp, chất lượng.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam nhận định, so với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, giá đất tại Phú Quốc vẫn còn thấp hơn nhiều, do đó dư địa tăng giá còn cao. Mặt khác, nhu cầu về ở định cư lâu dài tại các khu đô thị Phú Quốc khá lớn, đặc biệt các khu du lịch lớn phát triển kéo theo lượng lớn lao động dịch vụ, kỹ thuật, chuyên gia nước ngoài đến sinh sống và làm việc.

Do đó, phát triển các khu đô thị mới đầy đủ tiện ích, bảo đảm hài hòa với môi trường tự nhiên, gìn giữ được hệ sinh thái của Đảo ngọc sẽ là xu hướng dẫn dắt thị trường bất động sản Phú Quốc sắp tới.

GS, TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường nhận định Phú Quốc chưa nên phát triển là thành phố về công nghệ, khoa học kỹ thuật chuyên ngành, mà nên tập trung khía cạnh thiên nhiên, môi trường trước.

Ông cho biết: “Các nhà hoạch định nên lấy điểm mạnh của Phú Quốc là nơi chưa bị ảnh hưởng về môi trường tự nhiên, qua đó có thể phát triển như một “viện bảo tàng môi trường”, nhấn mạnh tiêu chí hòn đảo sạch, bảo tồn thiên nhiên điển hình của khu vực và thế giới”.

Phú Quốc trước mắt nên triển khai như vậy mới kéo giá trị gia tăng của du lịch, sau đó mới tính đến bước phát triển các khu khoa học-công nghệ hiện đại. Đây chính là điểm “độc và lạ” của thành phố Phú Quốc để thu hút du khách và cư dân đến sinh sống và làm việc.

Nhìn chung, các chuyên gia nhận định việc quy hoạch và phát triển Phú Quốc theo hướng các đô thị nhà ở là phù hợp nhu cầu thực tiễn hiện nay, song phải thận trọng.

Phú Quốc càng được thiên nhiên ưu ái, chúng ta lại càng cần tôn trọng tự nhiên, gìn giữ nguồn nước và bảo tồn thiên nhiên. Từ đó, phát triển các khu đô thị tại đây mới bền vững và bảo đảm đúng tiêu chí của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Nhandan

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo